Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh: Hội thảo diễn ra ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn lao động tại Khu công nghiệp Đồng Nai với hàng chục người thương vong, khiến đội ngũ làm Công tác công đoàn phải đặt ra nhiều suy nghĩ.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, bảo vệ người lao động trước tiên là bảo vệ tính mạng, sức khỏe của họ. Đảm bảo an toàn - vệ sinh lao động là công tác vô cùng quan trọng của tổ chức công đoàn và cần được tiếp tục quan tâm sâu sắc hơn nữa trong thời gian tới; tiếp tục phát huy vai trò, đặc biệt là đề xuất những giải pháp, sáng kiến trong công tác đảm bảo an toàn - vệ sinh lao động vì tính mạng, sức khỏe của người lao động.
Giáo sư, Tiến sỹ Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật an toàn - vệ sinh lao động Việt Nam, cho rằng một trong những nguyên nhân gốc rễ của thương tích nơi làm việc, bệnh tật và sự cố là không xác định hoặc không nhận ra các mối nguy hiểm hiện diện. Để xác định và đánh giá được các mối nguy hiểm, cán bộ phụ trách an toàn - vệ sinh lao động của công đoàn phải thường xuyên thu thập và xem lại thông tin về các nguy cơ tai nạn hiện diện hoặc có khả năng xảy ra tại nơi làm việc; kiểm tra nơi làm việc để xác định các mối nguy hiểm mới có thể xảy ra hoặc tái diễn, các mối nguy hiểm tiềm ẩn...
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Lê Vân Trình, Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 có nêu vai trò của các cấp Công đoàn, đặc biệt là Công đoàn cơ sở, trong đó có mạng lưới an toàn vệ sinh viên phải yêu cầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có trách nhiệm thực hiện ngay biện pháp bảo đảm an toàn - vệ sinh lao động, thực hiện các biện pháp khắc phục, kể cả khi phải tạm ngừng hoạt động nếu phát hiện nơi làm việc có yếu tố có hại hoặc yếu tố nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của con người trong quá trình lao động...
Các đại biểu cho rằng, an toàn - vệ sinh lao động là một chính sách kinh tế - xã hội lớn của Đảng và Nhà nước. Đó là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc đảm bảo an toàn - vệ sinh lao động là lợi ích thiết thực nhất đối với người lao động.
Tổ chức Công đoàn là đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Trong nhiều năm qua, tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn quan tâm, chú trọng thực hiện công tác bảo hộ lao động; đảm bảo an toàn vệ sinh lao động; bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho người lao động.
Nhiều hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động đã được các cấp Công đoàn trong cả nước tích cực thực hiện. Trong bối cảnh nền kinh tế của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, những thách thức và nguy cơ trong công tác an toàn - vệ sinh lao động vẫn đang gia tăng, đòi hỏi phải nâng cao hơn nữa vai trò trách nhiệm của các cấp Công đoàn.
Theo số liệu từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2019 trên toàn quốc đã xảy ra 8.150 vụ tai nạn lao động làm 8.327 người bị nạn. Trong đó, 979 người tử vong và 1.892 người bị thương nặng (bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và theo hợp đồng lao động).
Nguyên nhân của các cụ tai nạn lao động chủ yếu xuất phát từ sự vi phạm pháp luật về an toàn - vệ sinh lao động của người sử dụng lao động và cả người lao động. Qua các cuộc giám sát, kiểm tra liên ngành, cơ quan chức năng phát hiện và kiến nghị, yêu cầu khắc phục gần 260.000 vi phạm và nguy cơ mất an toàn - vệ sinh lao động, trên 15.000 nội quy, quy trình biện pháp làm việc an toàn được rà soát, bổ sung...