Với thông điệp mạnh mẽ là không khoan nhượng với tình trạng bạo lực đối với trẻ em và phụ nữ, các cơ quan của Liên hợp quốc tại Việt Nam gồm Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) cùng với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Cơ quan Phát triển Quốc tế Australia (Australian Aid) đã khởi động chiến dịch nâng cao nhận thức Trái tim Xanh 2022 vào ngày 5/7. Sáng kiến này được xây dựng nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và thay đổi hành vi của cá nhân, xã hội nhằm giúp ngăn chặn bạo lực trước khi bắt đầu.
Nhân dịp này, bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam đã trao đổi với báo chí về các nội dung liên quan đến Chiến dịch cũng như vấn đề phòng, chống bạo lực với phụ nữ, trẻ em ở Việt Nam.
Xin bà cho biết ý nghĩa của Chiến dịch nâng cao nhận thức "Trái tim Xanh 2022"?
Chúng tôi tổ chức Chiến dịch này để nhằm truyền tải thông điệp: Bạo lực là hành vi không thể chấp nhận được. Như chúng ta đều biết, thời gian gần đây có rất nhiều vụ bạo lực gia đình bị phát hiện và đây cũng là thời gian mà chúng ta cần phải lên tiếng để có thể chấm dứt vấn đề này. Hiện tại bạo lực với phụ nữ, trẻ em vẫn là một vấn đề mà nhiều người dân cũng như chính các nạn nhân vẫn chưa lên tiếng. Vậy nên, qua Chiến dịch này, chúng tôi hy vọng có thể giúp cho nạn nhân và cộng đồng có thể lên tiếng trình báo các vụ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.
Trong những năm qua, Liên hợp quốc đã làm gì để có thể hỗ trợ chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em?
Việc đầu tiên chúng tôi đã làm, đó là truyền tải đến tất cả mọi người thông điệp: Chúng ta không thể khoan nhượng trước hành vi bạo lực với phụ nữ, trẻ em. Trong những năm qua, chúng tôi đã thực hiện rất nhiều các hoạt động để hỗ trợ phụ nữ, trẻ em tại Việt Nam và chấm dứt các hành vi bạo lực gia đình. Dù cho bất cứ lý do nào, phụ nữ và trẻ em cũng không thể bị bạo hành bởi chính những người mà họ tin tưởng nhất trong gia đình.
Chúng tôi đã hỗ trợ, cùng với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội triển khai một phương pháp tiếp cận theo hệ thống, trong đó hỗ trợ tư vấn cho lực lượng công an trong xử lý, giải quyết các vụ bạo lực với phụ nữ và trẻ em. Chúng tôi hỗ trợ phát triển lực lượng cán bộ công tác xã hội tại cộng đồng để nhận biết, xác định các vụ bạo lực với phụ nữ, trẻ em và có cách can thiệp phù hợp, từ đó hỗ trợ tư vấn cho các nạn nhân cũng như nhân chứng của bạo lực. Chúng tôi cũng hỗ trợ cho các thẩm phán để họ có thể đưa ra quyết định có những biện pháp bảo vệ đặc biệt dành cho phụ nữ và trẻ em cũng như để tránh các trường hợp phụ nữ và trẻ em lại trở thành nạn nhân của bạo lực một lần nữa. Cùng với đó, chúng tôi còn hỗ trợ cộng đồng bằng cách nâng cao nhận thức, chấm dứt thái độ im lặng trước hành vi bạo lực với phụ nữ và trẻ em, để tất cả chúng ta cùng đứng lên để bảo vệ phụ nữ, trẻ em.
Theo bà, đâu là những nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp của bạo lực đối với nữ trẻ em?
Chúng ta đều biết bạo lực xảy ra đối với tất cả các nhóm, dù là người giàu hay người nghèo. Trong bối cảnh những căng thẳng trong cuộc sống tăng cao, đây có thể là một nguyên nhân khiến cho cái gọi là rủi ro xảy ra bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em tăng nhiều hơn. Tuy nhiên, chúng ta không nên biến căng thẳng hay những áp lực trong cuộc sống trở thành một lý do để biện minh cho hành động bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Thật ra nguyên nhân sâu xa nhất của vấn đề này đó chính là nhu cầu kiểm soát ở cả phụ nữ và nam giới. Chính nhu cầu muốn kiểm soát con cái, kiểm soát người thân trong gia đình đã dẫn tới hành vi xâm hại và bạo lực trong gia đình. Các nghiên cứu của UNICEF cũng như các thông lệ, điều luật quốc tế đều đã chứng minh rằng bạo lực hành vi không thể chấp nhận được dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào và dựa trên bất kỳ cơ sở nào. Đây cũng là lý do vì sao mà chúng tôi kêu gọi các bậc cha mẹ hãy dừng lại một chút và hãy suy nghĩ để có những hành vi, động thái kiểm soát cảm xúc lúc bản thân nóng giận.
Từ những nguyên nhân trên, theo bà, có những giải pháp nào để giải quyết vấn đề bạo lực với phụ nữ, trẻ em?
Có nhiều giải pháp. Theo tôi, đầu tiên đó là qua những sự kiện, chiến dịch như chúng tôi vừa tổ chức. Chúng ta cần phải chấm dứt thái độ im lặng trước hành vi bạo lực và không báo cáo những ca bạo lực với phụ nữ, trẻ em. Chúng ta cần phải khuyến khích nạn nhân cũng như cộng đồng lên tiếng trình báo các ca bạo lực, đồng thời đòi hỏi một thái độ không dung thứ đối với bạo lực từ cộng đồng. Từ đó, mới có thể xây dựng được thái độ, nhận thức, đó là dù là trong bất kỳ hoàn cảnh nào, không có lý do gì để các thành viên trong gia đình có những hành vi xâm hại bạo lực đối với người thân.
Điều thứ hai cần phải làm, đấy là chúng ta cần có phương pháp tiếp cận mang tính toàn hệ thống. Theo đó, tất cả các thành viên trong xã hội, cộng đồng, các cơ quan Chính phủ, các bộ, ban, ngành cùng phải hành động để có thể hỗ trợ phụ nữ và trẻ em. Chúng ta sẽ cần phải đào tạo bài bản lực lượng cán bộ công tác xã hội chuyên nghiệp, để có thể nhận biết, xác định được những ca bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em, từ đó giới thiệu những nạn nhân đến với những nguồn hỗ trợ phù hợp và giúp họ tham gia vào hệ thống tố tụng hình sự, cũng như nhận được sự điều trị và phục hồi, hòa nhập với cuộc sống. Tất nhiên, chúng ta sẽ cần thực hiện rất nhiều bước, nhưng hiện tại đây là những gì mà Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện. Đương nhiên về phía UNICEF, chúng tôi muốn là những bước, động thái này được thực hiện với tốc độ nhanh hơn và tiếp cận sâu hơn tới cộng đồng tại địa phương.
Hiện tại cũng có rất nhiều các cơ chế dịch vụ một cửa để phụ nữ và trẻ em có thể tiếp cận được. Khi đến đó, họ có thể tiếp cận được với tất cả các dịch vụ cần thiết nếu bị bạo lực trong gia đình. Tuy nhiên, nếu như cộng đồng xã hội cùng lên tiếng, cùng đứng lên, chung tay bảo vệ phụ nữ, trẻ em và chấm dứt bạo lực, chúng ta sẽ không cần đến những dịch vụ này trong tương lai.
Thưa bà, liệu trao quyền kinh tế có thể hỗ trợ chấm dứt bạo lực với phụ nữ, trẻ em hay không?
Trước hết, tôi muốn khẳng định lại rằng bạo lực xảy ra đối với tất cả các tầng lớp xã hội, dù là nhóm người giàu hay người nghèo, mặc dù đúng là áp lực về mặt kinh tế có thể làm gia tăng rủi ro, cãi nhau trong gia đình hoặc bạo lực gia đình, song chúng ta không nên lấy đó làm lý do làm cơ sở để có hành vi bạo lực.
Trên cơ sở đó, chúng ta có thể thấy rằng nguyên nhân sâu xa của vấn đề này vẫn là việc thái độ cũng như nhu cầu, mong muốn kiểm soát các thành viên trong gia đình của người có hành vi bạo lực. Vậy nên tuy những trợ cấp dành cho trẻ em, những hỗ trợ về mặt kinh tế có thể phần nào giảm bớt vấn đề bạo lực trong gia đình, song chúng không giúp giải quyết triệt để vấn đề. Điều quan trọng nhất đó là chúng ta cần phải có thái độ không dung thứ với hành vi bạo lực. Chúng ta cần phải khẳng định rằng đây là hành vi phạm tội và không thể chấp nhận được dù trên bất kỳ lý do hay biện minh như thế nào. Chúng ta cũng không được phép để những người có hành vi bạo lực đưa ra những lý do để chối tội hoặc có thể trả tiền để trốn tránh hành vi phạm tội của mình. Với thái độ như vậy, chúng ta có thể giúp cho cộng đồng nhận thức về bạo lực gia đình, đồng thời bản thân những người có hành vi phạm tội sẽ phải chịu trách nhiệm cho hành vi của mình, từ đó họ sẽ rút kinh nghiệm, tìm cách kiểm soát được những cảm xúc, hành động của mình; thay vì có những hành vi gây ra bạo lực, họ có thể trao đổi, tương tác với người thân, để thấu hiểu nhau nhiều hơn.
Xin trân trọng cảm ơn bà!