Chăm sóc, điều trị cho bệnh nhi mắc bệnh lí sinh non nhẹ cân. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN |
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan, Phó Trưởng ban soạn thảo dự án Luật về những điểm mới nổi bật trong dự thảo Luật; đặc biệt là về vấn đề nâng độ tuổi trẻ em đến dưới 18 tuổi.
* Xin Thứ trưởng cho biết khái quát về những điểm mới nổi bật trong dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em sẽ được trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp này?
Việc sửa đổi Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em lần này cũng chính là việc triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013. Dự thảo Luật được sửa đổi tương đối toàn diện, trên cơ sở kế thừa, phát triển những quy định còn phù hợp của Luật năm 2004; bổ sung các quy định mới để giải quyết những vấn đề vướng mắc của thực tiễn trong thực hiện các quyền trẻ em. Dự thảo Luật bao gồm 7 Chương, 106 Điều (tăng thêm 2 Chương và 46 Điều so với Luật hiện hành), với một số điểm mới căn bản sau đây:
Thứ nhất, về cách tiếp cận, theo hướng chuyển từ tiếp cận theo nhu cầu, tập trung vào giải quyết các vấn đề trọng điểm, tập trung bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt sang xây dựng khung pháp luật toàn diện và tiếp cận tổng thể dựa trên quyền trẻ em theo 4 nhóm quyền cơ bản là quyền sống, quyền phát triển, quyền được bảo vệ và quyền được tham gia vào các vấn đề của trẻ em.
Thứ hai, đối tượng, phạm vi được mở rộng kể cả về khái niệm trẻ em nói chung (trẻ em là “người dưới mười tám tuổi” mà không giới hạn là công dân Việt Nam dưới mười sáu tuổi) và nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần được bảo vệ, chăm sóc.
Thứ ba, công tác bảo vệ trẻ em hiện nay mới chủ yếu tập trung vào việc can thiệp, trợ giúp trẻ em khi các em đã rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Dự thảo Luật quy định rõ hệ thống bảo vệ trẻ em ở cả ba cấp độ: Phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp với những giải pháp cụ thể để phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em bị rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Thứ tư, thực hiện quyền trẻ em liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của nhiều bộ, ngành, tổ chức, địa phương, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội. Dự thảo Luật đã quy định cụ thể trách nhiệm của từng chủ thể, đối tượng nêu trên trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và tăng cường cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, tổ chức, địa phương trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến trẻ em, quy định chức năng đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em, cũng như các biện pháp giám sát, báo cáo việc thực hiện các quyền trẻ em.
* Một trong những điểm mới của dự thảo Luật đó là nâng độ tuổi trẻ em từ dưới 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Điều này có phù hợp với pháp luật hiện hành của Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế hay không, thưa Thứ trưởng? Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em (CRC) mà không bảo lưu bất kỳ điều, khoản nào. Trong đó, Công ước này quy định “Trẻ em có nghĩa là người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp luật pháp áp dụng với trẻ em đó quy định tuổi thành niên sớm hơn”.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, tính đến thời điểm đầu năm 2015, trong số 66 quốc gia có được thông tin về độ tuổi trẻ em, có 10 quốc gia quy định độ tuổi trẻ em khác với Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, trong đó có 2 quốc gia quy định độ tuổi 21 là Cameroon và Bờ Biển Ngà; 3 nước quy định tuổi dưới 17; 5 nước quy định độ tuổi dưới 16 tuổi, thấp hơn tuổi quy định của Công ước về quyền trẻ em.
Ở Châu Á, có 3 quốc gia (Việt Nam, Myanmar, Singapore) quy định tuổi của trẻ em thấp hơn 18. Campuchia và Lào cũng đều quy định về tuổi trẻ em phù hợp với quy định của Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em và cao hơn Việt Nam là dưới 18 tuổi.
Myanmar đang sửa đổi Luật Trẻ em theo hướng nâng độ tuổi trẻ em lên 18 tuổi. Ủy ban về quyền trẻ em của Liên hợp quốc sau khi xem xét Báo cáo quốc gia về thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em định kỳ lần 3 và lần 4 cũng đã khuyến nghị Việt Nam nâng độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi.
Như vậy, việc sửa đổi độ tuổi của trẻ em không ảnh hưởng tới các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Xu hướng hội nhập về độ tuổi trẻ em đang diễn ra rất nhanh, Việt Nam cũng cần nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp.
Đối với pháp luật hiện hành, việc nâng độ tuổi trẻ em đến dưới 18 là bảo đảm sự thống nhất về trẻ em và người chưa thành niên trong hệ thống pháp luật của Việt Nam. Hiến pháp năm 2013 của nước ta quy định công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử (Điều 27) và công dân từ đủ 18 tuổi trở lên có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân (Điều 29).
Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định người từ đủ 18 tuổi trở lên là người thành niên; người chưa đủ 18 tuổi là người chưa thành niên (Điều 18). Các luật khác như: Luật hôn nhân và gia đình, Luật nghĩa vụ quân sự, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân... đều quy định ngưỡng tuổi thành niên và chưa thành niên là 18 tuổi.
Đối với người dưới 18 tuổi thì tùy theo độ tuổi để có căn cứ xác định trách nhiệm, mức độ, điều kiện tham gia vào đời sống xã hội và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật xử lý vi phạm hành chính đều quy định người dưới 18 tuổi không hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành vi giống như người thành niên và người chưa thành niên.
Bộ luật Lao động quy định người dưới 18 tuổi chỉ làm những công việc phù hợp với sức khỏe và độ tuổi để bảo đảm sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách trong giai đoạn chưa thành niên. Như vậy, quy định tuổi trẻ em dưới 18 tuổi bảo đảm và củng cố tính thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam về ngưỡng tuổi trưởng thành đầy đủ (chưa thành niên và thành niên).
* Thưa Thứ trưởng, nếu Quốc hội thông qua đề xuất nâng độ tuổi trẻ em đến dưới 18 tuổi có làm tăng áp lực lên hệ thống an sinh xã hội và nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho nhóm trẻ em trong lứa tuổi này hay không?
Trước đây, do đất nước còn nghèo, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, Việt Nam quy định độ tuổi trẻ em dưới 16 tuổi để bảo đảm tính khả thi về nguồn lực thực thi các chính sách về trẻ em. Từ năm 2010, Việt Nam đã ra khỏi danh sách các nước nghèo, tiềm lực kinh tế và phát triển xã hội đã ở mức khá hơn, do vậy việc mở rộng phạm vi bảo đảm quyền và các chính sách trợ giúp đối với người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi cũng là trọng tâm của tiến bộ xã hội.
Hiện nay, dân số trong độ tuổi 0 đến 16 là 26 triệu, chiếm 29,06% dân số. Dân số trong độ tuổi từ 16- 18 là hơn 4,3 triệu, chiếm 4,9%. Nếu tăng tuổi trẻ em đến dưới 18, dân số trẻ em là hơn 30,3 triệu người, chiếm 34 % dân số. Việc tăng tỉ lệ dân số trẻ em không làm ảnh hưởng lớn đến hệ thống chính sách và nguồn ngân sách cho y tế, giáo dục, văn hóa, trợ giúp xã hội hiện nay.
Hầu hết các chính sách cho người chưa thành niên đều đã được tiếp cận và hoạch định theo độ tuổi và bậc học, ví dụ Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, không thu học phí ở bậc tiểu học, các cháu đang hưởng chế độ bảo trợ xã hội đến dưới 18 tuổi, nếu còn đi học đến 21 tuổi.
Việc nâng độ tuổi trẻ em chỉ phản ánh thực tế rằng, những người chưa thành niên dưới 18 tuổi do chưa trưởng thành đầy đủ và trọn vẹn có quyền được Nhà nước chăm sóc và bảo vệ đặc biệt. Trẻ em phải chịu trách nhiệm hình sự từ tuổi 14, nhưng được hưởng sự bảo vệ đặc biệt cho trẻ em trong quá trình tố tụng cho đến khi 18 tuổi; trẻ em có thể có khả năng tham gia lao động khi 15 tuổi, nhưng phải được bảo vệ khỏi các công việc độc hại, bóc lột hoặc có hại cho đến khi 18 tuổi.
Vấn đề xã hội của trẻ em và người chưa thành niên cũng diễn biến phức tạp hơn khi các em bước vào ngưỡng trưởng thành, thay đổi nhanh về cả thể chất và tâm lý. Tình trạng trẻ em và vị thành niên vi phạm pháp luật thường rơi vào độ tuổi 14 đến 18. Trong khi đó, độ tuổi này chưa có nhiều chính sách bảo vệ, giáo dục, chăm sóc về đạo đức, nhân cách, tâm lý và kỹ năng sống.
Để tránh áp lực gia tăng ngân sách khi Luật được ban hành, dự thảo quy định chính sách Nhà nước được thực hiện có lộ trình từng bước gia tăng mức độ đầu tư, mở rộng dần đối tượng, độ tuổi và căn cứ vào mức độ phát triển kinh tế - xã hội đối với các chính sách đảm bảo các quyền của trẻ em.
* Xin cảm ơn Thứ trưởng.