Nỗ lực phát triển BHXH, BHYT
Tính đến 30/9, số người tham gia BHXH bắt buộc cả nước đạt gần 14,8 triệu người, bằng 96,5% kế hoạch giao (tăng 117.282 người so với tháng 8/2019 và tăng 316.307 người so với tháng 12/2018). Thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đạt 72,4% kế hoạch giao.
Cùng với đó, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đang trên đà tăng cao. Hết tháng 9 cả nước đã vận động được 463.105 người (tăng 26.017 người so với tháng 8/2019, tăng 192.326 người so với tháng 12/2018); riêng trong tháng 9 đã vận động được hơn 20.000 người. “Ngành được Chính phủ và các Bộ, ngành đánh giá cao các giải pháp cũng như công tác phối hợp trong mở rộng số người tham gia BHXH tự nguyện. Do đó, ngành cần phát huy tinh thần đến từng nhà, gặp từng người trong tuyên truyền mở rộng BHXH tự nguyện”- Phó Tổng Giám đốc BHXH Trần Đình Liệu nhấn mạnh.
Để đạt chỉ tiêu, trong 3 tháng cuối năm còn phải phát triển 27.600 người tham gia BHXH tự nguyện. Nhiều địa phương đã phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện cao hơn tỉ lệ chung là: Sơn La, Hưng Yên, Cà Mau, Hà Nam, Điện Biên. Đặc biệt, có 5 địa phương phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện cao trong 9 tháng đầu năm 2019 là: Nghệ An, Thanh Hoá, Hà Nội, Hải Dương và Sơn La.
Đáng chú ý, đến nay, cả nước đã có 89,9% dân số tham gia BHYT- vượt 1,8% so với Quyết định 1167 của Thủ tướng Chính phủ giao.
Các giải pháp gắn với thực tế
Từ thực tế địa phương, bà Lê Minh Lý, Giám đốc BHXH Bình Dương cho biết: Bình Dương đã đạt cơ bản các chỉ tiêu kế hoạch được giao, nhưng chỉ tiêu phát triển BHXH tự nguyện hiện vẫn còn thấp. Về phát triển BHXH bắt buộc, trong 3 tháng cuối năm Bình Dương phải phát triển được 14.000 người, đồng thời cố gắng giảm tỉ lệ nợ xuống mức thấp nhất (hiện 3% số phải thu).
Còn theo ông Trịnh Trung Kiên, Giám đốc BHXH tỉnh Cà Mau, dù đã tích cực, số lao động tham gia BHXH bắt buộc trong 9 tháng khai thác thêm 13.113 lao động, nhưng lại giảm 15.664 lao động do Công ty chế biến thuỷ sản Quốc Việt- lớn thứ 2 tỉnh thu hẹp sản xuất, giảm lao động. BHXH tỉnh vừa ký Quyết định thành lập 8 tổ công tác, tích cực rà soát dữ liệu từ cơ quan thuế để vận động lao động tham gia và mỗi huyện cũng thành lập tổ để tiến hành rà soát đến tận các xã.
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tổng số tiền hiện còn phải thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp (không bao gồm Ngân sách Nhà nước, Vinashin, Vinaline) đến 30/9 là 14.876 tỉ đồng (chiếm 4,1% số phải thu).
Cả nước còn 32.205 đơn vị nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp từ 3- 6 tháng với số tiền 987 tỉ đồng (tăng 118 đơn vị với số tiền 48 tỉ đồng so với tháng 8); 12.849 đơn vị với 745 tỉ đồng (giảm 13 đơn vị và số tiền nợ tăng 41 tỉ đồng) nợ từ 6- 12 tháng và 14.982 đơn vị với số tiền 2.931 tỉ đồng (giảm 1.299 đơn vị và số tiền giảm 39 tỉ đồng) nợ trên 12 tháng.
Để hoàn thành các chỉ tiêu năm 2019, ông Dương Văn Hào, Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam) cho biết: Từ nay đến cuối năm, Ban Thu sẽ trực tiếp kiểm tra, giám sát chất lượng công việc của các tỉnh; tập trung thanh tra chuyên ngành đột xuất đối với các đơn vị nợ, chưa tham gia BHXH cũng như đơn vị tham gia BHXH chưa đủ số lao động, đơn vị phải xử phạt vi phạm hành chính. Hằng tháng, đề nghị BHXH các địa phương báo cáo cấp uỷ, chính quyền về tình hình nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, kiến nghị và đề xuất các biện pháp xử lý; rà soát việc thực hiện quy trình đôn đốc thu nợ và chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để kiến nghị cơ quan công an điều tra, khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Trần Đình Liệu cho biết: Năm 2019 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết số 28. Những đơn vị nào phối hợp tốt với Bưu điện, với chính quyền địa phương thì hoàn thành chỉ tiêu. Về công tác phát triển BHYT, dù kế hoạchđã hoàn thành, song các đối tượng tham gia BHXH, BHYT bắt buộc tham gia đã tiệm cận, chính sách giảm nghèo sẽ giảm dần, nên các địa phương cần tập trung và đẩy mạnh tuyên truyền tham gia BHYT vào nhóm hộ gia đình, nghèo, cận nghèo, dân tộc. Nợ BHXH phải xử lý dứt điểm để không ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động.