Xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện đúng quy định về giãn cách xã hội
Chiều 9/4, sau 10 ngày cả nước thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ để đánh giá kết quả công tác phòng chống dịch COVID-19 và thảo luận các biện pháp tăng cường chấp hành nghiêm Chỉ thị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này.
Thủ tướng một lần nữa yêu cầu mọi người thực hiện nghiêm giãn cách xã hội và đeo khẩu trang nơi công cộng, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ bởi “nỗi lo vẫn còn đó.
“Ai không thực hiện phải xử phạt nghiêm”, Thủ tướng chỉ đạo và tiếp tục nhấn mạnh quan điểm “không lơ là mất cảnh giác, chủ quan với dịch bệnh COVID-19”.
Định hướng các giải pháp chống dịch, Thủ tướng nhấn mạnh việc kiên định đường lối “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị hiệu quả” theo từng thời điểm; có thể thay đổi phương thức ứng phó theo giai đoạn nhưng kiên định về chiến lược theo tinh thần “dĩ bất biến ứng vạn biến”.
Về ngăn chặn nguồn xâm nhập từ bên ngoài, Thủ tướng đề nghị cần tiếp tục kiểm soát chặt khu vực biên giới; hạn chế, không cho người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài vào Việt Nam, trừ một số trường hợp đặc biệt. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các chuyến bay, tạm dừng các chuyến bay quốc tế trừ trường hợp bảo hộ công dân được phép của Thủ tướng Chính phủ. Hạn chế tối đa các chuyến bay nội địa; tiếp tục khuyến cáo công dân các nước không về nước trước ngày 15/4/2020. Đối với tất cả các trường hợp nhập cảnh đều phải thực hiện cách ly từng đối tượng cụ thể.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao tiếp tục thực hiện chính sách bảo hộ công dân phù hợp. Bộ Y tế tăng cường các hình thức khám chữa bệnh trực tuyến. Các địa phương cần chấn chỉnh và thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg với những biện pháp mạnh mẽ. Đảm bảo huyết mạch hàng hóa lưu thông thông suốt nhưng cần kiểm soát chặt chẽ con người.
Thủ tướng chỉ đạo các lực lượng chức năng, nhất là Công an xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện đúng quy định về cách ly toàn xã hội như: Không đeo khẩu trang nơi công cộng, không đứng cách xa người khác trong phạm vi 2 mét, ra đường trong trường hợp không cần thiết…
Thủ tướng cho biết thời điểm hết giãn cách toàn xã hội sẽ thông báo sau trên cơ sở báo cáo đánh giá tình hình thực tế của các bộ, ngành liên quan sau ngày 15/4.
Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục phát hiện sớm, khoanh vùng, dập dịch. Khuyến nghị người dân tăng cường tự khai báo y tế. Các cấp, đặc biệt là ngành y tế tiếp tục phát hiện ca bệnh, tăng cường năng lực xét nghiệm theo phương châm 4 tại chỗ với chiến lược phù hợp; không chủ quan trong phán đoán mà cần phát hiện ngay trong cộng đồng để dập dịch kịp thời.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế cần nghiên cứu phác đồ điều trị mới nhất, hiệu quả nhất; tập trung huấn luyện chuyên môn cho các tuyến; tập huấn sử dụng máy thở; đảm bảo đầy đủ thuốc men; phòng ngừa dịch xảy ra trên diện rộng...
Đi liền với đó là tiếp tục thực hiện phòng lây nhiễm tại cơ sở y tế; chú trọng hơn nữa việc phòng ngừa lây nhiễm trong đội ngũ nhân viên y tế rút kinh nghiệm từ Bệnh viện Bạch Mai; bảo vệ sức khỏe đội ngũ làm nhiệm vụ “trực tiếp chiến đấu” này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh sản xuất trang thiết bị dụng cụ y tế, coi đây là thời cơ để thúc đẩy lĩnh vực sản xuất này; kể cả sản xuất máy thở một cách chủ động hơn. Cùng với đó là mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác quốc tế về sản xuất trang thiết bị y tế.
Khởi tố đối tượng không chấp hành quy định phòng chống dịch COVID-19
Tối 9/4, thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh cho biết, đơn vị vừa ra quyết định khởi tố đối với Thái Xuân Hưng, 37 tuổi, trú tại thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội về hành vi "Chống người thi hành công vụ".
Cụ thể, vào khoảng 1 giờ ngày 6/4, tại chốt số 5 phòng chống dịch COVID-19, trên đường Tỉnh lộ 295B, giáp ranh giữa xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội với khu phố Tân Lập, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, Thái Xuân Hưng đã có hành vi chống đối, thách thức, cản trở việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng chức năng trong nhiều giờ đồng hồ. Được biết, Hưng nghiện rượu, đã có hai tiền án về tội "Cố ý gây thương tích" và "Chống người thi hành công vụ".
Cũng vào khoảng 17 giờ ngày 7/4, Nguyễn Văn Quýnh, 34 tuổi, trú tại thôn Thiểm Xuyên, xã Thụy Hòa, huyện Yên Phong đi qua chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 tại thôn Thiểm Xuyên nhưng không đeo khẩu trang phòng dịch theo quy định. Mặc dù lực lượng chức năng đã tuyên truyền, nhắc nhở nhưng Quýnh không những không chấp hành mà còn cố tình vi phạm, có lời lẽ xúc phạm và hành động chống đối.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Yên Phong đang củng cố hồ sơ để xử lý Nguyễn Văn Quýnh theo quy định của pháp luật.
TP Hồ Chí Minh có thêm 2 trường hợp mắc COVID-19 được điều trị khỏi
Ngày 9/4, tại Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ có thêm 2 bệnh nhân mắc COVID-19 được điều trị khỏi và nhận giấy xuất viện. Như vậy, đến thời điểm này, tại TP Hồ Chí Minh đã có 37 trường hợp mắc COVID-19 được điều trị khỏi.
Bác sĩ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ cho biết, hai bệnh nhân xuất viện trong ngày 9/4 là bệnh nhân 203 và bệnh nhân 234. Cả hai ca bệnh đã đủ 3 lần xét nhiệm RT PCR âm tính với virus SARS-CoV-2. Hiện tình trạng sức khỏe bệnh nhân tốt, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Minh Quân cho biết thêm, sau khi xuất viện, các bệnh nhân sẽ tiếp tục được dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo tại địa phương.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, thành phố có 54 trường hợp mắc COVID-19 đã được Bộ Y tế công bố (trong đó có 35 ca nhập cảnh, chiếm tỷ lệ 64,8% và 19 ca phát hiện từ cộng đồng, chiếm 35,2%) và đã có 37 ca được điều trị khỏi, xuất viện.
Đã hỗ trợ gần 1.500 công dân về nước an toàn
Chiều 9/4, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Bộ Ngoại giao hỗ trợ giải quyết nhu cầu về nước của người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có du học sinh và người lao động, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:
Trong thời gian vừa qua, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước cũng như ở nước ngoài hỗ trợ gần 1.500 công dân về nước an toàn. Hiện nay vẫn còn một vài công dân bị “kẹt” tại các sân bay quốc tế nước ngoài do các quốc gia và vùng lãnh thổ thay đổi các chính sách về xuất nhập cảnh, quá cảnh; các hãng hàng không dừng hủy và thay đổi lịch trình bày để phòng, chống dịch COVID-19. Ngoài ra, còn một số công dân Việt Nam cũng đang gặp khó khăn về thị thực lưu trú tại nước ngoài do không tìm được chuyến bay về nước.
Các cơ quan đại diện Việt Nam đã và đang phối hợp chặt chẽ với các hãng hàng không quốc tế, cơ quan chức năng sở tại để tháo gỡ các khó khăn về thị thực lưu trú, đảm bảo chăm sóc y tế, cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết, hỗ trợ tìm kiếm, thu xếp chuyến bay phù hợp để về Việt Nam. Tuy nhiên cũng cần nhắc lại rằng, không phải trong mọi trường hợp cơ quan đại diện có thể giải quyết được tất cả các vướng mắc để công dân về nước.
Trong thời gian tới, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ đề xuất phương án đưa một số công dân về nước, ưu tiên người cao tuổi, người ốm đau, trẻ em dưới 18 tuổi, bảo đảm cân đối chung và phù hợp với năng lực cách ly tập trung trong nước. Đối với một số ít trường hợp người Việt Nam không có giấy tờ tùy thân và hợp đồng lao động hợp pháp ở nước ngoài, sẽ cần phải tiến hành các thủ tục pháp lý với các cơ quan chức năng trong và ngoài nước để thẩm tra nhân thân và có phương án xử lý thích hợp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo tạm dừng đưa hàng nông sản lên Lạng Sơn
Ngày 9/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố; các hiệp hội ngành hàng nông sản về tình hình xuất khẩu nông sản tại các cửa khẩu biên giới Việt - Trung.
Hiện nay, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, một số địa phương phía Trung Quốc đã tăng cường thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát dịch bệnh và ngăn chặn lây nhiễm từ nước ngoài vào nội địa.
Cụ thể, từ ngày 3/4/2020, phía Quảng Tây (Trung Quốc) đã ban hành thông báo về việc tăng cường quản lý dịch bệnh từ nước ngoài tại các cửa khẩu đường bộ và đường thủy. Theo đó, thực hiện quản lý nghiêm cửa khẩu và các đường mòn biên giới.
Ngoài cửa khẩu Hữu Nghị Quan (Bằng Tường), cửa khẩu Đông Hưng (Đông Hưng), các cửa khẩu (lối mở) khác gồm: Cửa khẩu đường sắt Bằng Tường, cửa khẩu Thủy Khẩu (huyện Long Châu), cửa khẩu Ái Điểm (huyện Ninh Minh), cửa khẩu Động Trung (Khu Phòng Thành), lối mở Pò Chài (Bằng Tường), lối mở Lũng Vài (Bằng Tường), cầu phao tạm km3+4 (Đông Hưng), lối mở Nà Ráy (Tịnh Tây) chỉ duy trì chức năng thông quan hàng hóa; tạm thời đóng các cửa khẩu, lối mở khác, thực hiện phòng dịch nghiêm ngặt đối với hoạt động trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới. Tại các cửa khẩu trên bộ, cấm thông hành đối với người của nước thứ 3.
Từ ngày 30/3/2020, phía Trung Quốc cũng tăng cường phòng, chống dịch bệnh COVID-19, quản lý chặt chẽ các lái xe và đại lý khai báo Hải quan người Trung Quốc sang khu vực cách ly phía Việt Nam để giao dịch. Không cho phép các lái xe đến từ các tỉnh đã có ca bị lây nhiễm của Việt Nam nhập cảnh vào Trung Quốc. Đồng thời, đề nghị thành lập đội lái xe chuyên trách tại cửa khẩu chở hàng qua lại cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan và cặp cửa khẩu phụ Tân Thanh - Pò Chài áp dụng từ ngày 7/4/2020; yêu cầu lái xe đến từ các tỉnh chưa phát sinh ca bị lây nhiễm dịch bệnh không được ra khỏi địa bàn thành phố Lạng Sơn và phải có kết quả xét nghiệm âm tính đối với dịch COVID-19.
Ngoài ra, chỉ những người có tên trong danh sách Đội lái xe mới được xuất cảnh, nhập cảnh chở hàng hóa xuất nhập khẩu qua lại hai bên.
Theo thông báo từ phía thị trấn Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc), từ ngày 7/4/2020 các cửa khẩu phụ Tân Thanh, Cốc Nam chỉ thông quan 5 tiếng/ngày (buổi sáng từ 8 giờ đến 11 giờ, buổi chiều từ 12 giờ đến 14 giờ, giờ Hà Nội), nghỉ vào các ngày cuối tuần và dịp lễ, Tết.
Phía Trung Quốc cũng tiếp tục tăng cường quản lý đối với xe hàng và lái xe qua biên giới. Theo đó, đối với xe hàng xuất nhập cảnh, tiến hành khử trùng kỹ theo quy trình liên quan; yêu cầu đăng ký đối với tất cả lái xe chở hàng qua biên giới, thực hiện vận tải theo điểm và tuyến cố định. Xe hàng Việt Nam thực hiện bốc dỡ tại bãi hàng được chỉ định tại khu vực cửa khẩu, lái xe phía Việt Nam chỉ được giới hạn hoạt động tại khu vực bãi hàng và xuất cảnh trong ngày.
Phía Trung Quốc cũng thông báo cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chài từ ngày 8-9/4 làm việc từ 7 giờ 30 theo giờ Hà Nội. Sau 14 giờ chiều không cho xe hàng sang và đúng 16 giờ 30 hết giờ làm việc, lái xe chưa giao được hàng sẽ được bố trí về qua mốc 1090 (đường cũ).