Bài 1: Những đứa trẻ bị vứt bỏ
Chúng tôi thật sự bùi ngùi khi biết lại có thêm nhiều đứa trẻ phải gia nhập Trung tâm nhân đạo Quê Hương, mà trong số đó có không ít những đứa trẻ là con của các nữ công nhân tại các khu công nghiệp ở Bình Dương. Những câu chuyện về nữ công nhân bỏ con quanh các khu công nghiệp đang là vấn đề nhức nhối, giận họ thì nhiều, nhưng cũng quá xót thương những mảnh đời công nhân bất hạnh.
Những cái tên của số phận
Những ngày cuối đông se lạnh, chúng tôi nhận được tin Trung tâm nhân đạo Quê Hương (xã Tân Đông Hiệp, huyện Dĩ An, Bình Dương) vừa tiếp nhận đứa bé thứ 325 bị bỏ rơi. Bé mới tròn 5 ngày tuổi, da trắng, rất kháu khỉnh. “Nghe đồn cha mẹ bé là công nhân ở Đồng Nai, bé xinh xắn thế này mà cha mẹ đành đoạn bỏ được”, một giáo vụ ẵm bé trên tay nghẹn lời. Mấy ngày trước, khi mới được đưa về bé bị vàng da, yếu ớt, suy kiệt... Sau khi đưa về trung tâm chăm sóc, giờ bé bắt đầu bú mạnh sữa, ngủ ngon giấc, ít khóc hơn. Bé đã có tên trong hộ khẩu là Huỳnh Tiểu Bắc.
Những đứa trẻ bị bỏ rơi gia nhập Trung tâm nhân đạo Quê Hương. Ảnh: Dương Chí Tưởng. Ảnh Dương Chí Tưởng |
Câu chuyện của bé Bắc như nối thêm hành trình “nhiều tập” về nạn con rơi ở quanh các khu công nghiệp của các huyện phụ cận Dĩ An, Thuận An... của tỉnh Bình Dương.
Điều làm chúng tôi chú ý và ấn tượng nhất là những cái tên của những đứa trẻ bị vứt bỏ: Huỳnh Tiểu Hảo, Tiểu Phúc, Tiểu Cổng... Tên các em gắn với biết bao câu chuyện “uẩn khúc” của những số phận đáng thương. Ông Phan Văn Bảy, Phó Giám đốc trung tâm, đã có 7 năm gắn bó với Trung tâm nhân đạo Quê Hương, ông nhớ từng đứa trẻ và nhớ lai lịch của từng cái tên với bao câu chuyện “đặc biệt”. Có bé “xuất thân” từ thùng mì tôm, có bé bị vứt ở góc chợ, vỉa hè, bé thì được tìm thấy ở trước cổng trung tâm, bãi rác...
Ấn tượng nhất là Huỳnh Tiểu Cổng. Ông Bảy nhớ lại: “Hôm đó, sáng tinh mơ của một ngày trời chuyển mùa se lạnh cuối năm, chúng tôi nghe tiếng trẻ sơ sinh khóc “oe, oe” trước cổng. Tôi vội ra mở cửa thì thấy một đứa bé đỏ hỏn được quấn chặt trong chiếc khăn cũ úa màu. Tôi đặt đại tên bé là Cổng, vì nó được “xuất thân” ở cổng mà”.
Nhắc đến những cái tên, có lẽ bé Hảo gây sự chú ý cho tôi nhiều nhất. Huỳnh Tiểu Hảo “sinh ra” trong một thùng mì tôm vứt ngoài một vỉa hè do một người đi đường phát hiện ra. “Khi nhặt được cháu không hiểu sao chúng tôi nghĩ ngay đến cái tên Hảo và đặt luôn cho cháu. Hảo, cái tên ngẫm lại cũng hay”, ông Bảy cười. Còn Huỳnh Tiểu Phúc được tìm thấy trong điều kiện vô cùng “éo le”. Em bị cha mẹ bỏ rơi ở một bãi rác gần KCN Sóng Thần. Những người dọn dẹp vệ sinh đã phát hiện ra và báo cho trung tâm kịp thời, nếu chậm vài phút nữa thì Phúc đã bị kiến ăn mù đôi mắt rồi. “Nó có phúc mới gặp được chúng tôi, nên tôi đặt cho cái tên là “Phúc”. Có phúc nó mới khỏe mạnh như bây giờ”, ông Bảy xoa đầu Phúc.
Ông Bảy mở thêm chồng hộ khẩu để trên bàn, bản danh sách dài tận mấy mét từ trên tay ông xòa xuống dưới đất. Ông đếm từng tên khá “độc” của bọn trẻ. Những cái tên vang lên qua lời kể của ông Bảy khiến chúng tôi xúc động.
Quặn lòng...
Những câu chuyện về nữ công nhân vứt con quanh các KCN được truyền tai nhau trong dư luận khiến ai cũng thương hại, xót xa.
Nhắc đến những người mẹ “bất đắc dĩ”, giọng ông Bảy trầm xuống. Ông nói: “Thân phận nhiều nữ công nhân đáng thương. Do điều kiện khó khăn, 4 - 5 công nhân rủ nhau thuê một phòng trọ để “chia lửa” tiền trọ. Có khu trọ nhiều nam nữ sống chung. Họ sống lâu ngày, nảy sinh tình cảm và không kiềm chế bản thân, để xảy ra chuyện mang thai ngoài ý muốn. Với tâm lý non trẻ, ít kinh nghiệm, lo sợ gia đình, cha mẹ biết chuyện nên có công nhân sau khi biết mình có thai tìm mọi cách che giấu. Điều giằng xé trong tôi là nhiều công nhân sinh con không đủ khả năng nuôi, đã bỏ con lại trên vỉa hè, góc đường, bãi rác, trước cửa nhà dân. Khi có thai, vì sợ “lộ”, xấu hổ nên có em tìm cách bó bụng, giấu bào thai, đến khi sinh ra đứa bé không còn thể trạng bình thường được nữa” - ông Bảy nghẹn ngào.
Ông Nguyễn Văn Khương, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết: “Toàn tỉnh có đến gần 700.000 công nhân lao động nhập cư, trong đó nữ chiếm đến 80%. Phần lớn số lao động nữ này trong độ tuổi từ 18 - 25, độ tuổi sinh đẻ”. |
Cách đây chưa lâu, dư luận đã xôn xao vì chuyện Q.T.N. nữ công nhân Công ty Kookje Vina, KCN Việt Nam - Xinhgapo, Bình Dương đã trốn ra bãi đất hoang tự sinh con và chôn luôn con của mình. Sau đó khi trở lại phòng trọ, cô đã qụy ngã ngay trước phòng do lần “vượt cạn” khủng khiếp đó. Mọi người gặng hỏi và khi biết đứa trẻ bị chôn ngoài bụi rậm, các bạn công nhân vô cùng sửng sốt vội chia nhau đi tìm, nhưng đã không kịp cứu được cháu bé nữa. Chuyện nữ công nhân N. “giấu” chuyện mang thai, rồi tự sinh con một mình càng nhân thêm nỗi đau xé lòng cho những ai tìm hiểu sâu về nạn con rơi quanh khu công nghiệp ở Bình Dương.
Xung quanh Trung tâm nhân đạo Quê Hương có hàng loạt KCN như: Tân Đông Hiệp, Bình Đường, Sóng Thần, Đồng An, Việt Nam - Xinhgapo... thu hút hàng chục ngàn công nhân làm việc kéo theo nạn con rơi bị vứt bỏ ngày càng gia tăng nhức nhối. “Có những đứa bé chúng tôi lượm được trong tình cảnh bại não, bệnh nguy kịch, có em suy kiệt chỉ cần chậm một vài giây là không thể cứu được nữa. Có em tiền viện phí chữa chạy lên đến 82 triệu đồng, nhưng dù trong hoàn cảnh nào, chúng tôi cũng tiếp nhận các em”, ông Bảy xúc động nói.
Dương Chí Tưởng
Bài 2: Xóm không cha!