Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho biết: Từ khi có Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá, thành lập Ban chỉ đạo 9 quốc gia từ Trung ương đến địa phương, công tác chống buôn lậu thuốc lá đã có chuyển biến tích cực.
Các đối tượng vận chuyển thuốc lá lậu công khai qua ngã ba Đức Hòa (thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa, Long An). Ảnh: Trường Giang/TTXVN |
"Điều này đặc biệt thể hiện trong năm 2015. Lượng thuốc lá nhập lậu đã giảm đến 30%, tức khoảng 300 triệu bao so với năm trước. Nhưng sang năm 2016, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, do công tác chống buôn lậu thuốc lá không quyết liệt bằng năm 2015 nên tình hình buôn lậu thuốc lá tái diễn tinh vi hơn, manh động hơn", ông Cường nhận định.
Điển hình là vụ việc một cán bộ quản lý thị trường hi sinh do bị đối tượng buôn lậu thuốc lá tấn công vào tháng 8/2016 tại Long An. Các đối tượng buôn lậu được trang bị thiết bị hiện đại như tàu, thuyền tốc độ cao, thậm chí cả vũ khí để tấn công lực lượng chức năng.
Thuốc lá lậu tràn vào Việt Nam đã khiến sản xuất kinh doanh của ngành thuốc lá suy giảm. Nhiều đơn vị giảm 15% sản lượng, có sản phẩm giảm đến 30%. Với người tiêu dùng, thuốc lá nhập lậu không kiểm soát được chất lượng, có thể chứa một số độc tố gây hại cho sức khỏe.
Ông Cường cho biết, Hiệp hội đã kiến nghị Chính phủ, Quốc hội, các Bộ, đặc biệt là Ban chỉ đạo 9 Quốc gia cùng vào cuộc và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 30 của Thủ tướng. Trong chỉ thị này đã phân công rất rõ trách nhiệm của các bên. Chỉ cần thực hiện nghiêm túc chỉ thị là công tác chống buôn lậu sẽ chuyển biến tốt.
Hội nghị tổng kết ngành thuốc lá đã xác định năm 2017, chống buôn lậu thuốc lá vẫn là nhiệm vụ trọng tâm. |
Đồng thời, kiến nghị cho phép sử dụng một phần Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá để trang bị phương tiện, thiết bị cho lực lượng chức năng: quản lý thị trường, công an, hải quan, biên phòng... thi hành nhiệm vụ.
Một giải pháp nữa cũng được nêu, đó là: Trước đây Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam hỗ trợ việc bắt giữ, tiêu hủy thuốc lá lậu mức 1.100 đồng/bao. Đầu năm 2016 tăng lên 3.500 đồng và mới đây tăng lên 4.500 đồng/bao. Số tiền này lấy từ ngân sách các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá. Điều này sẽ góp phần giúp công tác bắt giữ thuốc lá lậu hiệu quả hơn.
Tại Hội nghị Tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2016, phương hướng hoạt động 2017 của Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam diễn ra ngày 7/1, ông Vũ Văn Cường cho biết: Sản lượng thuốc lá điếu năm 2016 đạt 3,5 tỷ bao, tăng 3% so với năm trước. Nộp ngân sách hơn 9.700 tỷ đồng, tăng 12%. Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa chỉ đạo năm 2017, Tổng Công ty cần thực hiện sâu rộng hơn nữa Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, cũng như đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa. |