Theo đó, ngày 16/6, các bệnh nhân này từ Kuwait (quá cảnh Quatar) về sân bay Tân Sơn Nhất, TP. Hồ Chí Minh trên chuyến bay QH9092 và được cách ly ngay tại khu cách ly thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ngày 17/6, các bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm ngày 17/6 là dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện 7 bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bà Rịa.
Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 18/6, Việt Nam có tổng số 342 bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó có 202 bệnh nhân được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Việt Nam đã có 63 ngày liên tiếp không có ca nhiễm trong cộng đồng.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 6.285; trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện: 93; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 5.775; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 417 trường hợp.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính 2 lần trở lên với SARS-CoV-2 là 4 ca.
Xem xét nối lại một số tuyến bay quốc tế
Sáng 18/6, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp triển khai công tác phòng, chống dịch.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã đánh giá tình hình dịch bệnh trong nước, khu vực và trên thế giới; công tác quản lý các tuyến biên giới, người nhập cảnh; xem xét mở lại một số đường bay quốc tế; nới lỏng đi lại với một số nước đã kiểm soát được dịch bệnh; đẩy mạnh xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ và tổ chức đưa công dân Việt Nam về nước…
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, Việt Nam đã cơ bản khống chế được COVID-19 nhưng diễn biến dịch bệnh trên thế giới hết sức phức tạp. Trong khi đó, thời gian gần đây, người dân và các cơ quan ít nhiều có tâm lý chủ quan trong phòng, chống dịch.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo cho thấy, hiện trên toàn thế giới đã ghi nhận 8.257.885 trường hợp mắc COVID-19 tại 215 quốc gia, vùng lãnh thổ. 16 quốc gia có số mắc trên 100.000 trường hợp; 46 quốc gia có số mắc từ 10.000 đến 100.000 trường hợp; 61 quốc gia/vùng lãnh thổ có số mắc từ 1.000 - 10.000 trường hợp; 92 quốc gia/vùng lãnh thổ có dưới 1.000 trường hợp mắc.
Thế giới đã ghi nhận 445.986 trường hợp tử vong; 8 quốc gia có trên 10.000 trường hợp tử vong, 25 quốc gia có số tử vong từ 1.000 - 10.000 trường hợp; 30 quốc gia/vùng lãnh thổ chưa ghi nhận ca tử vong do COVID-19 (trong đó có Việt Nam);…
Lo ngại trước những diễn biến trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Đất nước chuyển sang trạng thái bình thường mới, thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa khôi phục phát triển kinh tế, xã hội, nhưng nguy cơ bùng phát dịch trở lại rất cao bởi nguồn bệnh từ bên ngoài có thể tấn công vào trong nước bất cứ lúc nào. Thực tế cho thấy, làn sóng thứ 2 của dịch COVID-19 đã bùng phát ở nhiều nước.
Nhấn mạnh quan điểm, thực hiện mục tiêu kép nhưng phải bảo đảm an toàn, Ban Chỉ đạo đề nghị tất cả các thành viên rà soát lại toàn bộ các công việc, nhiệm vụ được giao; yêu cầu các lực lượng phòng, chống dịch không được chủ quan, lơi lỏng, sẵn sàng ứng phó với tình huống mới có thể xảy ra.
Để bảo vệ những thành quả đã đạt được trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội trong nước, theo Ban Chỉ đạo, cần phải tiếp tục siết chặt quản lý các tuyến biên giới, quản lý người nhập cảnh, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Về vấn đề công bố hết dịch, Ban Chỉ đạo cho rằng, hiện Việt Nam vẫn còn bệnh nhân mắc COVID-19 đang được điều trị; việc đưa công dân Việt Nam về nước cũng như đưa chuyên gia, người lao động kỹ thuật cao nước ngoài vào Việt Nam làm việc vẫn đang được tiến hành nên vấn đề công bố hết dịch cần hết sức cân nhắc.
Về quản lý người nhập cảnh là các nhà ngoại giao, quan chức cao cấp, nhà đầu tư, những người này chỉ nhập cảnh vào Việt Nam trong thời gian ngắn để xử lý công vụ, đàm phán, ký kết hợp đồng đầu tư, thương mại, Ban Chỉ đạo giao Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng làm tổ trưởng tổ công tác, phối hợp với các đơn vị liên quan, rà soát, xây dựng các quy định để tổ chức các khu vực riêng biệt, đảm bảo điều kiện về an toàn dịch tễ, phòng xét nghiệm để phục vụ các nhà ngoại giao, nhà đầu tư, doanh nhân vào làm việc.
Thích nghi với phương thức thương mại mới sau dịch COVID-19
Dịch COVID-19 đã tác động rất lớn đến hoạt động kinh doanh, thương mại toàn cầu, thúc đẩy phương thức mua bán hàng hóa online phát triển mạnh mẽ hơn. Đó là cơ hội kinh doanh nhưng cũng là thách thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro mà doanh nghiệp cần chủ đồng phòng chống.
Đây là chia sẻ của các đại biểu tại hội thảo "Một số lưu ý cho doanh nghiệp khi khôi phục hoạt động sau dịch COVID-19", do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ngày 18/6.
Luật sư Lê Thành Kính, Trọng tài viên VIAC cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp tại nhiều nơi trên thế giới như hiện nay, việc thay đổi hình thức kinh doanh từ trực tiếp sang trực tuyến là một hướng đi đúng đắn cho doanh nghiệp Việt Nam.
Số liệu từ Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho thấy, hoạt động thương mại điện tử Việt Nam đang tăng trưởng trên 30%/năm với quy mô thị trường lên tới khoảng 7,8 tỷ USD. Việt Nam hiện được đánh giá là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, chỉ xếp sau Indonesia.
“Kinh doanh trực tuyến không chỉ giúp doanh nghiệp tồn tại trong tình hình dịch bệnh hiện nay mà đây còn là xu hướng tương lai của ngành bán lẻ. Người tiêu dùng ngày càng sử dụng internet nhiều hơn, tìm kiếm sản phẩm và mua sắm trực tuyến nhiều hơn, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động kinh doanh, tăng doanh thu. Nền kinh tế thế giới đang chuyển mình hướng đến Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán mobile ngày càng phổ biến. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok, Instagram, Youtube… thì kinh doanh trực tuyến đang ngày càng trở nên quan trọng đối với doanh nghiệp”, Luật sư Lê Thành Kính phân tích.
Tuy nhiên, ông Châu Việt Bắc, Phó Tổng Thư ký VIAC cho rằng, bên cạnh cơ hội thì thương mại điện tử, mua bán qua hình thức online cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro do người bán và người mua không trực tiếp gặp mặt, kiểm tra sản phẩm, giao kết hợp đồng gián tiếp, thiếu “giấy trắng mực đen” nên khi xảy ra tranh chấp thường có ít chứng cứ xác thực để giải quyết. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp thì vấn đề tìm hiểu, thẩm định thông tin về đối tác, thị trường trở nên khó khăn hơn.
Việt Nam từng bước nối lại việc đi lại với các nước trên cơ sở bảo đảm tuân thủ các biện pháp phòng dịch COVID-19
Việt Nam đang trao đổi với một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản về việc từng bước nối lại việc đi lại trên cơ sở bảo đảm tuân thủ các biện pháp phòng dịch với các điều kiện cụ thể, không được để lây lan dịch bệnh.
Ngày 18/6/2020, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết khả năng Việt Nam nối lại việc đi lại với các nước trong bối cảnh Việt Nam đã bước đầu kiểm soát được dịch bệnh COVID-19, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: Căn cứ tình hình và nhu cầu của hai bên, Việt Nam đang trao đổi với một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản về việc từng bước nối lại việc đi lại trên cơ sở bảo đảm tuân thủ các biện pháp phòng dịch với các điều kiện cụ thể, không được để lây lan dịch bệnh, trước mắt là tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia, nhà quản lý các nước này quay trở lại Việt Nam làm việc và thực tập sinh, lao động Việt Nam đi các nước nói trên làm việc.