Trong thời điểm diễn ra sự kiện quan trọng này, mọi người dân Thủ đô đều đồng lòng giữ gìn và làm sạch đẹp thành phố, song điều đáng nói là ngay khi sự kiện vừa kết thúc là "thói xấu vặt" của một số người lại bộc lộ, làm hoen ố nét thanh lịch của người Tràng An.
Chiều 6/3, một số phương tiện thông tin đại chúng đăng tải đoạn clip ghi lại hình ảnh người dân tự ý lấy đi những chậu hoa đặt ở dải phân cách giữa tuyến đường Kim Mã gần khu Ngoại giao đoàn nhằm trang trí phục vụ Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai. Hình ảnh cho thấy, trong đám đông người "hôi hoa" có cả những người dừng ô tô lại để tìm, lựa những chậu hoa còn dùng được rồi mang đi. Có thể nhận thấy hành vi sai trái ấy xuất phát từ tâm lý đám đông, thấy người khác làm thì cũng làm theo, kiểu a dua, tranh giành cái đẹp bằng hành động xấu xí. Biện minh cho hành động phản cảm này, một số người dân cho rằng "nếu không lấy thì số hoa này cũng sẽ bị mang bỏ đi".
Trong khi đó, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội khẳng định, không có chuyện đơn vị này cho người dân tự ý lấy hoa, cây cảnh sau khi trang trí. "Đây là hành vi thiếu văn hóa của một số người dân chứ phía công ty không có cơ chế nào cho người dân lấy hoa, ngay cả khi thu dọn", đại diện Công ty Công viên cây xanh Hà Nội nhấn mạnh.
Đây không phải lần đầu tiên ở Hà Nội diễn ra hành động xấu xí tại nơi công cộng như vậy. Còn nhớ, sau đêm 31/12/2018, khu vực Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục - nơi diễn ra Lễ hội đếm ngược mừng năm mới, có rất đông người dân đã tụ tập, chen lấn từ chập tối. Mặc dù đã có lực lượng bảo vệ nhắc nhở nhưng nhiều người vẫn cố tình giẫm lên các bồn hoa, các rào chắn của vườn hoa để tìm cho mình một chỗ đứng thuận tiện. Nhiều người thiếu ý thức đã giẫm đạp lên cây cỏ ở vườn hoa, mặc dù có biển cấm. Lễ hội đếm ngược diễn ra chỉ trong ba tiếng đồng hồ nhưng khoảng bảy ô trồng hoa ở khu vực xung quanh Bờ Hồ đã hoàn toàn bị hủy hoại bởi những người thiếu ý thức. Cùng với đó là tình trạng vứt túi ni lon, cốc nhựa, đồ ăn... vương vãi khắp vỉa hè, lòng đường sau lễ hội. Tại khu vực ngã ba Hồ Gươm giao với đường Đinh Tiên Hoàng, nơi tập trung nhiều hàng ăn vặt tấp nập khách hàng, rác thải tràn từ trên hè xuống đường khiến công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội phải dọn rác luôn tay trong suốt buổi tối.
Hay trong ngày 28/1/2018, lợi dụng không khí vui mừng đón Đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam trở về sau thành công của Giải bóng đá U23 châu Á 2018, nhiều người dân đã chen lấn, giẫm nát, bẻ gẫy nhiều cây xanh, cây cảnh tại khu vực sân bay Nội Bài và trên đường Võ Chí Công, Võ Nguyên Giáp.
Tại một số nước như Nhật Bản, Đức, Sinhgapore... hành vi thiếu văn hóa, vứt rác, viết vẽ bậy bị xử lý rất nặng, ngoài việc phải nộp tiền phạt thì người vi phạm còn có thể bị bỏ tù. Trong khi đó, ở nước ta, hành vi viết vẽ bậy, xả rác, giẫm hoa, bẻ cành hay đái bậy... được một bộ phận người thiếu ý thức xem là "bình thường", không đáng bị phê phán nặng nề hay xử phạt. Hành vi thiếu văn hóa, diễn ra ngay ở thành phố ngàn năm tuổi, "Thành phố Vì hòa bình", là "thói xấu vặt" dễ bị nhiễm và có nguy hại rất lớn đối với một đô thị lớn như Hà Nội. Và cũng từ một hành vi tưởng như nhỏ nhặt như "tiện tay" vứt rác ra đường nhưng lại ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh chung của quốc gia với thế giới.
Gây ra hành vi thiếu văn hóa ở nơi công cộng trước tiên lỗi thuộc về cá nhân mỗi người, song nói rộng ra cũng có phần trách nhiệm của một số cơ quan, ban ngành, chính quyền địa phương trong việc nhắc nhở, xử phạt. Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải từng phát biểu: "Sau những đêm lễ, Tết, nhìn khu vực Hồ Gươm chúng ta rất xấu hổ với khách quốc tế cũng như với các địa phương khác". Để lập lại kỷ cương đô thị, Bí thư Thành ủy yêu cầu các quận, huyện cần tăng cường vận động người dân giữ gìn nếp sống văn minh, đồng thời xử phạt nghiêm những hành vi thiếu văn hóa của một bộ phận người dân Thủ đô.
Để ngăn chặn "thói xấu vặt" ở Hà Nội, ngoài việc các cơ quan chức năng tăng cường xử phạt thì mỗi gia đình cần quan tâm theo sát, nhắc nhở con em mình nâng cao nhận thức, giữ gìn văn hóa nơi công cộng, thể hiện qua những việc nhỏ như không vứt rác, xâm hại cây xanh..., qua đó góp phần xây dựng hình ảnh Thủ đô thêm văn minh.