4 chiếc Su-30МК2 trong hợp đồng trên, theo Interfax, đã được 2 chiếc máy bay vận tải An-124 của Nga vận chuyển sang Việt Nam ngày 30-12-2011. Trước đó, Nga đã bàn giao cho Việt Nam 12 chiếc Su-30МК2 theo các hợp đồng ký kết các năm 2003 và 2009.
Chiến đấu cơ SU-30MK2 mới nhất của Việt Nam - Ảnh: ĐVO
Sự hiện diện của Su-30MK2 đã nâng cao đáng kể khả năng tác chiến trên không của Việt Nam. Đây là máy bay tiêm kích đa năng 2 chỗ ngồi thế hệ thứ 4, được sử dụng để chiếm ưu thế trên không, tiêu diệt mục tiêu mặt nước và mặt đất bằng vũ khí chính xác cao, trinh sát trên chiến trường đất liền và trên biển, có thể hoạt động độc lập và theo tốp trong mọi điều kiện thời tiết.
Su-30MK2 có thể mang theo 8 tấn vũ khí các loại, gồm bom điều khiển có độ chính xác cao, tên lửa đối không hay đối biển có độ chính xác cao... Máy bay có tốc độ tối đa gấp 2 lần tốc độ âm thanh (hơn 2.100 km/giờ), trần bay thực tế 18,5 km và tầm bay 3.900 km.
SU-30MK2 là loại máy bay chiến đấu siêu âm đa năng - Ảnh: ĐVO
Cùng với việc bàn giao 4 chiếc Su-30MK2 những ngày cuối cùng của năm 2011, Nga cũng đã bàn giao cho Việt Nam 2 tàu hộ vệ tên lửa hiện đại có khả năng tàng hình thuộc Dự án Gepard 3.9 trong năm Tân Mão vừa qua.
Hai tàu hộ vệ tên lửa sau khi về Việt Nam đã được đặt tên Đinh Tiên Hoàng (HQ-011) và Lý Thái Tổ (HQ-012). 2 con tàu hiện đại nhất của Hải quân Việt Nam này có thể đảm đương các nhiệm vụ tuần tiễu, hộ tống, rải lôi, chi viện hỏa lực và săn tìm các mục tiêu như tàu nổi, tàu ngầm, máy bay…
Tàu Đinh Tiên Hoàng tuần tra bảo vệ chủ quyền biển đảo - Ảnh: Trọng Thiết
Hệ thống vũ khí chính của tàu hộ vệ tên lửa thuộc Dự án Gepard-3.9 gồm 2 bệ phóng với 8 tên lửa chống hạm Uran-E, có khả năng tiêu diệt các mục tiêu ở cự ly đến 130 km; 1 pháo đa năng 76,2 mm АК-176М với hệ thống điều khiển Laska đã thể hiện hiệu quả cao khi bắn các mục tiêu mặt nước, trên không và trên bờ.
Vũ khí phòng không tầm gần gồm 1 hệ thống pháo phòng không Palma và 2 hệ thống pháo phòng không АК-630М. Vũ khí chống ngầm gồm 2 ống phóng lôi DTA-53 với các ngư lôi chống ngầm và hệ thống rải mìn biển. Ngoài ra ở đuôi tàu còn có 1 sân cất/hạ cánh cho 1 trực thăng Ка-28 hoặc Ка-31.
Nét đặc sắc trong thiết kế của Gepard 3.9 là ứng dụng công nghệ tàng hình, do đó giảm độ bộc lộ radar khiến tàu khó bị phát hiện. Với tốc độ di chuyển nhanh (28 hải lý/giờ), Gepard 3.9 giống như con báo đi săn, nhẹ nhàng tiếp cận mục tiêu và ra đòn hạ gục “con mồi”.
Tàu Lý Thái Tổ có khả năng di chuyển rất nhanh, lên tới 28 hải lý/giờ - Ảnh: Trọng Thiết
Interfax cho hay, Việt Nam đã ký hợp đồng với Rosoboronexport để cung cấp bổ sung thêm 2 tàu hộ vệ tên lửa thuộc Dự án Gepard 3.9. Hãng tin của Nga này dẫn lời Phó Giám đốc Nhà máy Zelenodolsk Gorky - nhà máy đóng tàu lớp Gepard 3.9 - ông Sergei Rudenko nói, nếu 2 tàu Gepard 3.9 đầu tiên của Việt Nam được trang bị các tên lửa chống tàu nổi hiện đại nhất hiện nay của Nga thì 2 tàu tiếp theo sẽ được "trang bị thêm các thiết bị chống ngầm".
Bên cạnh máy bay Su-30MK2 và tàu hộ vệ tên lửa Gepard, Nga cũng đã cung cấp cho Việt Nam các tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển K300P Bastion-P. Tổ hợp tên lửa di động K300P Bastion-P được thiết kế để tiêu diệt tàu chiến và các mục tiêu trên bờ trong tầm bắn tới 300km.
Tên lửa K300P Bastion-P luôn sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền đất nước - Ảnh: Trọng Thiết
Cấu hình cơ bản của một tổ hợp K300P Bastion-P gồm: 4 xe chở bệ phóng tự hành K340P SPU, mỗi xe mang 2 ống phóng TPS chứa đạn tên lửa, 1 tới 2 xe điều khiển K0P MBU có thể chuẩn bị chiến đấu chỉ trong vòng 3 đến 4 phút; một xe đảm bảo sẵn sàng chiến đấu MOBD.
Sơ đồ bố trí đội hình của tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển K300P Bastion-P - Ảnh: Internet
Đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết, Việt Nam sẽ có một lữ đoàn tàu ngầm hiện đại với 6 tàu ngầm lớp Kilo 636 trong thời gian 5-6 năm tới. Tàu ngầm lớp Kilo có biệt danh “lỗ đen” vì khả năng tránh bị phát hiện và được cho là loại tàu ngầm chạy bằng diesel êm nhất trên thế giới.
Tàu được thiết kế để tác chiến chống ngầm và trên biển, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ tuần tra, trinh sát. Tàu có độ giãn nước 2.300 tấn, độ sâu tối đa 350 m, hoạt động trong phạm vi lên đến 10.000 km với thủy thủ đoàn 57 người. Loại tàu ngầm này còn được trang bị 6 ống phóng ngư lôi 533 mm.
Một tàu ngầm lớp Kilo đang hoạt động trên biển - Ảnh minh họa từ Internet
Chuẩn đô đốc Nguyễn Văn Ninh, Phó tư lệnh Quân chủng Hải quân, cho biết hiện đã có chế độ lương cho sĩ quan và chiến sĩ tàu ngầm. Theo đó, mức lương của trung úy phục vụ dưới tàu ngầm là 35 triệu đồng/tháng và đại tá 55 triệu đồng/tháng, mức lương cao gấp hơn hai lần so với lương Chuẩn đô đốc hiện tại.
Những học viên tàu ngầm của Việt Nam tại Nga - Ảnh: Giaoduc.net
Những loại vũ khí hiện đại mà Việt Nam trang bị phù hợp khả năng kinh tế của đất nước như máy bay chiến đấu đa năng Su-30MK2, tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9, tên lửa phòng thủ bờ biển K300P Bastion-P và tương lai gần là tàu ngầm Kilo 636 sẽ hình thành “tứ đại hộ vệ”, cơ bản hình thành được năng lực phòng thủ biển gần hiệu quả.
Với cácloại vũ khí này, lực lượng vũ trang Việt Nam có được năng lực tác chiến đa năng 3 trong 1 (trên không, dưới nước và trên mặt nước), đáp ứng nhu cầu phòng thủ, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.
Theo nld.com