Theo PGS.TS Lê Trình, để ĐTM thực sự là công cụ quản lý môi trường, các cơ quan quản lý, lãnh đạo các địa phương, bộ ngành, doanh nghiệp và dân chúng cần xem xét ĐTM theo quan điểm phát triển bền vững, phát triển kinh tế gắn kết với bảo vệ tài nguyên, môi trường và an sinh xã hội.
Đối với các dự án có quy mô lớn, vị trí nhạy cảm, nên quy định hai bước thực hiện ĐTM. Bước đầu thực hiện trong giai đoạn nghiên cứu lập dự án đầu tư (hoặc nghiên cứu tiền khả thi) theo đúng quy định của Luật BVMT 2015. Ở bước này ĐTM sơ bộ cần đánh giá vị trí dự án có phù hợp về sinh thái, xã hội; công nghệ có thân thiện môi trường và hoạt động xây dựng, vận hành có thể gây tác động, sự cố môi trường - xã hội nghiêm trọng hay không.
Xem xét có nên chấp nhận vị trí, công nghệ, công suất của dự án hay không. Nếu ĐTM sơ bộ được thông qua, thì sau khi có thiết kế kỹ thuật và thông tin cụ thể về các thông số kỹ thuật, phương án thi công, vận hành thì cần thực hiện ĐTM chi tiết: bổ sung, dự báo, đánh giá một cách chi tiết các tác động đến môi trường và xã hội; đề xuất biện pháp giảm thiểu, chương trình quản lý môi trường ở mức chi tiết và hoàn thiện báo cáo ĐTM.
Đặc biệt, hội đồng thẩm định phải gồm các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực có kinh nghiệm và được đào tạo về ĐTM. Cần công khai thông tin rộng rãi cho chính quyền, nhân dân địa phương, tiếp thu ý kiến của họ về dự án, các vấn đề môi trường và xã hội trước khi thẩm định báo cáo ĐTM. Chỉ khi có các điều kiện này chất lượng ĐTM ở nước ta mới được cải thiện đáng kể.
“Cùng với đó, cần xem ĐTM là quá trình, không dừng lại khi đã nhận Giấy thẩm định mà còn tiếp tục suốt vòng đời dự án, bao gồm cả giám sát, quản lý môi trường sau thẩm định. Ngoài việc nêu rõ trong báo cáo ĐTM: các vấn đề gì chưa thể dự báo, các dự báo về vấn đề nào chưa chắc chắn, nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế yêu cầu xem công tác giám sát môi trường sau khi thẩm định ĐTM là yếu tố quan trọng nhất trong quản lý môi trường của dự án. Nghị định 18/2015/NĐ-CP và Thông tư 27/2015/TT-BTNMT đã quy định về vấn đề giám sát hậu thẩm định”, PGS.TS Lê Trình cho biết.
TS Trình cho biết thêm, với các dự án vay vốn WB, ADB, JICA: các tổ chức này yêu cầu trước khi bắt đầu xây dựng, chủ dự án phải dựa vào các vấn đề và biện pháp chung trong báo cáo ĐTM để lập “Kế hoạch Quản lý môi trường tại công trường - CEMP hoặc SEMP” với các biện pháp kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường, an toàn, sức khỏe rất chi tiết. Giám sát môi trường dựa theo các yêu cầu của báo cáo ĐTM và CEMP là bắt buộc phải thực hiện nghiêm túc.
Theo đó, cả chủ đầu tư cũng tự tổ chức giám sát các nhà thầu; cơ quan quản lý nhà nước giám sát chủ đầu tư dự án và tổ chức cho vay vốn thuê tư vấn độc lập để giám sát cả chủ đầu tư, nhà thầu và các đơn vị tư vấn môi trường. Nội dung giám sát không chỉ là đo đạc, phân tích đánh giá chất lượng môi trường mà còn phải giám sát đánh giá sự tuân thủ các yêu cầu về thực hiện các biện pháp giảm thiểu và quản lý môi trường, an sinh xã hội trong báo cáo ĐTM được thẩm định. Tổ chức, phương pháp và kết quả giám sát phải minh bạch, không bị chi phối bởi lãnh đạo địa phương, bộ ngành và chủ đầu tư.