Làng bản hai bên sông men theo các dãy núi Pu Si Lung và Pu Đen Đinh chìm ẩn trong mây. Cảnh sắc đậm chất thơ của núi rừng Tây Bắc trong một ngày nắng đẹp.
Đường từ trung tâm huyện lên Pắc Ma tuy còn hẹp nhưng đã được trải nhựa. Công trình thuỷ điện lớn ở đây đang thi công giai đoạn cuối. Từ trên cao nhìn xuống, toàn công trình thuỷ điện giữa dòng chính sông Đà khá đồ sộ. Đập chính đã hoàn thành. Các công trình khác cũng đang chạy đua với thời gian. Được biết, thuỷ điện Pắc Ma, tiếp theo thuỷ điện Lai Châu, được xây dựng trên đất các xã Mù Cả và Ka Lăng, có công suất lắp máy 140 MW, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế của Mường Tè.
Từ Pắc Ma, chúng tôi đi tiếp lên Ka Lăng, nơi sông Đà chảy vào đất Việt, một điểm đến được mong đợi của anh em trong đoàn. Trung tá Nguyễn Văn Tuấn, Phó Trưởng đồn biên phòng Ka Lăng, đón chúng tôi tại trạm biên phòng ngay bên bờ sông để cùng đi tiếp lên Kẻng Mỏ, nơi có cột mốc biên giới số 18.
Các chiến sĩ biên phòng Ka Lăng đang trong những ngày bận rộn, khẩn trương khi Tết đến xuân về với nhiệm vụ bảo vệ an ninh trên cả một vùng biên giới nhiều khó khăn, phức tạp. Như trên các tuyến biên giới khác, họ nhận về mình những hy sinh thầm lặng để đất nước có một mùa xuân bình yên.
Trung tá Nguyễn Văn Tuấn năm nay 40 tuổi. Hơn 20 năm trong quân ngũ, chàng trai quê Nam Định ấy đã bám trụ ở các địa bàn khó khăn. Nhiều cán bộ chiến sĩ ở Ka Lăng cũng như Tuấn. Họ từ các miền quê khác nhau lên đây vì nhiệm vụ chung.
Trạm biên phòng Kẻng Mỏ nằm sát ngay cột mốc. Ngay khi đến nơi, chúng tôi đã đề nghị đồn phó Nguyễn Văn Tuấn và các chiến sĩ cho ra thăm cột mốc. Do điểm phân giới ngay ngã ba, nơi sông Đà và sông nhánh Nậm Là gặp nhau rồi đi vào địa phận Việt Nam nên cột mốc ở đây cũng rất đặc biệt. Có ba cột cùng mang số 18, hai cột ở hai bên bờ sông trên đất Việt Nam, cột mốc thứ ba nằm bên kia bờ Nậm Là, trên địa phận Trung Quốc. Cột mốc nằm sát bờ sông, phải leo theo các bậc thang từ trên cao xuống, khá dốc.
Khi chạm đến cột mốc sát mép nước, chúng tôi có cảm giác rất đặc biệt. Từ vùng đất địa đầu Mù Cả - Ka Lăng này, sông Đà khởi đầu hành trình 527 km, qua nhiều miền quê rồi hợp lưu với sông Hồng tại ngã ba Bạch Hạc. Chúng tôi vừa từ cột mốc số 0 - A Pa Chải về thẳng Ka Lăng. Tôi từng đến các cột mốc địa đầu ở Lũng Cú, Pò Hèn... trên biên giới phía Bắc. Tôi cũng vừa tới ở cột mốc “ngã ba Đông Dương” ở cửa khẩu Bờ Y, Tây Nguyên cách đây không lâu. Ở Ka Lăng sớm nay cũng như như các cột mốc biên giới khác, cảm nhận về tổ quốc trong mỗi chúng tôi rất cụ thể, khi đất đai cương vực tổ tiên để lại bắt đầu ngay từ nơi mình đang đứng.
Cuộc gặp gỡ với các chiến sĩ Nông Văn Thành và Phàn Văn Kinh, những người đang trực ở trạm biên phòng Kẻng Mỏ giúp chúng tôi hiểu thêm về công việc và đời sống của những người lính nơi tiền tiêu. Nông Văn Thành người dân tộc Tày bên Điện Biên, đã có một số năm bám trụ ở Ka Lăng, còn Phàn Văn Kinh, dân tộc Dao, là lính mới. Nhiệm vụ cùng đồng đội bảo vệ an ninh trên tuyến biên giới trọng yếu này đặt trên vai những người lính như họ...
Căn nhà trạm biên phòng bằng gỗ, dựng trên mé đồi, nhìn ngay xuống ngã ba sông. Các chiến sĩ nuôi gà, lợn, bò, trồng các loại rau xanh ngay bên bờ sông. Ở nơi heo hút, xa thôn bản, mùa lạnh không ít ngày gió sương băng giá, đường về doanh trại chính cũng mấy chục ki lô mét, nhưng họ sống gọn gàng, ngăn nắp. Trạm cũng có dàn pin điện mặt trời để tạo nguồn ánh sáng. Vườn cây ăn quả được chăm sóc tốt. Bữa cơm gia đình với những người lính bằng gà tự nuôi, rau tự trồng ở nơi cách trung tâm Mường Tè đến cả trăm ki lô mét không bao giờ quên với chúng tôi.
Nhìn trên bản đồ, Mường Tè kề bên Mường Nhé và Nậm Nhùn trong thế nương tựa vào nhau ở mảnh đất phên dậu cực tây của đất nước. Trong thế liên hoàn ấy, Mường Tè là nơi phong phú về tài nguyên nước, rừng, khoáng sản... Đây là cũng là mảnh đất của cộng đồng các dân tộc Thái, Hà Nhì, Si La, La Hủ,… sinh sống đã bao đời. Khi chưa tách một số xã để lập huyện Mường Nhé, Mường Tè là huyện có diện tích lớn nhất nước; là nơi có phần lớn của lòng hồ thuỷ điện Lai Châu, mặc dù nhà máy chính hiện nay nằm trên đất Nậm Nhùn.
Phó Chủ tịch huyện Mường Tè, Kiều Hải Nam cùng với Chánh văn phòng Lý Anh Sinh UBND huyện, tiếp chúng tôi ngay tại trung tâm huyện. Qua câu chuyện với các anh, chúng tôi được biết, dù là một trong những huyện khó khăn nhất nước, trong thời gian qua,tình hình kinh tế xã hội ở Mường Tè có nhiều chuyển biến; an ninh biên giới được giữ vững; tình hình xã hội ổn định; sản xuất phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 23,85 triệu đồng/năm. Trong 5 năm vừa qua, tỷ lệ hộ nghèo ở Mường Tè đã giảm một nửa, từ gần 62% xuống còn 31%. Sản xuất nông, lâm nghiệp có chuyển biến rõ rệt, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 18.500 tấn, bình quân lương thực đầu người đạt gần 392 kg. Hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển khá; công tác quy hoạch, quản lý đô thị, quản lý tài nguyên, môi trường được tăng cường.
Mường Tè đang triển khai mạnh mẽ kế hoạch phát triển với mục tiêu tiếp tục đổi mới toàn diện trong 5 năm tới.
Kiều Hải Nam năm nay vào tuổi 43. Anh được tăng cường từ tỉnh về Mường Tè năm trước. Lý Anh Sinh người dân tộc Hà Nhì, quê ở Ka Lăng, từ ngành công an chuyển qua, năm nay mới 35 tuổi. Họ là những cán bộ trẻ, đang đảm đương những công việc quan trọng trên địa bàn nhiều khó khăn này. Qua câu chuyện, chúng tôi nhận thấy những khát vọng và tâm huyết của các anh, và có lòng tin về tương lai phát triển của Mường Tè với những con người trẻ như vậy.
Trong câu câu chuyện, Kiều Hải Nam nói đến bản sắc văn hoá, lịch sử, tài nguyên thiên nhiên, thế mạnh và là tiềm năng phát triển du lịch ở Mường Tè trong những năm tới. Mường Tè có những thắng cảnh, di tích, hang động, suối khoáng, núi đá tự nhiên nổi tiếng: Di tích Hòn đá trắng linh thiêng của người Hà Nhì ngay sát biên giới. Những khu ruộng bậc thang lâu đời. Phong cảnh đẹp ở các xã Mù Cả, Ka Lăng, Tà Tổng, Thu Lũm. Những lễ hội văn hoá dân gian độc đáo cùng văn hoá ẩm thực phong phú của người Thái, Si La, La Hủ... góp phần làm nên sức thu hút của vùng văn hoá này.
Mường Tè có một di tích rất có ý nghĩa liên quan đến luật sư, cố Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ. Năm 1950, do những hoạt động tích cực trong phong trào yêu nước, luật sư bị thực dân Pháp đưa lên Mường Tè để giam lỏng. Tháng 6-1950, người Pháp đưa luật sư bằng máy bay ra thị xã Sơn La, rồi đi bằng ô tô theo đường số 6 đến Lai Châu, rồi đưa bản Giằng ở Mường Tè. Điều người Pháp không ngờ là luật sư Nguyễn Hữu Thọ, với đạo đức và sức cảm hoá của mình, được bà con người Giáy ở bản Giẳng đùm bọc, yêu mến, xem như người con, người thầy của bản. Nhân dân địa phương đã dựng riêng một ngôi nhà sàn gỗ để luật sư sinh sống và hết lòng chăm lo cho ông.
Nhà báo Trần Việt Hoàng, Trưởng CQTT của TTXVN ở Lai Châu cho biết, sau ngày giải phóng, luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã lên bản Giẳng thăm lại và con. Ông rất xúc động với tình cảm của người dân bản Giẳng sau bao năm vẫn vẹn nguyên.
Trần Việt Hoàng, người đã lên bản Giẳng cho biết, ngày nay dân bản vẫn kể cho nhau nghe câu chuyện 70 năm trước khi luật sư sống giữa tình yêu thương đùm bọc của người dân bản. Những cô gái trẻ năm ấy nay đã thành những bà lão. Những món quà nhỏ luật sư tặng khi trở lại bản Giẳng là những kỷ vật đối với họ. Tình người bản Giẳng với luật sư Nguyễn Hữu Thọ là một trong những câu chuyện đẹp về lòng dân đối với cách mạng từ những năm tháng gian nan đối với chúng tôi trong chuyến lên Mường Tè lần này.