Hệ thống nhà hàng Koto rất nổi tiếng ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Nhà hàng này không chỉ nổi tiếng bởi có những món ăn ngon, phong cách phục vụ chuyên nghiệp mà còn là nơi đào tạo miễn phí nhiều nghề cho hàng trăm trẻ em nghèo đường phố ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tùy theo năng khiếu và sở thích, các em sẽ được lựa chọn học các khóa đầu bếp, quản lý nhà hàng - khách sạn hay pha chế. Với các trẻ em bất hạnh, đây là những bước ngoặt đầu đời để giúp tương lai các em rộng mở hơn.
Cho các em “cần câu”
Có mặt tại buổi dạy nấu ăn cho khách du lịch nước ngoài của nhà hàng Koto, chúng tôi chứng kiến rất nhiều khách nước ngoài đăng kí tham gia khóa học này. Theo ông Jimmy Phạm, chủ nhà hàng Koto, cũng như bao nhà hàng khác, đây là hoạt động thương mại để tạo doanh thu cho nhà hàng. Tuy nhiên, điểm khác biệt ở đây là toàn bộ doanh thu từ hoạt động kinh doanh của nhà hàng này đều được dành để đào tạo nghề miễn phí cho trẻ em đường phố có hoàn cảnh khó khăn.
Các trẻ em đường phố được học các khóa đào tạo nấu ăn, pha chế, dịch vụ nhà hàng - khách sạn tại Koto. |
Được sáng lập từ năm 2000, qua hơn 12 năm hoạt động, đến nay Koto đã tổ chức nhiều khóa đào tạo cho trẻ em đường phố, có hoàn cảnh khó khăn ở TP Hồ chí Minh và Hà Nội. Hiện đã có hơn 500 học viên tốt nghiệp các khóa đào tạo này và đều có việc làm ổn định, không ai trở về cuộc sống đường phố như trước đây.
Với thế mạnh về lĩnh vực dịch vụ ăn uống, ông Jimmy Phạm, một việt kiều Ôxtrâylia đã về Việt Nam sinh sống và làm việc 16 năm qua, cho hay: “Koto tập trung mở các lớp đào tạo dịch vụ ăn uống như đầu bếp, phục vụ, pha chế... nhằm giúp các em có kỹ năng nghiệp vụ vững chắc. Mỗi khóa học thường kéo dài trong 2 năm. Sau khi tốt nghiệp, các em được nhận bằng chứng chỉ của Học viện Box Hill của Ôxtrâylia. Với chứng chỉ này, các em có thể xin việc ở bất cứ nhà hàng, khách sạn 5 sao trong cả nước. Ngoài ra, Koto còn hợp tác với hơn 10 khách sạn lớn trong và ngoài nước để giúp các học viên sau khi tốt nghiệp có cơ hội được thử việc và làm việc tại đây.
Hiện Nhà hàng Koto có mặt tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và ở Ôxtrâylia. Trong đó, Koto ở Ôxtrâylia sẽ quản trị chiến lược, thương hiệu, từ đó có thể hỗ trợ cho các hoạt động tại Việt Nam bằng các chương trình gây quỹ, hay các hoạt động kêu gọi hỗ trợ cho trẻ em đường phố và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Việt Nam với quốc tế. Koto nhận thanh thiếu niên (16 - 22 tuổi) sống trên đường phố hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các em có thể xuất thân từ nghèo đói; cha hoặc mẹ nghiện rượu, thuốc phiện, bài bạc; cha hoặc mẹ bị thần kinh; trẻ bị bỏ rơi hoặc mồ côi; trẻ bị lạm dụng, bị bóc lột sức lao động hoặc những hoàn cảnh đặc biệt khác. |
Điều đáng nói, không chỉ đào tạo nghề miễn phí, Koto còn trau dồi thêm kỹ năng tiếng Anh và kỹ năng sống, để sau này các em có nhiều cơ hội hơn trong công việc. Koto chăm lo cho trẻ em đường phố mọi mặt: từ học hành, ăn uống đến chỗ ở, đồng thời hỗ trợ thêm 300.000 đồng/tháng cho các em trang trải sinh hoạt cá nhân. Nhờ vậy, các em yên tâm học tập và không quay lại cuộc sống đường phố như trước kia.
Theo ông Jimmy Phạm, trước khi sáng lập Koto, ông đã làm việc cho một công ty du lịch tại TP Hồ Chí Minh. Tại đây, ông đã làm quen với một nhóm thanh thiếu niên đường phố, những người hàng ngày phải rất vất vả để kiếm tiền lo cho gia đình của họ. Để giúp đỡ nhóm thanh thiếu niên này, ông đã dùng tiền lương của mình để giúp đỡ bọn trẻ trong suốt 4 năm. Tuy nhiên, ông biết rằng giúp đỡ bọn trẻ bằng cách cho tiền chỉ là cách làm tạm thời và không thể giúp chúng thoát khỏi cuộc sống khó khăn, thiếu thốn. Chính vì thế, ông muốn tìm một cách thức nào đó hiệu quả hơn để những trẻ em này có thể có cuộc sống tốt hơn mà không phải ngửa tay nhận tiền từ thiện. Ông nhận ra rằng, những đứa trẻ đường phố rất cần có việc làm và một thu nhập ổn định để chúng có một cuộc sống tốt hơn. Với ý nghĩ đó, Jimmy Phạm đã quyết định mở một tiệm bánh mỳ sandwich để tạo việc làm cho các em nhỏ.
Những ngày đầu, ông chỉ nghĩ rằng làm sao để các em biết làm bánh mỳ sandwich, sinh tố hay nước trái cây là ổn. Nhưng Jimmy Phạm đã sai. Một thời gian ngắn sau đó, ông nhận ra rằng để làm tốt công việc, những đứa trẻ này không chỉ cần được đào tạo nghề mà còn cần đào tạo cả về kỹ năng làm dịch vụ, tiếng Anh, kỹ năng giao tiếp… để từ đó chúng cảm thấy yên tâm và có niềm tin về một tương lai tốt đẹp hơn đang chờ phía trước. Với sự hỗ trợ của Tracey Lister, một đầu bếp người Ôxtrâylia và 70.000 đô la Úc vay mượn từ gia đình, nhà hàng đầu tiên của Jimmy Phạm mang tên Koto đã ra đời nhằm giúp các em có cái “cần câu” để “câu cá”.
Ông Gienn Vandevoore, quản lý kinh doanh nhà hàng Koto chia sẻ: “Mặc dù tôi mới đến Việt Nam 2 năm rưỡi, nhưng tôi cũng đã trải qua nhiều việc làm ở các tổ chức xã hội trong nước. Tuy nhiên, chỉ có Koto mới truyền được cảm hứng cho tôi và tôi tin tưởng ở mô hình này. Bởi theo tôi, khi muốn giúp ai đó thành công, chúng ta không thể đứng ở ngoài mà phải là người đứng trong cuộc. Vì thế, tôi muốn tham gia cùng Koto để đưa mô hình này phát triển thành công hơn”.
Biến ước mơ thành sự thật
Thực tế đã chứng minh, trong số trên 500 trẻ đường phố đã tốt nghiệp các khóa học đào tạo nghề của Koto, nhiều em đã có việc làm trong nước và nước ngoài. Điển hình là chị Nguyễn Thị Thảo đang là quản lý cấp cao của nhà hàng Post and Pans tại Hà Nội. Ít ai biết rằng, chị từng là trẻ em đường phố và học chưa hết cấp 2. Vào cuối năm 2000, tình cờ Thảo được giới thiệu vào học tại Koto, từ đó cuộc sống và suy nghĩ của Thảo đã có nhiều thay đổi.
Thảo kể, trước khi trở thành học viên của Koto, em bán bưu thiếp trên đường phố 12 giờ/ngày tất cả các ngày trong tuần. Dù rất cực nhọc nhưng vẫn không kiếm đủ tiền cho các bữa ăn cũng như những chi tiêu căn bản nhất của cuộc sống. Bên cạnh đó, làm việc trên đường phố rất nguy hiểm, đặc biệt là đối với một bé gái 13 tuổi như Thảo. Sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo tại Koto năm 2002, Thảo được nhận làm việc tại Sofitel Metropole Hà Nội với vị trí giám sát nhân viên, một vị trí mà nhiều người mơ ước.
Ba năm sau đó, với mong muốn trở lại Koto để đóng góp trên tinh thần “Biết một, dạy một” thông qua việc truyền lại những kiến thức, cũng như kinh nghiệm thực tiễn từ bên ngoài cho các học viên mới, Thảo trở thành nhân viên Koto ở Văn Miếu (Hà Nội) với vị trí nhân viên phục vụ tiền sảnh và sau đó nhanh chóng trở thành người quản lý cho nhà hàng. Từ đây, Thảo đã cố gắng học thêm tiếng Anh và giành được học bổng quản lý nhà hàng tại Thụy Sỹ. Năm 2007, Thảo được bình chọn là Đại sứ thiện chí Koto. Tháng 6/2009, Thảo tiếp tục được tham gia khóa học Cử nhân Quản trị Du lịch Khách sạn tại học viện Box Hill (Ôxtrâylia). Bên cạnh việc học, Thảo cũng tiếp tục làm việc tại Sofitel Melbourne.
Thảo cho biết thêm: “Sau khi đi du học ở Ôxtrâylia 2 năm, Koto đã mời mình quay lại để hợp tác mở nhà hàng cao cấp ở Hà Nội. Mô hình nhà hàng Post and Pans không chỉ đơn thuần nhà hàng cao cấp, mà còn là mô hình mang tính xã hội. Ngoài các hoạt động kinh doanh đơn thuần như các nhà hàng khác, lợi nhuận nhà hàng Post and Pans làm ra sẽ để phục vụ cho các hoạt động xã hội”.
Noi gương đàn chị đi trước, em Bạch Minh Phụng, học viên Koto tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Em rất mong muốn được thành công giống như chị Thảo. Bởi trước khi vào đây, em không tự tin nói trước đám đông cũng như thể hiện mơ ước của mình. Nhưng từ khi tham gia chương trình này, em đã tự tin hơn trước và mơ ước sẽ trở thành một đầu bếp 5 sao”.
Ông Jimmy Phạm cho hay, trước khi đến với nhà hàng Koto, các em thường tự ti, mặc cảm. Có em do từng bị bỏ rơi hoặc bị lạm dụng nên còn có cảm giác lo sợ, bất an nên rất khó hòa nhập với cộng đồng. Tuy nhiên, sau khi đến Koto và học ở đây, các em đã trau dồi được kiến thức (tiếng Anh và nghề), kỹ năng sống (thông qua 36 lớp học chuyên đề sức khỏe - vệ sinh - kiềm chế cơn giận - chi tiêu - sơ cấp cứu..). Bên cạnh đó, các em được dành ra ít nhất 15 giờ/năm cho các hoạt động xã hội thông qua các chuyến viếng thăm trại trẻ mồ côi, chăm sóc người già neo đơn, hay tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường…
Em Nguyễn Thị Huyền, học viên Koto tại TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Không chỉ riêng mình em mà có nhiều bạn học viên khác đã may mắn được tham gia chương trình tại Koto. Em mong tất cả các bạn có hoàn cảnh giống em đừng từ bỏ hi vọng và ước mơ của mình. Mong các bạn nếu biết đến trường Koto hay tự tin nộp đơn, các bạn sẽ là người như mình”.
Hiện nay, mỗi khóa học của Koto đào tạo cùng lúc được 200 em học viên chủ yếu là trẻ em đường phố. Trong đó, 70% kinh phí để thực hiện dự án này đều được lấy doanh thu từ nhà hàng Koto, 30% còn lại là nguồn tài trợ của các tổ chức trên thế giới. Nhưng theo ông Jimmy Phạm, nguồn kinh phí này vẫn chưa đủ giúp Koto lo cho các em mọi chi phí ăn, uống, ở và học tập. Tuy nhiên, với mong muốn lo cho nhiều trẻ em hơn, cho các em có nhiều cơ hội phát triển hơn, Koto vẫn rất cần sự quan tâm giúp đỡ của cộng đồng nhiều hơn.
Bài và ảnh: Hải Yên