Nhận thức rõ vai trò và ý nghĩa của công tác dự báo cũng như cảnh báo sớm các hiện tượng thời tiết cực đoan, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực tới đời sống người dân cũng như phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm qua, công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn luôn được Chính phủ Việt Nam coi trọng.
Giảm thiểu thiệt hại do thiên tai
Đợt mưa lũ lịch sử tháng 11/1999 là một trong những trận thiên tai nghiêm trọng nhất xảy ra tại khu vực miền Trung, Việt Nam. Mưa lũ đã làm 818 người chết và mất tích, gần 1,2 triệu ngôi nhà, trụ sở bị đổ sập, hệ thống cơ sở hạ tầng bị tàn phá nghiêm trọng, tổng thiệt hại ước tính gần 4.150 tỷ đồng. Cũng ở miền Trung, trong đợt mưa lũ hồi tháng 10/2020, tình hình mưa lũ phức tạp hơn, với tổ hợp nhiều hình thái thiên tai nguy hiểm, nhiều nơi ngập vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999; nhưng với nỗ lực dự báo, cảnh báo của các cấp, các ngành, các địa phương đã góp phần quan trọng giảm thiểu những thiệt hại về người và tài sản. Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, từ ngày 6- 31/10, các hình thái thiên tai cực đoan do mưa bão đã làm 229 người chết và mất tích. Số người thương vong do thiên tai vừa qua ở miền Trung phần lớn là do các sự cố sạt lở đất.
Trong giai đoạn 2015 - 2020, nhiều tiến bộ khoa học, trang thiết bị, công nghệ mới đã được triển khai ứng dụng có hiệu quả vào công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn. Công tác dự báo cảnh báo khí tượng thủy văn đã từng bước được hiện đại hóa và hoàn thiện. Nhiều dự án hiện đại hóa công tác dự báo đã được thực hiện nhằm nâng cao năng lực, hình thức và nội dung các bản tin dự báo khí tượng thủy văn.
Ngành đã thực hiện cảnh báo bão sớm trước 5 ngày, dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới trước 3 ngày; dự báo, cảnh báo mưa lớn trước 2-3 ngày với độ tin cậy khoảng 75%; cảnh báo rét đậm, rét hại trước 2-3 ngày với độ tin cậy 80-90%; cảnh báo lũ trên các sông khu vực miền Trung, Tây Nguyên trước 1-2 ngày. Các sông khu vực Bắc Bộ, Nam Bộ trước 3-5 ngày thường đạt 70-80%. Cảnh báo các đợt nắng nóng diện rộng trước từ 2-3 ngày có độ tin cậy 70%.
Công tác dự báo, cảnh báo thiên tai tại Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể. Cụ thể, các bản tin dự báo bão, áp thấp nhiệt đới đã kéo dài thời hạn dự báo đến 3 ngày và cảnh báo đến 5 ngày. Các bản tin dự báo, cảnh báo mưa lớn diện rộng, nắng nóng, không khí lạnh cũng cảnh báo trước từ 2-3 ngày và dự báo trước 1-2 ngày; nhận định về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn sớm và sát với thực tế. Việc thực hiện dự báo, cảnh báo đã khó, việc đánh giá mức độ tác động, phạm vi ảnh hưởng của các hiện tượng này tới đời sống người dân, kinh tế - xã hội càng khó hơn, do phụ thuộc vào hiện trạng, năng lực ứng phó kịp thời với thiên tai.
Nói về chặng đường 5 năm qua, Giáo sư, Tiến sỹ Trần Hồng Thái, Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn cho biết, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, dù vẫn còn những khó khăn nhưng với nỗ lực và quyết tâm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong toàn Đảng bộ, ngành Khí tượng Thủy văn đã có những bước tiến vượt bậc. Đảng ủy Tổng cục đã tập trung chỉ đạo toàn bộ hệ thống, đặc biệt, các đơn vị trực tiếp tác nghiệp dự báo, cảnh báo đảm bảo dự báo, cảnh báo kịp thời các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm phục vụ công tác phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh, của đất nước.
Trong năm 2019-2020, ngành đã dự báo chính xác các xu thế thời tiết, nhất là tình hình thiếu nước, xâm nhập mặn ở khu vực Trung Bộ và Nam Bộ, qua đó giảm thiệt hại trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ bằng 9,6% so với năm 2016. Ngành đã cảnh báo, dự báo kịp thời, sát diễn biến của 13 cơn bão và một áp thấp nhiệt đới; 21 đợt không khí lạnh; 13 đợt nắng nóng; 18 đợt mưa lớn trên diện rộng; 17 đợt lũ trên phạm vi cả nước. Các bộ, ngành, các lực lượng ở địa phương phối hợp để chủ động điều chỉnh các hoạt động kinh tế - xã hội, cơ cấu sản xuất, mùa vụ, triển khai các biện pháp phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Công tác dự báo phục vụ Quy trình liên hồ chứa cho 11 lưu vực sông trên toàn quốc; dự báo phục vụ đổ ải vụ Đông Xuân năm 2019-2020 thực hiện tốt.
Hiện đại hóa mạng lưới trạm quan trắc khí tượng thủy văn bằng nguồn vốn đầu tư của nhà nước, xã hội hóa với 782 trạm đo mưa độc lập, 284 trạm khí tượng bề mặt (trong đó có 181 trạm khí tượng thủ công, 103 trạm tự động), 359 trạm thủy văn (trong đó có 234 trạm thủ công, 125 trạm tự động), 27 trạm khí tượng hải văn, 45 trạm khí tượng cao không, thiết lập mạng lưới hàng trăm trạm quan trắc môi trường kết nối trực tuyến với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường.
Ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử được thúc đẩy trên các nền tảng số hóa và dữ liệu lớn. 63 trạm định vị vệ tinh (Cors) đã đưa vào sử dụng để cung cấp các dịch vụ định vị chính xác phục vụ các hoạt động kinh tế, xã hội. Trung tâm Dữ liệu vùng Đồng bằng sông Cửu Long được xây dựng, cơ sở dữ liệu nền địa lý, bản đồ địa hình quốc gia; cơ sở dữ liệu viễn thám, siêu dữ liệu viễn thám quốc gia; cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường; đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu đất đai ở 192 quận, huyện thị xã.
Công tác chỉ đạo điều hành được thực hiện hoàn toàn thông qua môi trường mạng, trục liên thông văn bản, hệ thống điều hành, hệ thống thông tin báo cáo kết nối từ Trung ương đến địa phương. Trung tâm điều hành thông minh được thiết lập, kết nối, đảm bảo các hoạt động chỉ đạo điều hành thông suốt trong thời gian giãn cách xã hội do tác động của đại dịch COVID-19; tổ chức các hội nghị, diễn đàn của Liên hợp quốc, cuộc họp, đàm phán với đối tác quốc tế theo hình thức trực tuyến.
Nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai
Diễn biến khí tượng trong những năm gần đây ở nước ta rất phức tạp, bất thường trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu. Để phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia xác định, phải nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai, trọng tâm là việc cảnh báo, dự báo sớm và chi tiết.
Trong công tác dự báo, cảnh báo và phòng, chống thiên tai khí tượng thủy văn, Giáo sư, Tiến sỹ Trần Hồng Thái, Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn cho biết, sẽ tăng cường công tác dự báo theo hướng hiện đại, tiếp cận định hướng của Tổ chức Khí tượng thế giới thực hiện dự báo tác động của khí tượng thủy văn đến các ngành nghề đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của xã hội. Bản tin dự báo thời tiết thể hiện chi tiết đến từng thành phố, thị xã trên toàn quốc. Đặc biệt, ngành sẽ đồng bộ và hiện đại hóa công nghệ dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, nâng cao chất lượng dịch vụ, thời hạn cảnh báo và dự báo, tự động hóa quá trình tác nghiệp dự báo khí tượng thủy văn.
Ngành Khí tượng Thủy văn tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Tổng cục sẽ hiện đại hóa mạng lưới quan trắc cho khu vực phía Bắc, vùng núi cao nơi thường xảy ra mưa, bão với cường độ lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất và hiện chưa có trạm quan trắc tự động mang tính chất đồng bộ (Tây Bắc, Việt Bắc, Đồng bằng Bắc Bộ). Các trạm quan trắc khí tượng thủy văn, hải văn tự động dọc ven biển, hải đảo nơi mạng lưới trạm còn thưa vì thế số lượng trạm được đầu tư hiện đại hóa và tăng cường dự kiến khoảng 150 trạm.
Bên cạnh đó, mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn tiếp tục phát triển, đan dày mạng lưới đo mưa tự động, đặc biệt cho vùng núi cao nơi thường xảy ra mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất theo hình thức thuê dịch vụ với số lượng dự kiến khoảng 1.000 điểm đo mưa tự động độc lập. Mạng lưới trạm khí tượng thủy văn trên toàn quốc cần được quản lý chặt chẽ, chỉ đạo xử lý các vấn đề phát sinh trên mạng lưới khí tượng thủy văn quốc gia.
Ngành Khí tượng Thủy văn tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, góp phần nâng cao chất lượng phân tích, dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai nhất là dự báo xa. Các hiện tượng thời tiết, thủy văn cực đoan, nguy hiểm cần dự báo, cảnh báo kịp thời phục vụ phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Diễn biến dòng chảy, thủy văn, cảnh báo sớm chi tiết các đợt mưa lũ lớn cần dự báo sớm để chỉ đạo vận hành an toàn hồ chứa thủy lợi, thủy điện, hồ đập, đê điều. Bản đồ phân vùng tai biến địa chất, trượt lở cần tích hợp với dữ liệu khí tượng thủy văn, lớp phủ thực vật để phân vùng, dự báo, cảnh báo nguy cơ thiên tai lũ ống, lũ quét, sạt lở đủ độ chi tiết. Dịch vụ dự báo khí tượng thủy văn thực hiện xã hội hóa cung cấp thông tin. Các mô hình, cần ứng dụng công nghệ, xây dựng phương thức hiệu quả để truyền tin, cảnh báo thiên tai.