Ngăn chặn tai nạn từ xe đạp điện

Xe đạp điện đang là lựa chọn của không ít người dân. Tuy nhiên do người sử dụng thiếu ý thức, nhất là các em học sinh, xe đạp điện tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao.


Nguy cơ gây tai nạn

Với nhiều ưu điểm như gọn nhẹ, tiện lợi, tiết kiệm, thời trang, thân thiện với môi trường, xe đạp điện đang là lựa chọn của nhiều bậc phụ huynh dành cho con em mình. Tuy nhiên, ý thức giao thông khi sử dụng xe đạp điện của các em học sinh rất đáng lo ngại. Không ít em điều chỉnh tốc độ vượt quá mức cho phép của nhà sản xuất, phóng nhanh, vượt ẩu. Nhiều vụ tai nạn do xe đạp điện gây ra khiến người đi đường bức xúc.

Không ít trường hợp đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm.


Anh Nguyễn Thành Trung ở Khu đô thị Linh Đàm, Hà Nội kể lại: “Ngày 10/9, tôi lái ô tô về đến cửa nhà. Vừa xuống xe, chuẩn bị lấy đồ ra, bất ngờ, một học sinh đi xe đạp điện lao vút qua, ngoắc tay lái vào áo làm tôi ngã xuống đường, rách áo, tay và ngực bị chấn thương”. Còn đối với chị Nguyễn Thị My ở phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, vụ tai nạn cuối tháng 8 vừa qua khiến chị còn nguyên cảm giác sợ sệt: Khi tôi dừng lại trước đèn đỏ tại ngã tư Nguyễn Du - Yết Kiêu, thì một em học sinh đi xe đạp điện ngược chiều từ phố Yết Kiêu sang phố Nguyễn Du đâm vào. Hai chiếc xe mắc vào nhau gỡ mãi mới ra. Rất may, chỉ bị thương nhẹ ở chân...”.

Tại cổng Trường THCS Việt Đức, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội thường xuyên có các tốp học sinh sử dụng xe đạp điện lạng lách, đánh võng, nhiều em không đội mũ bảo hiểm (MBH), thậm chí còn vượt đèn đỏ, bất chấp các quy định an toàn giao thông (ATGT). 8 tháng đầu năm, Phòng CSGT Hà Nội các đội CSGT thủ đô đã xử lý gần 800 trường hợp đi xe đạp điện không đội MBH.

Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) đã tiếp nhận nhiều ca tai nạn giao thông từ xe đạp điện, với hậu quả nghiêm trọng. Đơn cử, tối 31/5/2015, một nữ sinh 15 tuổi, quê Thái Bình được chuyển đến trong tình trạng đau đớn, sốc do bị mất máu ở chân phải, gãy chân trái, gãy xương chậu... Theo lời kể của gia đình, bệnh nhân đi xe đạp điện đâm trực diện vào ô tô.

Đi qua các cổng trường vào giờ tan học, người tham gia giao thông không ít lần giật mình, thót tim trước những tốp học sinh “cưỡi” xe đạp điện dàn hàng ngang, chở ba, phóng bạt mạng trên đường.

Bác sỹ Đặng Văn Quế (Khoa Chấn thương - Bệnh viện Việt Đức) chia sẻ: Xe đạp điện có trọng lượng nhẹ, vận tốc tối đa không quá 25 km/giờ, nhưng nếu tháo bỏ thiết bị hạn chế tốc độ có thể chạy 40 - 50 km/giờ. Do đó, khi xảy ra va chạm, người đi rất khó xử lý tình huống. Thêm vào đó, người đi xe đạp điện, nhất là các em học sinh không có bằng lái, chưa có kinh nghiệm điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không đội MBH, nếu gặp tai nạn là khôn lường.

Ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Hữu Trí, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho hay: Từ 1/1/2014 - 31/8/2015, số lượng xe đạp điện nhập khẩu của cả nước là 5.324 chiếc, tuy nhiên số lượng sản xuất, lắp ráp trong nước lên tới 47.308 chiếc. Trong số này, không ít xe được lắp ráp trôi nổi trên thị trường, không đảm bảo chất lượng khi tham gia giao thông. Người tiêu dùng khó nhận biết khi mua sử dụng.

Tăng cường giám sát học sinh

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng khẳng định: Qua thực tế xử lý đối vi phạm không đội MBH, công tác tuyên truyền trong nhà trường, vận động các bậc phụ huynh đóng vai trò quan trọng nhất. Tới đây, Ủy ban sẽ kiến nghị các Bộ Công Thương, Tài chính, Công an triển khai các chuyên đề kiểm tra, xử lý đơn vị kinh doanh xe đạp điện không đúng quy định. Còn tại các địa phương, nhà trường, Ủy ban sẽ mở các chuyên đề tuần tra, kiểm soát xử lý việc thực hiện các quy định về xe đạp điện. Thời gian đầu có thể dừng xe, tuyên truyền, sau đó sẽ xử lý.

Trung tá Đinh Thanh Thảo, Đội trưởng đội Đăng ký và Quản lý phương tiện (Phòng CSGT Hà Nội) cho biết: Luật Giao thông đường bộ quy định xe đạp điện là phương tiện thô sơ, nhưng người đi vẫn phải đội MBH. Trong quá trình tuần tra, kiểm soát, lực lượng CSGT luôn tuyên truyền việc tuân thủ luật giao thông đối với người sử dụng xe đạp điện. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phối hợp với các nhà trường nhằm hạn chế tình trạng học sinh vi phạm. Phòng sẽ tiếp tục mở các chuyên đề, trực tiếp đến cổng trường để tuyên truyền cho học sinh. Đối với các trường hợp tái phạm sẽ bị tạm giữ xe 7 ngày, thông báo cho nhà trường thực hiện các biện pháp răn đe.

Cô Nguyễn Tuyết Mai, Trường THPT Việt Đức cho biết: Nhà trường thường xuyên làm việc với các bậc phụ huynh và các em học sinh sử dụng xe đạp điện để tuyên truyền nâng cao ý thức cho các em khi tham gia giao thông. Trường có quy định đối với các em học sinh vi phạm và bị xử phạt vì vi phạm giao thông, sẽ bị xử lý về mặt hạnh kiểm.


Tiến Hiếu
Bắt buộc học sinh đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, xe đạp điện
Bắt buộc học sinh đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, xe đạp điện

Ngày 6/4, ngày đầu lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) cả nước ra quân phối hợp với nhà trường kiểm tra, nhắc nhở phụ huynh học sinh tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm (MBH) cho con em mình khi đến trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN