Thực hiện quy hoạch về kho số viễn thông, Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố lộ trình đổi mã vùng điện thoại cố định tại 63 tỉnh, thành phố. Việc đổi mã vùng điện thoại cố định được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ chuyển đổi mã vùng của 13 tỉnh, thành phố là: Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên, Yên Bái, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Thời gian bắt đầu chuyển đổi mã vùng ở những tỉnh này vào 00 giờ 00 phút ngày 11/2/2017.
Giai đoạn 2 sẽ chuyển đổi mã vùng của 23 tỉnh, thành phố là Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ, Hậu Giang, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng. Thời gian bắt đầu chuyển đổi mã vùng vào 00 giờ 00 phút ngày 15/4/2017.
Giai đoạn 3 sẽ chuyển đổi mã vùng của 23 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Vĩnh Long, Bình Phước, Long An, Tiền Giang, Bình Dương, Bến Tre, Tây Ninh, Đồng Tháp. Thời gian bắt đầu chuyển đổi mã vùng vào 00 giờ 00 phút ngày 17/6/2017.
Mã vùng của 4 tỉnh là Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình và Hà Giang giữ nguyên. Kế hoạch chuyển đổi mã vùng kết thúc vào ngày 31/8/2017.
Hiện nay phần lớn kho số được sử dụng cho thuê bao điện thoại cố định, rất ít còn lại cho thuê bao di động, trong khi số thuê bao di động đang chiếm khoảng 95% tổng số thuê bao điện thoại của Việt Nam. Như vậy, hiệu quả sử dụng kho số chưa cao. Điều này không chỉ diễn ra ở Việt Nam, đây là xu hướng chung trên thế giới khi mà dịch vụ điện thoại cố định suy giảm mạnh và người dùng chuyển sang sử dụng di động là chính. Do đó, việc đổi mã vùng điện thoại cố định là tất yếu.