Đây là vấn đề vừa có tính cấp bách vừa mang tính chiến lược và cũng là giải pháp để nâng cao năng suất lao động, hướng đến giải quyết dứt điểm tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, nhất là đối với giới trẻ.
Năm đầu giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh đạt chỉ tiêu
Tiến sĩ Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Năm 2017, năm đầu tiên Bộ LĐTBXH thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp (GDNN) (trừ các trường sư phạm) và triển khai đào tạo theo Luật giáo dục nghề nghiệp. Bộ LĐTBXH đã kịp thời hướng dẫn, đôn đốc các địa phương bàn giao chức năng quản lý nhà nước về GDNN, từ đó kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về GDNN từ trung ương đến địa phương.
Chuyên gia Pháp trực tiếp hướng dẫn học sinh nhà trường thực hành môn điện công nghiệp tại trường. Ảnh: Vĩnh Trọng/TTXVN |
Trong năm 2017, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về GDNN, đã tham mưu cho Bộ ban hành và trình Chính phủ ban hành tổng cộng 42 văn bản quy phạm pháp luật về GDNN; Xây dựng và trình Chính phủ Đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”. Đề án đã đưa ra những giải pháp đồng bộ, trong đó xác định 3 giải pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng GDNN, bao gồm:trao quyền tự chủ đầy đủ cho các cơ sở GDNN gắn với trách nhiệm giải trình, cơ chế đánh giá độc lập, sự kiểm soát của nhà nước, giám sát của xã hội; chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng; gắn kết GDNN với thị trường lao động, việc làm bền vững và an sinh xã hội; Rà soát, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở GDNN theo hướng tinh gọn giảm chồng chéo. Điểm nhấn của đề án là xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Từ khi chuyển giao thống nhất về GDNN về Bộ LĐTBXH quản lý, công tác tuyển sinh đã được các cơ sở GDNN tích cực triển khai,ước đạt2,2 triệu người, trong đó tuyển sinh trình độ cao đẳng và trung cấp là 540.000 người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng được hơn 1,6 triệu người. “Đây là năm đầu tiên sau 3 năm, hệ thống trường trung cấp, cao đẳng tuyển sinh đủ chỉ tiêu. Điều đó cho thấy nhận thức xã hội về học nghề, có việc làm đang dần thay đổi.
Tổng cục Giao dục nghề nghiệp phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí để tăng cường công tác truyền thông về GDNN để thay đổi nhận thức của người dân về học nghề. Lợi thế học nghề là tỷ lệ học sinh tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt trên 70%, ở một số nghề đạt trên 90%, với mức thu nhập bình quân từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng... Đây chính là kết quả đáng khích lệ,tạo đà để đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN trong những năm tiếp theo”, TS Trương Anh Dũng cho biết.
Điểm nhấn đáng chú ý là tại Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 44 năm 2017 với kết quả đoàn Việt Nam đạt 1 huy chương đồng và 5 chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc, điểm bình quân của các thí sinh Việt Nam đứng thứ 16 trong tổng số 58 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia Kỳ thi.
TS Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chia sẻ: Trong bối cảnh công tác tuyển sinh trong năm 2018 tiếp tục gặp nhiều khó khăn khi cơ chế tuyển sinh đại học đã mở cửa với người học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần chú trọng công tác thông tin tuyên truyền cho người học về giáo dục nghề nghiệp, đồng thời tăng cường đổi mới chương trình và phương thức đào tạo, đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo, hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cơ hội việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp. Đối với công tác rà soát, sắp xếp và xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII, Tổng cục sẽ nghiên cứu để tham mưu cho Bộ trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Trường nghề kém hiệu quả sẽ giải thể hoặc sáp nhập
Chia sẻ về quy hoạch hệ thống trường cao đẳng, trung cấp, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Quân cho biết: Quan điểm của Bộ LĐTBXH là những trường 3 năm liền tuyển sinh không hiệu quả, tức là dưới 50 % chỉ tiêu, thì sẽ thuộc đối tượng tái cấu trúc. Bộ LĐTBXH đang trình Chính phủ ban hành quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ cũng phối hợp với các địa phương thực hiện các đề án cấp tỉnh, cấp ngành trong năm 2018.
Giờ học thực hành tại trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hải Phòng. Ảnh: XC |
Cụ thể sẽ có 2 hình thức sáp nhập hoặc giải thể. Hướng thứ nhất là các trường yếu kém sẽ sáp nhập vào các trường khác nhằm tận dụng cơ sở, mạng lưới qua đó hình thành nên các trường trọng điểm chất lượng cao. Những trường trung cấp chỉ sống bằng liên kết cho thuê địa điểm, tuyển sinh không đáp ứng được chỉ tiêu…sẽ là đối tượng đầu tiên được tái cấu trúc.
Hướng thứ hai là căn cứ vào thực tế một số trường hợp do điều kiện cơ sở vật chất và một số điều kiện khác chưa đáp ứng được cho việc sáp nhập thì sẽ phải giải thể.
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Quân cho biết: Việc quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp sẽ theo lộ trình đang trình Chính phủ phê duyệt. Theo đó, từ nay tới năm 2020, về cơ bản những trường trung cấp sẽ sáp nhập về các trường cao đẳng. Tuy nhiên trong giai đoạn này, Bộ LĐTBXH cũng không cứng nhắc trong việc sáp nhập cả những trường đang hoạt động tốt vào với nhau. Nhiều khi như thế lại tạo ra trường “ốm yếu”.
Thay vào đó, những trường trung cấp đang hoạt động và có hiệu quả tốt có thể nhận được những hỗ trợ để nâng cấp lên cao đẳng. Việc quy hoạch lại mạng lưới các trường cao đẳng, trung cấp sẽ gắn với công tác tự chủ của các trường. Từ năm 2018 trở đi, Bộ LĐTBXH sẽ mạnh dạn giao quyền tự chủ cho nhiều trường, đặc biệt là những trường chất lượng cao được đầu tư. Việc tự chủ sẽ gắn liền với cạnh tranh chất lượng đào tạo của các trường. Qua đó dần tiến tới cơ chế đặt hàng đào tạo của doanh nghiệp.
Trên thực tế, trong giai đoạn vừa qua, Bộ LĐTBXH đã triển khai việc sáp nhật 3-4 trường trung cấp thành 1 trường trọng điểm tại 8 tỉnh như Hà Giang, Đắc Lắc, Long An, Gia Lai…Đây là các tỉnh có nguồn ngân sách nhà nước ít, nhu cầu về nhân lực của các doanh nghiệp trên địa bàn không nhiều. “Những trường hợp như trên không thể duy trì mỗi tỉnh có tới 3-4 trường trọng điểm được. Sắp tới, Bộ sẽ thực hiện tại Phú Thọ, Sơn La, Cà Mau… Bộ LĐTBXH cũng sẽ cân nhắc việc quy hoạch trường nghề ở khu vực trọng điểm kinh tế, nhu cầu nhân lực lớn. Theo đó, các trường sẽ có cơ hội được giao quyền tự chủ lớn hơn, giảm dần chi thường xuyên của nhà nước và các đầu mối để ưu tiên đầu tư”, Thứ trưởng Lê Quân cho biết.
Mục tiêu từ nay tới năm 2020, Bộ LĐTBXH kỳ vọng sẽ có khoảng 100 trường cao đẳng chất lượng cao. Tới năm 2030, con số các trường cao đẳng chất lượng cao sẽ là 200 trường. Bên cạnh đó, Bộ sẽ khuyến khích phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục tư thục.
Về chủ trương, việc tái cấu trúc các trường trung cấp sẽ do địa phương xây dựng đề án. Bộ LĐTBXH sẽ ban hành các hướng dẫn, tiêu chí và định hướng. Điều này giúp việc hoạch định bám sát với thực tế và sau này sẽ phân cấp rõ theo hướng “Chất lượng giáo dục nghề nghiệp của địa phương nào yếu thì trước hết là trách nhiệm của địa phương, còn nếu cơ chế vướng tại đâu thì đó sẽ là trách nhiệm của Bộ", như lãnh đạo Bộ LĐTBXH đã khẳng định.