Sau gần 20 lần xây dựng các văn bản, đề án sửa đổi, điều chỉnh chính sách viện phí theo hướng tăng nhưng chưa được phê duyệt, ngày 14/9, tại Hà Nội, Bộ Y tế tiếp tục đưa ra vấn đề này tại Hội nghị tham vấn Dự thảo nghị định Chính phủ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị y tế công lập với sự tham gia của đại diện Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ sở y tế miền Bắc đã tham dự hội nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân.
Sẽ điều chỉnh tăng viện phí theo lộ trình
“Không nâng viện phí, chính người dân chịu thiệt thòi nhất”, ấy là quan điểm của rất nhiều đại diện các cơ sở y tế tham gia Hội nghị xin ý kiến xây dựng Dự thảo Nghị định về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, thực chất là bàn về vấn đề điều chỉnh mức thu viện phí theo hướng tăng so với hiện nay.
Bệnh viện “than” trời
“Trong số 3.000 dịch vụ đang được thực hiện, có khoảng 350 dịch vụ được ban hành theo khung giá từ năm 1995, phần lớn mới chỉ thu từ 30-50% chi phí trực tiếp, 2.650 dịch vụ khác được ban hành theo khung giá từ năm 2006”, ông Nguyễn Nam Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế khẳng định.
Thanh toán viện phí cho người bệnh tham gia BHYT tại Viện Tai-Mũi-Họng TƯ (Bộ Y tế). Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN |
Theo ông Nguyễn Nam Liên, các mức thu này cần thiết phải điều chỉnh vì được xây dựng từ năm 1995. Trong khi theo nguyên tắc chỉ tính một phần các chi phí trực tiếp, nên phần lớn các dịch vụ này mới chỉ thu từ 30-50% chi phí trực tiếp tính theo thời giá năm 1995. Nay phải tính đủ các chi phí trực tiếp, đầu vào như điện, nước, xăng đầu, thuốc, vật tư, hóa chất theo thời giá hiện nay.
Bên cạnh đó, kỹ thuật và công nghệ y tế ngày càng phát triển, các yêu cầu về vô trùng, đảm bảo chất lượng dịch vụ ngày càng cao, nên nhiều loại vật tư, hóa chất thay đổi hoàn toàn phương thức sử dụng, làm chi phí tăng thêm nhiều. Ví dụ chỉ phẫu thuật trước dùng chỉ loại không tiêu, phải cắt, giá chỉ 1.000 đồng- 2.000 đồng/sợi, nay dùng chỉ tự tiêu vicruy, trong túi có kim khâu nên bảo đảm vô trùng, giá khoảng 45.000- 70.000 đồng/sợi…
Hiện nay, khoảng 60% dân số đã có thẻ BHYT, vì vậy nhiều ý kiến cho rằng, nếu không điều chỉnh viện phí thì bệnh viện sẽ không có nguồn kinh phí để thực hiện khám, chữa bệnh, nâng cao chất lượng dịch vụ đối với người bệnh BHYT; việc thanh toán với mức thấp như hiện nay có thể dẫn đến tình huống bệnh viện yêu cầu người bệnh đóng thêm tiền hoặc bệnh viện không thực hiện dịch vụ mà yêu cầu người bệnh thực hiện ở cơ sở khác, làm giảm hoặc hạn chế quyền lợi, gây phiền hà cho người bệnh có thẻ BHYT.
Đặc biệt, do cơ cấu giá tính chưa đầy đủ, chưa có khấu hao, duy tu, bảo dưỡng dẫn đến không có kinh phí để bệnh viện thực hiện việc duy tu, bảo dưỡng, bảo trì tài sản, trang thiết bị, làm trang thiết bị xuống cấp nhanh, thời gian sử dụng ngắn, kém hiệu quả, chất lượng dịch vụ chưa cao; không có nguồn kinh phí để thường xuyên đổi mới, thay thế trang thiết bị…
Ông Trương Quý Dương, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, bức xúc nói: “Chúng tôi đang tự “ăn thịt” mình để duy trì hoạt động của bệnh viện và để có kinh phí chi trả lương, thưởng cho cán bộ y tế. Đáng nhẽ mỗi năm phải có 1- 3% để duy tu nhà cửa, 5- 7% kinh phí để bảo trì máy móc thiết bị nhưng do không đủ kinh phí nên BV đành để máy móc hoạt động đến khi “chết” hẳn, không thể vận hành nữa thì thôi. Và nếu không đầu tư mạnh vào công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện thì chính người bệnh sẽ là người chịu thiệt thòi trước tiên…”.
Đồng tình với quan điểm này, bà Phạm Thị Luyên, Chủ tịch Công đoàn y tế Việt Nam cũng cho hay: “Thiếu kinh phí, một số cơ sở y tế còn không dám nhận thêm người. Nhiều điều dưỡng cũng viết thư chia sẻ công việc quá tải mà số lượng cán bộ có hạn, lo lắng xảy ra nhầm lẫn, không phục vụ người bệnh được chu đáo”.
Điều chỉnh tăng giá 350 dịch vụ
“Do đây là vấn đề kinh tế xã hội rất nhạy cảm, liên quan đến đời sống của người dân, nên từ khi được Quốc hội, Chính phủ giao, tôi cũng rất trăn trở, suy nghĩ về việc điều chỉnh viện phí/giá dịch vụ y tế trong điều kiện kinh tế xã hội hiện nay. Tuy nhiên, nếu không đổi mới cơ chế tài chính, điều chỉnh giá dịch vụ thì các đơn vị y tế công, bệnh viện công chất lượng khám chữa bệnh giảm sút, có nguy cơ bị đóng cửa, ảnh hưởng nhiều hơn đến sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ.
Vì vậy, Bộ Y tế đã tiến hành nghiên cứu, báo cáo và đề xuất với Chính phủ về lộ trình thực hiện điều chỉnh viện phí, trước mắt chỉ điều chỉnh khoảng 350 dịch vụ có mức thu lạc hậu, được ban hành từ năm 1995 và năm 2006. Đến giai đoạn 2013- 2014, khi điều kiện kinh tế xã hội phát triển, thì mới thực hiện tính đúng, tính đủ các chi phí.
Mức điều chỉnh viện phí lần này vẫn kế thừa nguyên tắc là thu một phần viện phí. Giá dịch vụ y tế được điều chỉnh lần này không tính khấu hao tài sản cố định, tiền lương của cán bộ y tế, chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị; chỉ bao gồm chi phí cho các khoản không được Nhà nước đầu tư nhưng đã sử dụng trực tiếp cho người bệnh.
Đơn cử, giá dịch vụ khám bệnh sẽ điều chỉnh từ 500 đồng đến 3.000 đồng/lần khám lên thành 6.000 - 25.000 đồng/lần khám (tùy từng hạng bệnh viện, từng chuyên khoa sẽ áp mức giá mức phù hợp). Đối với ngày giường điều trị nội trú quy định cũ là 4.000 - 18.000 đồng đối với bệnh viện hạng I, từ 2.500- 16.000 đồng đối với bệnh viện hạng II, nay dự kiến điều chỉnh mức khám tại trạm y tế xã từ 10.000- 15.000 đồng; ngày giường bệnh hồi sức cấp cứu từ 30.000- 120.000 đồng; ngày giường bệnh điều trị nội khoa từ 20.000 - 100.000 đồng; ngày giường bệnh điều trị ngoại khoa, bỏng từ 25.000- 240.000 đồng…
“Khi ban hành khung giá viện phí mới không có nghĩa là các cơ sở y tế được thu ngay theo mức tăng tối đa, Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ quyết định mức thu của các bệnh viện thuộc trung ương, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định mức thu của các bệnh viện thuộc địa phương trong phạm vi khung giá đã quy định”, ông Nguyễn Nam Liên giải thích.
Theo đánh giá, cái được lớn nhất của việc tăng viện phí là sẽ thúc đẩy xã hội hóa y tế, tạo điều kiện để các bệnh viện, nhất là các bệnh viện tuyến dưới có kinh phí để triển khai các dịch vụ mới, kỹ thuật cao. Như vậy mới phát triển được kỹ thuật y tế, đưa dịch vụ y tế về gần dân; phát huy được tính năng động, sáng tạo của các bệnh viện trong việc huy động các nguồn lực, sử dụng có hiệu quả cơ sở hạ tầng, trang thiết bị được đầu tư…
Lập luận của ngành y tế là vậy, song khi đón nhận thông tin về tăng viện phí, điều mà người dân quan tâm khi đó là viện phí tăng, có đồng hành với tăng chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh? Liệu người dân có còn phải nằm ghép 2- 3 người/giường? Liệu các bác sĩ có đón tiếp bệnh nhân bằng những nụ cười thay bằng những khuôn mặt khó gần như hiện nay?
Rõ ràng, để trả lời những câu hỏi này, ngành y tế sẽ phải nỗ lực trong một thời gian rất dài nữa. Việc điều chỉnh viện phí chỉ là góp phần từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh chứ chưa thể giải quyết ngay được tình trạng quá tải ở các BV, nhất là các BV tuyến trung ương.