Đến Lưu Xá ngày nay (Hải Ấp xưa), sẽ thấy những làng xóm bình yên, những đồng lúa xanh rộn rã, những bãi ngô bát ngát bên dòng sông Luộc. Những lâu đài, lăng tẩm nguy nga tráng lệ, linh thiêng của dòng họ Lưu, họ Trần xưa không còn nữa, nhưng ta vẫn hình dung cảnh thuyền vua Lý về thăm đất Lưu gia, thấy hình ảnh thủy tổ Trần Lý cùng các con cháu họ Trần đánh cá trên sông, nghe đâu đây âm vang của những tiếng voi gầm ngựa hý, tiếng reo hò từ những chiến thuyền chống Nguyên Mông với tiếng hô “Sát Thát” thuở nào.
Mảnh đất giàu lịch sử
Nằm bên bờ sông Luộc, làng Lưu Xá xưa thuộc Hải Ấp, nay là xã Canh Tân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Lưu Xá xưa là đất phong của Lưu Ngữ, một đại thần của Lê Đại Hành. Bất bình với bạo chúa Lê Ngọa Triều, ông đã cùng liên kết với Sư Vạn Hạnh và Đào Cao Mộc thay đổi vương triều. Lưu Ngữ có hai con trai là Lưu Khánh Đàm và Lưu Điều, hai con nuôi là Nguyễn Huy và Nguyễn Kỳ. Vì tuổi già, ông gửi các con cho Lý Công Uẩn dạy bảo.
Phối cảnh tổng thể cụm di tích lịch sử Lưu Xá. |
Lưu Khánh Đàm và Lưu Điều cùng Vạn Hạnh, Đào Can Mộc phò Lý Công Uẩn lên ngôi, dâng chiếu dời đô từ Hoa Lư lên Thăng Long, dựng lên cơ nghiệp nhà Lý huy hoàng. Với nhiều công lao to lớn, Lưu Khánh Đàm được phong làm Thái phó, Lưu Điều làm Thái úy.
Cuối đời, Lưu Khánh Đàm về ở Lưu Xá sửa chùa làng và tu ở đó. Ngày ông mất, vua Lý Thánh Tông về dự lễ an táng và ban tên chùa nơi ông tu hành là Bảo Quốc tự, ban cho ông tước Vương và ban Mỹ tự là Chính trực chiêu cảm, lại cho xây tháp cao chín trượng, chín tầng.
Lưu Điều được phong Thái úy phục vụ ba triều vua Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông và Lý Thánh Tông. Cuối đời ông về sống ở Lưu Xá.
Với công lao to lớn của các ông, các triều đại phong kiến Việt Nam đã có 14 sắc phong nay còn được lưu giữ tại đền. Các sắc phong đều ghi rõ các ông là khai quốc công thần. Thành phố Hà Nội cũng đã đặt tên đường phố Lưu Khánh Đàm tại quận Long Biên.
Cuối triều Lý, Lưu Xá - Hải Ấp ấy lại được Trần Lý - thủy tổ của họ Trần chọn làm thái ấp, để rồi từ đấy mối nhân duyên giữa Trần Thị Dung và Hoàng tử Sảm đã đưa nhà Trần vào Thăng Long thay vương triều Lý.
Lưu Xá xưa chắc đã có những công trình nguy nga, tráng lệ, những lăng tẩm linh thiêng, hoành tráng. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, tàn phá của thiên nhiên và thời gian, ngày nay những công trình đó không còn nữa. Nhưng bài thơ nổi tiếng “Chương Dương độ” của Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải đã phần nào nói lên điều này:
“Lưu gia xanh ngắt một trời mây
Thuyền ngự xuôi dòng trước ghé đây
Tháp cổ đình xưa làn nước chiếu
Đền hoang mộ cũ dãy lân bày
Thái bình nghìn dặm cơ đồ rộng
Lý đại hai trăm vận mệnh dài
Trở lại khách thơ đầu đã bạc
0Vào năm Tự Đức 22 (1866) sông Luộc chuyển dòng đã cuốn đi làng xóm và những “tháp cổ, đình xưa”. Nhân dân Lưu Xá đã dời lăng mộ của Lưu Khánh Điều, Lưu Đàm khỏi vùng bãi. Chùa Báo Quốc, Đình Lưu Xá và đền thờ Tứ vị Đại Vương (Lưu Khánh Đàm, Lưu Điều, Nguyễn Huy, Nguyễn Kỳ) cùng với xóm làng vào trong đê.
Phát huy giá trị
Năm tháng đã qua, nhiều công trình có giá trị của đất Lưu gia xưa đã không còn nữa, nhưng đền và chùa Lưu Xá thì may mắn vẫn giữ được nguyên dáng vẻ cổ kính xưa. Đền và chùa được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Trước cửa đền có cây sanh cổ thụ tán che rợp sân đình, đã được cấp bằng công nhận cây Di sản của Việt Nam.
Hàng năm nhân dân Lưu Xá vẫn mở hội để tưởng nhớ công lao các danh nhân họ Lưu vào các ngày mồng 10 tháng 3 và ngày 15 tháng 10 âm lịch. Lễ hội mồng 10 tháng 3 được tổ chức từ ngày mồng 9 đến ngày 15 để nhân dân địa phương và du khách tới lễ bái tưởng niệm. Đền, chùa được nhân dân và chính quyền địa phương chăm sóc, hương khói quanh năm.
Để vinh danh và tưởng nhớ công đức các danh nhân họ Lưu, họ Trần với đất nước, góp phần giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, UBND tỉnh Thái Bình đã giao cho UBND huyện Hưng Hà làm chủ đầu tư, Công ty cổ phần Quy hoạch và Kiến trúc Việt Nam lập quy hoạch chi tiết xây dựng cụm di tích lịch sử các danh nhân họ Lưu tại xã Canh Tân.
Trải qua gần 2 năm xây dựng, đồ án Quy hoạch chi tiết Khu di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật đền Lưu Xá, chùa Báo Quốc và các di tích danh nhân họ Lưu tại xã Canh Tân huyện Hưng Hà đã được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt tại Quyết định số 2785/QĐ - UBND, ngày 13/12/2013.
Theo đồ án được duyệt, trong tương lai khu di tích sẽ được nằm trong hệ thống du lịch của huyện Hưng Hà, của tỉnh Thái Bình và của đồng bằng sông Hồng. Cụ thể, về đường thủy, tuyến du lịch trên sông Hồng và sông Luộc có ảnh hưởng trực tiếp tới khu di tích. Du khách từ Hà Nội có thể theo sông Hồng tới thăm làng cổ, gốm sứ Bát Tràng (Hà Nội); khu di tích lịch sử Tiên Dung, Chử Đồng Tử, Chiến thắng Hàm Tử, Tây Kết, Mạn Trù, Bãi Sậy, Phố Hiến (Hưng Yên), Đền Lảnh Giang, Trần Thương, Bà Vũ và di tích Nam Cao (Hà Nam), khu Đền Trần (Nam Định), khu bến đò Lưu gia Lăng mộ Lưu Khánh Đàm, Lưu Điều, đền thờ Lưu Ngữ và chùa Báo Quốc, khu di tích nhà Trần, Kỳ đồng Nguyễn Văn Cẩm; khu di tích Lê Quý Đôn, đền Tiên La thờ Đông Nhung Đại tướng quân ở Đoan Hùng (Hưng Hà - Thái Bình).
Còn về đường bộ, khu di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật đền Lưu Xá, chùa Báo Quốc và các di tích danh nhân họ Lưu sẽ trở thành điểm du lịch quan trọng trong hệ thống các di tích danh lam thắng cảnh trong tỉnh Thái Bình và trong vùng như khu di tích nhà Trần, đền thờ Đông Nhung đại tướng quân Vũ Thị Thục, khu di tích Lưu Xá, đền thờ Trần Thủ Độ, đền thờ Linh Từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung, Kỳ đồng Nguyễn Văn Cẩm, khu lưu niệm nhà bác học Lê Quý Đôn... (Thái Bình), đền Lảnh Giang, chùa Long Đọi Sơn (Hà Nam) và khu Đền Trần, chùa Tháp, Bảo Lộc (Nam Định), Phố Hiến (Hưng Yên).
Cũng theo quy hoạch này, chùa Báo Quốc, đền Lưu Xá sẽ được bảo tồn tôn tạo. Đình Lưu Xá được xây dựng lại.
Lăng mộ Thái úy Lưu Khánh Đàm và Thái úy Lưu Điều sẽ được tôn tạo. Lăng sẽ được xây 9 tầng với các họa tiết hoa văn hình hoa Mẫu đơn. Phía trước là sân rộng, hai bên là hai nhà soạn lễ và tiếp đón khách. Phía trước khu mộ Thái phó Lưu Khánh Đàm tạo hồ nước nhỏ, phía sau đắp đồi nhỏ. Khu mộ Thái úy Lưu Điều cũng được tôn tạo. Hai giếng mắt rồng được bảo tồn. Khuôn viên hai lăng mộ được mở rộng trồng nhiều cây bóng mát và hoa mẫu đơn. Những vườn hoa mẫu đơn nhiều màu sắc sẽ là bức tranh độc đáo để phục vụ du khách có hoa vào thắp hương các bậc tiền nhân, vừa để mọi người tưởng nhớ tới truyền thuyết giấc mơ cụ Lưu Ngữ gặp tiên Mẫu Đơn để rồi trong một ngày hai bà vợ cùng sinh ra Lưu Khánh Đàm và Lưu Điều.
Bến Lưu gia xưa được tái tạo lại trên bờ sông Luộc sẽ đón du khách đi bằng đường thủy tới thăm di tích. Trên bến xây dựng hai đền thờ: Đền thờ dòng họ Lưu để tưởng nhớ các danh nhân họ Lưu có công với đất nước như Lưu Cơ phò Đinh Bộ Lĩnh, Lưu Ngữ phò Lê Đại Hành, Lưu Khánh Đàm, Lưu Điều và biết bao các danh sĩ họ Lưu khác; đền thờ họ Trần để tưởng nhớ thủy tổ Trần Lý và các danh nhân khác có công với đất nước như Trần Tự Khánh, Trần Thừa, Trần Thủ Độ, Trần Thị Dung, Trần Quang Khải, Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toàn... Một con đường rộng với hai hàng cây râm mát được mở từ khu đền, chùa qua hai lăng mộ ra bến Lưu gia tạo thành tuyến du lịch hấp dẫn.
KTS. Nguyễn Thế Khải