Nhu cầu thức ăn chăn nuôi (TACN) trong tương lai là rất lớn, dự kiến sẽ đạt số lượng 25-26 triệu tấn vào năm 2020 và được đánh giá là ngành chịu rất ít rủi ro, cho lợi nhuận cao, ổn định nhất trong chuỗi ngành chăn nuôi.
Theo TS Vũ Trọng Bình, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, tuy là quốc gia nông nghiệp nhưng Việt Nam không có các vùng nguyên liệu cần thiết đáp ứng nhu cầu để sản xuất TACN. Hiện mỗi năm cả nước vẫn phải nhập khẩu khoảng 2 triệu - 2,5 triệu tấn khô dầu đậu nành. Ngay cả bắp, mỗi năm cũng phải nhập khẩu từ 500.000 - 1 triệu tấn. Dù Việt Nam là nước xuất khẩu gạo xếp thứ nhì thế giới, nhưng ngành TACN phải nhập khẩu gần 3 triệu tấn cám/năm. “Ngoài ra, chúng ta còn nhập bột cá và thức ăn bổ sung như lyzin. Do phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên giá thị trường thế giới quyết định giá thành sản phẩm chế biến TACN trong nước”, ông Bình nói.
Giữ giá thức ăn chăn nuôi không tăng đột biến giúp người chăn nuôi có lãi, phát triển kinh tế gia đình là yêu cầu bức thiết đối với các nhà quản lý. Ảnh: T.Vũ |
Căn cứ vào tình hình thực tế, Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch tự sản xuất nguyên liệu TACN trong nước. Theo đó, bộ cần chỉ đạo chuyển một số diện tích trồng lúa năng suất thấp sang trồng ngô; khuyến khích DN chế biến bột cá... Ngân sách nhà nước và các tổ chức tín dụng sẽ tính toán triển khai các hình thức tín dụng ưu đãi cho người chăn nuôi và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp xây dựng vùng nguyên liệu TACN.
“Nhà nước nên có quy hoạch phát triển nguồn nguyên liệu trong nước, đồng thời có những chính sách cụ thể giúp ngành sản xuất TACN trong nước phát triển. Đảm bảo giúp nhà đầu tư duy trì và phát triển các vùng nguyên liệu TACN ổn định, hạn chế nhập khẩu. Các bộ, ngành liên quan cũng cần sớm nghiên cứu, đưa ra các quy định, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư xây dựng hạ tầng vùng nguyên liệu theo quy hoạch”, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, đề xuất.
Cũng theo ông Bình, Nhà nước cần đơn giản hóa thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng sắn, ngô, đậu tương để tạo điều kiện cho doanh nghiệp chế biến TACN thu mua nguyên liệu trực tiếp từ người nông dân; có chính sách hỗ trợ vốn cho nông dân nhằm tăng cường hệ thống kho bãi, phơi, sấy, bảo quản để bảo đảm chất lượng nông sản. Bên cạnh đó, phải gắn quy hoạch phát triển nhà máy sản xuất TACN với vùng nguyên liệu.
Trong động thái mới nhất, ngay tháng 4 này, Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã phối hợp với Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính có giải pháp kiểm soát chặt chẽ giá TACN. Theo đó, qua kiểm tra, ngành chức năng sẽ xác định lại mức giá hợp lý nhằm chia sẻ lợi ích giữa nhà sản xuất TACN với người chăn nuôi…
“Kinh nghiệm thành công của các doanh nghiệp TACN trong các năm qua cho thấy, ngoài việc phải tự quản lý tốt, đầu tư công nghệ thiết bị, tiếp nhận tiến bộ kỹ thuật mới, có chính sách thị trường hợp lý…, các doanh nghiệp sản xuất TACN phải chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu hợp lý nhằm giảm tối đa chi phí trung gian… Ngoài ra,132 doanh nghiệp nội hoạt động trong lĩnh vực này đang thiếu vốn sản xuất, kinh doanh. Do vậy, Nhà nước cần xem xét khoanh nợ, cho vay mới để các doanh nghiệp này có đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại vốn đang làm mưa làm gió trên thị trường TACN”, ông Lịch cho biết.
Bài và ảnh: Lê Nghĩa