Ngăn ngừa bạo lực trong thanh, thiếu niên: Cả xã hội phải vào cuộc

Vấn đề mấu chốt trong việc ngăn ngừa tình trạng bạo lực ở thanh, thiếu niên là cần tạo thế chân kiềng vững chắc giữa gia đình- nhà trường- xã hội trong việc chăm sóc, giáo dục thế hệ trẻ”, PGS. TS Trịnh Hòa Bình, Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội, Viện Xã hội học, nhấn mạnh.

 

Cần sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong việc ngăn chặn tình trạng bạo lực ở thanh, thiếu niên.

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, để cải thiện tình trạng bạo lực học đường có những diễn biến phức tạp, vấn đề đạo đức học sinh cũng có những diễn biến mới, Bộ đã chủ động đổi mới nội dung phương pháp dạy, học; tăng cường giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống cho học sinh và sinh viên.


“Chúng tôi đã lồng ghép trong cuộc vận động học tập, làm theo tấm gương của Bác, xây dựng cuộc vận động mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tấm gương tự học và sáng tạo, để từ đó thầy cô trở thành tấm gương sáng lôi cuốn, thuyết phục các em học sinh. Bên cạnh đó, chúng tôi đang tăng cường thanh kiểm tra, xử lý những vi phạm, tiêu cực, trục lợi trong các cơ sở giáo dục, đào tạo và trong một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên”, ông Phạm Vũ Luận khẳng định.


Sở dĩ ngành giáo dục phải đưa ra nhiều giải pháp như trên là vì hiện nay phương pháp và nội dung giáo dục của nhà trường còn hạn chế. Chương trình học tập chưa tạo được sự lôi cuốn. Việc giáo dục kỹ năng sống chưa thực sự đi vào chiều sâu. Công tác tư vấn tâm lý cho học sinh chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Việc phối kết hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong việc quản lý, đảm bảo môi trường an ninh cho các cháu học tập cũng như rèn luyện chưa chặt chẽ…


Tuy nhiên, PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội, Viện Xã hội học, cho rằng: “Những nỗ lực của ngành giáo dục như hiện nay là chưa đủ. Ngành giáo dục cần thay đổi phương pháp dạy học sao cho chương trình học bớt nặng nề, dạy chữ phải đi liền với dạy các kỹ năng sống để trẻ trở thành một học sinh hoàn thiện. Đặc biệt, sự gắn kết giữa thầy và trò cần chặt chẽ hơn. Đã lâu rồi, tôi không còn nghe thấy chuyện một thầy, cô giáo nào đó tìm đến tận nhà học trò để tìm hiểu vì sao trẻ buồn, vì sao trẻ không đi học, để từ đó cùng gia đình tìm cách động viên cháu vui vẻ tới lớp”.


Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, trong bất kỳ trường hợp nào, các bậc cha mẹ cũng không được ỷ lại việc giáo dục con cái cho nhà trường và xã hội. Bởi, gia đình chính là là nơi hình thành cho các em nhân cách sống, giáo dục cho các em những cảm nhận đầu tiên về cách ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên.


Gia đình và nhà trường cần tăng cường công tác quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên, tạo thêm sân chơi bổ ích và hướng các em tham gia các hoạt động xã hội như: Từ thiện, sinh viên tình nguyện… Để thông qua đó, các em không chỉ hoàn thiện kỹ năng sống, biết trân trọng những mối quan hệ mật thiết với gia đình, thầy cô, bạn bè mà còn hạn chế được các hành vi vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng cần có sự quan tâm, chăm lo cho trẻ em. "Nếu cộng đồng không vô cảm trước những nguy cơ trẻ em bị xâm hại, bạo lực; cơ quan bảo vệ pháp luật phối hợp tăng cường kiểm tra để kịp thời thu giữ vũ khí để hạn chế các vụ xô xát, gây rối mất trật tự trị an... đồng thời kịp thời xử lý nghiêm những hành vi bạo lực vi phạm pháp luật... chắc chắn tình trạng bạo lực trong giới trẻ sẽ giảm xuống", một chuyên gia tâm lý cho biết.


Cũng theo chuyên gia này, việc mô tả quá nhiều, quá chi tiết các vụ án bạo lực gây hậu quả nghiêm trọng sẽ gây hoang mang dư luận và đôi khi còn “vẽ đường cho hươu chạy".


“Bên cạnh đó, các nhà quản lý cần phải nghiêm túc thấy được tác hại của game sex, game bạo lực tới giới trẻ, bởi chúng có thể khiến các em say mê, thậm chí nghiện đến mức bỏ học, nhịn ăn để chơi game và còn rất nhiều hệ lụy đáng tiếc khác. Do đó, cần phải kiểm soát chặt chẽ nhằm loại trừ những game bạo lực, game sex, bắt buộc các cửa hàng Internet phải đóng cửa đúng giờ quy định, đồng thời phải tăng cường thanh kiểm tra để xử phạt nghiêm minh những trường hợp vi phạm quy định của pháp luật”, PGS.TS Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm, Học viện Cảnh sát nhân dân, khuyến cáo.

 

Phương Liên

 

Ngăn ngừa hành vi bạo lực trong thanh, thiếu niên - Bài 2: Hệ lụy từ việc chưa chú trọng dạy người
Ngăn ngừa hành vi bạo lực trong thanh, thiếu niên - Bài 2: Hệ lụy từ việc chưa chú trọng dạy người

PGS.TS Nguyễn Minh Đức (ảnh), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm, Học viện Cảnh sát nhân dân, đã trao đổi với Tin Tức về nguyên nhân gia tăng hành vi bạo lực, vi phạm pháp luật trong thanh, thiếu niên thời gian gần đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN