Thời gian đưa vào sử dụng chưa lâu, đa phần còn chưa hoàn thành quyết toán, nhưng hầu hết các công trình văn hóa - xã hội trọng điểm mà thành phố Hà Nội đầu tư dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đã xuống cấp hoặc không phát huy được hiệu quả hoạt động.
Nhiều bất cập
6 công trình văn hóa xã hội trọng điểm của Hà Nội được Ban Văn hóa Xã hội - HĐND thành phố Hà Nội giám sát, gồm: Bảo tàng Hà Nội, thư viện Hà Nội, trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội, rạp Đại Nam, rạp Kim Đồng và Trung tâm Đào tạo vận động viên cấp cao Hà Nội. Trong đó, công trình xây dựng ít cũng vài chục tỷ đồng (thư viện Hà Nội tỷ), nhiều tới vài nghìn tỷ đồng (bảo tàng Hà Nội gần 3.000 tỷ), nhưng hầu hết chưa phát huy hết công năng.
Bảo tàng Hà Nội xây bề thế nhưng hiện vật trưng bày rất lèo tèo nên ít người đến. |
Bảo tàng Hà Nội được xây dựng hiện đại, quy mô lớn, nhưng phần nội dung và hình thức trưng bày sơ sài, nếu không muốn nói là hầu như chưa có gì, do vậy ngày càng vắng khách đến tham quan. Nếu năm 2010 lượng khách tham quan đạt gần 290.000 lượt, thì đến năm 2013 giảm còn gần 85.000 lượt người.
Trung tâm Văn hóa Kim Đồng có quy mô 7 tầng, nhưng thiết kế công trình chưa phù hợp, số lượng phòng chiếu quá ít (3 phòng chiếu), trong đó có 1 phòng chiếu dành cho loại phim khá “hiếm” (4D), nên gặp khó khăn trong việc lựa chọn phim cũng như số lượng phim phục vụ khán giả và điều dễ hiểu là lượng khách cũng ít theo. Ngay tại buổi Ban Văn hóa Xã hội - HĐND thành phố Hà Nội giám sát, phòng chiếu 3D rộng vài trăm chỗ ngồi nhưng chỉ vẻn vẹn khoảng 10 khán giả tới xem phim. Bà Vũ Thị Mai Phương, Giám đốc Trung tâm, cho biết: “Để tăng hoạt động cho Trung tâm, chúng tôi mở ra nhiều hoạt động như chiếu phim miễn phí, tổ chức các câu lạc bộ nghệ thuật miễn phí, hoạt động nhân ngày lễ Tết”.
Tình trạng hoạt động chưa hết công năng cũng xảy ra ở một số công trình văn hóa xã hội trọng điểm khác.
Không chỉ khai thác chưa hiệu quả, mà còn một thực trạng đáng buồn nữa là dù thời gian đưa vào sử dụng chưa lâu, nhưng các công trình đều đã xuống cấp, đơn cử như công trình Trung tâm đào tạo VĐV cấp cao Hà Nội. Ông Phan Anh Tú, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo VĐV cấp cao Hà Nội thừa nhận: Thiết kế các công trình chưa phù hợp với điều kiện sinh hoạt, luyện tập của vận động viên, nhiều công trình có dấu hiệu xuống cấp nhanh.
Tương tự như vậy, tại Thư viện Hà Nội đã xảy ra hiện tượng lún, hệ thống nhà vệ sinh xuống cấp, bung gãy, hệ thống trung tâm báo cháy bị hỏng, tường nhà thấm nước. Tại Rạp Đại Nam, tường cũng bị thấm nước, cửa nhà vệ sinh bị hỏng, công trình có biểu hiện lún, gây rạn nứt kính khu vực mặt tiền của rạp…
Trong khi đó công tác quyết toán các công trình quá chậm, gây ra nhiều vướng mắc trong công tác quản lý, vận hành, duy tu công trình. Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội Phạm Xuân Khánh chia sẻ: “Hiện nay, trường vẫn còn một số thiết bị chưa được bàn giao, toàn bộ công trình nhà trường chưa được quyết toán. Nhiều diện tích mặt bằng của các khu nhà bị lún, sụt, nứt, bong rộp, hệ thống cầu thang giữa hai nhà D và C bị nứt, cong vênh. Nhà trường đề nghị đẩy nhanh tiến độ bàn giao và quyết toán công trình cũng như cấp kinh phí duy tu, bảo dưỡng để việc sử dụng đạt hiệu quả”.
Sớm tìm giải pháp
Để tạo điều kiện cho các công trình trọng điểm văn hóa - xã hội phát huy hiệu quả, trước hết công tác quyết toán các công trình phải hoàn thành. Về vấn đề này, đại diện Sở Xây dựng cho biết: Công tác quyết toán gặp nhiều khó khăn bởi một số công trình phải thi công nhanh để kịp chào mừng Đại lễ, một số công trình có quy mô lớn, việc thi công phức tạp, một số vừa xây dựng vừa bổ sung thiết kế. Bên cạnh đó, hầu như ngân sách tạm ứng cho nhà thầu đều sát giá trị công trình nên mới xảy ra việc chậm quyết toán của các nhà thầu.
Theo đại diện này, trong thời gian tới, Sở tích cực làm việc với các đơn vị liên quan, tháo gỡ những bất cập, đẩy nhanh tiến độ quyết toán, sớm bàn giao cho các cơ quan quản lý, vận hành.
Là đơn vị quản lý các công trình văn hóa - xã hội trọng điểm, hơn ai hết, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội có trách nhiệm trợ giúp các đơn vị sự nghiệp khai thác, phát huy hiệu quả các công trình thành phố đầu tư. Ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, khẳng định: “Các đơn vị quản lý cần xây dựng đề án cải tạo, thực hiện giải pháp khai thác hiệu quả để trình Sở. Những vấn đề nào Sở có thẩm quyền thì sẽ giải quyết, vượt thẩm quyền sẽ trình UBND thành phố giải quyết; đồng thời sẽ tham mưu cho UBND thành phố tạo điều kiện, hỗ trợ cho các công trình phát huy công năng. Sở cũng sẽ phối hợp với các chủ đầu tư công trình tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh quyết toán công trình để bàn giao chính thức. Trước mắt, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất với chủ đầu tư công trình rà soát các hạng mục xuống cấp để sớm duy tu, sửa chữa”.
4 năm là thời gian chưa dài nhưng cũng không hề ngắn cho việc hoàn thành các vấn đề thuộc về “thủ tục” cũng như tìm phương án phát huy hiệu quả của các công trình tiền tỷ này. Đừng để những công trình có ý nghĩa của dịp Đại lễ lại trở thành những “nỗi buồn” cho bộ mặt Thủ đô.
Đinh Thuận - Cao Kim Anh