"Đặc sản" của Hà Nội là ngõ nhỏ, phố nhỏ, thậm chí đã đi vào thơ ca, lời bài hát như một nét lãng mạn của Thủ đô "ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó". Nhưng bên cạnh sự nên thơ ấy, lại là nỗi lo vô cùng lớn đến từ ngõ nhỏ, phố nhỏ khi cần tổ chức phòng cháy chữa cháy...
Nguy cơ được cảnh báo trước
Do tốc độ đô thị hóa nhanh, cùng với sự hạn chế trong quản lý trật tự đô thị khiến nhiều ngõ nhỏ Hà Nội trông như những địa đạo sâu hun hút.
Thủ đô hiện tồn tại hàng ngàn hẻm, ngách nhỏ có khi chỉ dắt vừa chiếc xe máy. Điển hình như ngõ tại các con phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm, hay ngõ trên phố Đê La Thành, ngõ chợ Khâm Thiên, khu vực phố Nguyễn Công Trứ, Chợ Trời...
Thống kê tại khu vực quận Hoàn Kiếm có khoảng 1.700 ngõ, ngách nhỏ và 30 tuyến phố mà xe chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên dụng không thể tiếp cận nếu xảy ra sự cố cháy, nổ.
Các khu vực ngõ này có nhiều nhà xuống cấp, thêm vào đó là hệ thống điện chằng chịt, nhà dạng hình ống, không có lối thoát nạn, không có hệ thống báo cháy, chữa cháy; tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ. Thêm vào đó, khi xảy ra cháy thì hậu quả sẽ rất lớn vì phương tiện chữa cháy không có đường để vào tới nơi.
Không riêng khu phố cổ, mà khu đường La Thành - ngõ chợ Khâm Thiên (quận Đống Đa) cũng tiềm ẩn nguy cơ cao về cháy, nổ. Đầu ngõ chợ Khâm Thiên còn có chợ tự phát, nhiều ngách chỉ đủ rộng cho một xe máy đi...
Còn tại quận Thanh Xuân, qua khảo sát có gần 300 ngõ nhỏ xe chữa cháy không thể vào được; trong đó có khoảng 100 ngõ nhỏ trên 200m, xe cứu hoả khó tiếp cận.
Điểm đáng chú ý nữa là quanh các khu vực gần các bệnh viện như Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cơ sở 2, Bệnh viện Bạch Mai… có rất nhiều khu nhà trọ cấp 4 cho người nhà bệnh nhân lưu trú, đều nằm trong ngõ nhỏ. Việc khu nhà trọ giá rẻ xung quanh bệnh viện Nhi Trung ương vừa bị cháy thời gian qua là lời cảnh báo về công tác phòng cháy chữa cháy với những khu nhà trọ kiểu này.
Đơn cử như tại ngõ 121 Lê Thanh Nghị là nơi tá túc của bệnh nhân chạy thận ở Bệnh viện Bạch Mai. Khu vực này bao gồm 60 phòng, mỗi phòng rộng chừng 5-9m2. Mỗi khu là hai dãy nhà trọ cấp 4 chạy song song, ở giữa lối đi vô cùng nhỏ hẹp. Anh Mai Anh Tuấn, trưởng xóm chạy thận cho biết: “Xóm trọ cũng được trang bị về phòng cháy chữa cháy nhưng cũng không nhiều, mỗi dãy cũng chỉ có 1-2 bình chữa cháy. Chỉ có tôi và vài người nữa được tập huấn chữa cháy. Nếu xảy ra cháy như gần Bệnh viện Nhi Trung ương thì những bình chữa cháy như trên không có tác dụng nhiều”.
Giải pháp PCCC tại chỗ cần được phát huy
Trả lời báo chí về công tác phòng cháy chữa cháy tại phố Đê La Thành mới đây, ông Nguyễn Trung Dũng, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết: Những xóm trọ của bệnh nhân tại ngõ nhỏ như trong vụ cháy tại phố Đê La Thành rất khó cho các phương tiện chữa cháy tác nghiệp.
Rất may, với vụ cháy tại đường Đê La Thành, do ở gần hồ Ngọc Khánh nên có nguồn nước chữa cháy kịp thời. Tuy nhiên từ vụ cháy này cho thấy, để dập tắt kịp thời thì quan trọng nhất là lực lượng chữa cháy tại chỗ. Nếu xử lý kịp thời khi vừa bắt đầu cháy thì sẽ không để xảy ra hậu quả lớn. Từ thực tế này cho thấy, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn kỹ năng về phòng cháy chữa cháy cho người dân.
Theo Cảnh sát PCCC Hà Nội, hiện Hà Nội có hàng nghìn khu dân cư có ngõ nhỏ và sâu vài trăm mét. Các khu vực này dân cư đông đúc, nhà cửa chật chội, hệ thống dây dẫn điện chằng chịt, nhiều nơi người dân tự ý xây trụ bê tông hoặc hàn thanh ngang để cản đường ô tô. Các gia đình đều chủ quan, ít trang bị thiết bị phòng cháy chữa cháy nên khi xảy ra cháy thì rất khó giải cứu người dân, cũng như chữa cháy.
Không chỉ với ngõ sâu, mà ngay với các tuyến được gọi là phố, thì theo thống kê, Hà Nội hiện có hơn 1.200 tuyến phố mà phương tiện chữa cháy chuyên dụng không tiếp cận được. Ngay cả phương tiện nhỏ nhất là xe chữa cháy mi ni công nghệ bọt khí nén cũng có kích thước lớn hơn hầu hết các ngõ, ngách này.
Nguy cơ hỏa hoạn này đã được các ngành chức năng, quận thường xuyên cảnh báo, tuyên truyền nhưng vì nhiều lý do, người dân vẫn đang phải "sống chung với lũ". Một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hỏa hoạn là hiểu biết sơ sài về công tác phòng cháy chữa cháy. Chỉ khi có những vụ cháy lớn, gây thiệt hại về người và tài sản thì công tác phòng cháy chữa cháy mới lại được đặt ra, nhưng cũng chỉ được nhất thời, sau đó rất dễ bị rơi vào "quên lãng"…
Để phòng chống "giặc lửa", lực lượng Cảnh sát PCCC cho biết cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng cháy, chữa cháy và cách thoát nạn cho các hộ gia đình. Trong đó, chú trọng hướng dẫn người dân cải tạo hệ thống điện, phổ biến kiến thức phòng cháy, chữa cháy khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt. Đồng thời, giúp người dân xây dựng hoàn chỉnh các phương án chữa cháy và thoát nạn.
Ngoài lực lượng PCCC thì các xã, phường cần tiến hành rà soát, phân loại các khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao để có các biện pháp tăng cường an toàn PCCC; tiến hành lập phương án chữa cháy, khảo sát giao thông, nguồn nước, duy trì hoạt động của các đội PCCC dân phòng.
Tại các đợt làm việc với các quận nội thành Hà Nội, Bí thư Hoàng Trung Hải đặc biệt quan tâm tới công tác PCCC và yêu cầu các đơn địa phương phải tăng cường rà soát, xây dựng kế hoạch PCCC phổ biến tới từng hộ dân. Trong đó thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” để kịp thời xử lý nhanh và hiệu quả khi có cháy, nổ xảy ra.
Thượng úy Đặng Xuân Tùng, Phó Đội trưởng Đội PCCC và Cứu nạn cứu hộ (Công an quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: Việc chữa cháy các ngõ ngách gặp khá nhiều khó khăn. Trước đây đã có nhiều biện pháp, giải pháp chữa cháy ở các phố nhỏ, ngõ nhỏ được đưa ra. Ví như khi xe chữa cháy đến các khu vực không thể vào được nữa, lực lượng chữa cháy phải dùng xe kéo để kéo máy bơm, bình chữa cháy vào. Hơn 1 năm nay, đội đã triển khai sử dụng xe máy chữa cháy. Với phương tiện này, có thể tiếp cận ngay đến đám cháy, không vất vả như trước. Xe máy chữa cháy có thể đi được các đường tắt, ngõ tắt, đến hiện trường nhanh hơn. Trên xe được trang bị đủ máy bơm, bình chữa cháy, thiết bị phá dỡ. Đồng thời, trang bị thêm mặt nạ phòng độc cho người dân nếu bị mắc kẹt trong nhà.