Mấy ngày qua, miền Bắc và miền Trung hứng chịu đợt nắng nóng khủng khiếp. Hậu quả là, rất nhiều người lớn, trẻ em đổ bệnh khiến các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội rơi vào tình trạng quá tải.
Trẻ nhập viện tăng gấp 2 lần
Tại khoa Nhi, BV Bạch Mai, các buồng bệnh đều phải nằm ghép 2 - 3 trẻ/giường.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai, cho biết mấy ngày nắng đầu hè vừa qua trung bình mỗi ngày khoa Nhi khám cho 200 trẻ, có ngày lên tới 350 trẻ, gấp 1,5 - 2 lần so với trước đó. Thậm chí, có những đêm khoa Nhi tiếp nhận cấp cứu cho 100 trường hợp. Trong khi đó cả khoa chỉ có 60 giường bệnh nên với trẻ nhỏ, BS đành phải xếp nằm ghép 3 - 4 cháu/giường, trẻ lớn hơn thì 2 cháu/giường.
Bệnh nhi được đưa đến khám, điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội). Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN |
Chị Hồng ở Hưng Yên kể, con chị mới được 5 tháng tuổi nhưng mấy ngày qua có biểu hiện ho nhiều, khó thở. Đi khám tại BV tỉnh, bé được chẩn đoán là viêm phế quản và được chỉ định tiêm kháng sinh trong 1 tuần cộng với uống thuốc. Tuy nhiên thấy con ho nặng hơn, tiếng thở rít khó nhọc, chị quyết định đưa con lên Hà Nội khám. Tại khoa Nhi, sau khi thăm khám BS chẩn đoán cháu bị viêm phế quản nhưng đã có biến chứng viêm phổi nên phải nhập viện điều trị. “Nhập viện được 2 ngày, do quá đông nên cháu phải nằm ghép giường với 2 bệnh nhi nữa. Trời nóng bức, lại phải nằm ghép nhiều nên không khí trong phòng bệnh lúc nào cũng ngột ngạt. Hai vợ chồng tôi phải thay phiên nhau bế, vác cháu trên vai, đi dọc khu hành lang của khoa bệnh để ru cháu ngủ. Ra ngoài hành lang còn thoáng khí, mát mẻ chứ cứ đặt cháu xuống giường bệnh là cháu lại giật mình, quấy khóc”, chị Hồng chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, theo quy luật cứ mỗi khi thời tiết thay đổi thì lượng bệnh nhân nhập viện đều tăng. Đặc biệt, đợt nắng nóng mấy ngày qua lại trùng đúng dịp nghỉ lễ kéo dài, nhu cầu đi nghỉ mát, du lịch của người dân tăng đột biến. Chính vì thế mà sau khi kết thúc kỳ nghỉ cũng là lúc bệnh viện đón một lượng lớn bệnh nhân nhập viện. Ngay tại khoa Nhi ngày 2/5, lượng bệnh nhân tăng cao nhất là bệnh về đường tiêu hóa, do hệ quả từ việc thay đổi lối sống, vệ sinh ăn uống trong kỳ nghỉ lễ. Ông Dũng cũng nhấn mạnh: 2, 3 ngày tới, số bệnh nhân bị bệnh nhiễm khuẩn, sốt virút, viêm đường hô hấp vào viện sẽ tăng cao và chiếm tỷ lệ cao sau khoảng thời gian ủ bệnh.
Gia tăng bệnh nhân tim mạch
Cũng trong đợt nắng nóng này, tại khoa Khám bệnh của BV Lão khoa Trung ương, bệnh nhân vào khám tăng khá cao và chủ yếu do tăng huyết áp, bệnh mạn tính và các bệnh liên quan đến nắng nóng như say nắng, say nóng, suy nhược vì mất nước... Bệnh nhân Nguyễn Thị Gái (85 tuổi, ở Cầu Giấy) được bác sĩ Nguyễn Văn Long - khoa Khám bệnh chẩn đoán bị tai biến thoáng qua vì bàn tay phải của cụ có dấu hiệu tăng kích thích do tăng huyết áp. Bác sĩ Long cho biết, thông thường vào những đợt nắng nóng như mấy ngày vừa qua, số bệnh nhân không tăng nhiều nhưng số ca bệnh nặng lại chiếm tỷ lệ cao do có nhiều ca bị tăng huyết áp, tai biến, đột quỵ. Đặc biệt, nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài đến cuối tuần thì có thể cơ cấu các bệnh do thời tiết ở người già như say nắng, say nóng sẽ còn tăng cao.
Tại BV Bạch Mai, lượng người lớn đến viện cũng khá đông. BS Đồng Văn Thành, khoa Khám bệnh, cho biết, những ngày này, bệnh nhân tim mạch, khớp, thần kinh rất đông, tăng gấp đôi, mỗi ngày có khoảng 80 - 90 người bệnh nhập viện. Riêng số bệnh nhân mạch vành, suy tim, huyết áp thì tăng hơn 30% so với ngày thường, đặc biệt là bệnh mạch vành. Theo BS Thành, nguyên nhân gia tăng bệnh nhân là thời tiết tác động làm huyết áp không ổn định, khiến bệnh mạch vành, bệnh nhân sau can thiệp, bị van tim, suy tim phải đến BV. “Trời nóng, bệnh nhân suy tim uống nhiều nước sẽ làm tăng khối lượng tuần hoàn, sẽ bị suy nặng hơn. Người suy tim cần khống chế lượng nước đầu vào, khi nào khát thì uống. Mạch vành, huyết áp thì vẫn uống nước như thường. Uống thuốc huyết áp dù có thành phần lợi tiểu thì vẫn phải uống thuốc. Người bệnh mãn tính phải uống thuốc đều, con cháu nên hỗ trợ người già trong nhà nếu người già quên”, BS Thành nhấn mạnh.
Để chống chọi với cái nắng khủng khiếp này, BS Thành khuyên người dân, nhất là người già, trẻ nhỏ nên ngồi trong phòng có điều hòa, ở nhiệt độ 27 - 28OC, trời mát mới đi ra ngoài. Mùa hè nên uống 1,5 - 3l nước/ngày. Việc uống C không làm mát, chưa có căn cứ khẳng định điều này mà thực ra lại làm nóng người. Nên uống linh chi, râu ngô, bông mã đề để lợi tiểu, mát. Lưu ý uống nước đến ngưỡng thấy không hấp thụ được thì không nên tiếp tục, đặc biệt ngày nào làm việc mất nhiều mồ hôi thì không nên tiếp tục uống quá nhiều.
Châu Anh