Đây là hoạt động nhằm hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; đẩy mạnh công tác truyền thông vận động cộng đồng cùng tham gia vào các hoạt động can thiệp, hỗ trợ trẻ em tự kỷ, góp phần xây dựng các chính sách của Đảng và Nhà nước cho trẻ em tự kỷ ở Việt Nam.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các Vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN |
Tại tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sĩ Lợi mong muốn Nhà nước, các tổ chức, cộng đồng cùng chia sẻ để cho trẻ em tự kỷ có đủ quyền sống, quyền được làm người, quyền hạnh phúc. Tình trạng trẻ tự kỷ là một hồi chuông cảnh tình để Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội, gia đình... quan tâm hơn tới trẻ em.
Buổi toạ đàm là một hoạt động góp thêm tiếng nói tìm giải pháp giúp đỡ trẻ tự kỷ thông qua các hoạt động tuyên truyền, kêu gọi đầu tư, nghiên cứu hình thành chính sách để điều chỉnh luật pháp. Ông Bùi Sĩ Lợi cho rằng cần có một hệ thống chính sách pháp luật để điều chỉnh đối tượng này. Nếu không thể đưa thành luật độc lập thì đưa vào Luật Người khuyết tật.
Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam Hoàng Văn Tiến đã trình bày dự án "Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam" do Quỹ đề xuất. Dự án dự kiến được thực hiện trong 60 tháng (kể từ khi được duyệt) với tổng kinh phí 10 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa.
Dự án tập trung vào 5 mục tiêu cơ bản: Biên tập và phát hành bộ tài liệu chuẩn về hỗ trợ trẻ em tự kỷ ở Việt Nam; đào tạo nâng cao năng lực 100 cán bộ nòng cốt (giảng viên nguồn) về tuyên truyền và hỗ trợ trẻ em tự kỷ. Dự án sẽ phổ biến kiến thức về tự kỷ cho 10.000 cha, mẹ, người chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em tự kỷ, người làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và cộng đồng.
Đồng thời dự án hỗ trợ 10.000 giáo viên, cán bộ dự án, cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tiếp cận và chuẩn hóa kiến thức về tự kỷ tại Việt Nam; thông qua kết quả phổ biến kiến thức có khoảng 4.000 trẻ em tự kỷ được hưởng lợi gián tiếp từ dự án để hòa nhập cộng đồng.
Trong năm thứ nhất dự án được thực hiện tại 13 tỉnh, thành phố (ưu tiên các tỉnh, thành phố có mật độ dân số đông, có các trung tâm hỗ trợ trẻ em tự kỷ và có đội ngũ cán bộ nguồn phù hợp với mục tiêu đào tạo của dự án) gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế, Đà Nẵng, Đắk Lắk, TP Hồ Chí Minh, Kiên Giang. Các năm tiếp theo, dự án sẽ mở rộng thêm tới các tỉnh, thành phố khác như Cần Thơ, Đồng Nai, Bạc Liêu...
Tại cuộc tọa đàm, các đại biểu đã đóng góp ý kiến về vấn đề trẻ em tự kỷ ở Việt Nam và các vấn đề chính trong dự án; chia sẻ về mô hình, dự án đã thực hiện. Đa số các đại biểu đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ (giai đoạn mầm non); sự tham gia của phụ huynh trong quá trình trị liệu cho trẻ.
Thạc sỹ Hồ Thị Huyền Thương phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN |
Chuyên gia về trẻ tự kỷ Hồ Thị Huyền Thương cho rằng: Ở Việt Nam hiện nay có nhiều phương pháp để trị liệu cho trẻ tự kỷ. Trong đó có những phương pháp khoa học nhưng cũng có những phương pháp chưa thực sự phù hợp. Điều này vô tình gây nhiễu loạn thông tin, khiến các chuyên gia cũng như phụ huynh khó tiếp cận được phương pháp hiệu quả nhất.
Bà Hồ Thị Huyền Thương cũng đánh giá dự án "Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam" do Quỹ Bảo trợ trẻ em đề xuất có tính thiết thực và bền vững khi triển khai xây dựng một bộ tư liệu truyền thông để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho phụ huynh, cộng đồng...
Tự kỷ (Autism) hay rối loạn phổ tự kỷ (Autism Spectrum Disorder, viết tắt là ASD) đều là những thuật ngữ nói đến một nhóm các rối loạn phức tạp trong sự phát triển của não bộ. Nhóm rối loạn này đặc trưng bởi những khó khăn và thiếu hụt trong tương tác xã hội, giao tiếp bằng lời và không lời, các hành vi và sở thích điển hình lặp lại. Rối loạn phổ tự kỷ ngày càng phổ biển với tỉ lệ chẩn đoán ở trẻ tăng lên qua từng năm ở tất cả các nước và khu vực trên thế giới.