Nghĩa trang Chiến dịch Trần Hưng Đạo là nơi an nghỉ của 229 liệt sĩ, trong đó có 185 mộ liệt sĩ vô danh, 7 liệt sĩ là phi công đã anh dũng hy sinh khi chiến đấu với máy bay Mỹ trên bầu trời tỉnh Vĩnh Phúc và 4 liệt sĩ hy sinh trên chiến trường miền Nam.
Năm nay đã 85 tuổi, nhưng ông Lễ vẫn rất minh mẫn và nhanh nhẹn, ông nhớ tên tất cả 229 ngôi mộ ở đây. Cơ duyên gắn ông với nghĩa trang rất tình cờ. Năm 2010, khi người quản trang ở đây mất, nhà gần nghĩa trang, nhìn thấy những phần mộ lâu ngày không được chăm sóc, cỏ dại mọc đầy, ông thấy xót xa và tự nguyện đăng kí làm người quản trang, mặc cho gia đình ngăn cản.
Hàng ngày ông Nguyễn Văn Lễ vẫn chăm sóc các phần mộ liệt sỹ. |
Ông Lễ tâm sự: Vợ chồng ông có người con trai, chưa kịp lấy vợ đã xung phong vào bộ đội rồi đi B sau đó hi sinh ở chiến trường Lào năm 1972. Mấy chục năm qua, gia đình đi tìm khắp nơi, sang cả nước bạn Lào mà vẫn chưa tìm được phần mộ của người con.
Những ngày đầu ông Lễ tiếp quản, nghĩa trang còn đơn sơ, cây cỏ mọc um tùm. Ông xắn tay nhặt nhặt từng cây cỏ, trồng từng khóm hoa, cây cảnh… đã gần 10 năm cứ thế cặm cụi. “Tôi hy vọng rằng, ở nơi xa, phần mộ của con tôi cũng sẽ được ai đó chăm sóc, hương khói như chính tình cảm của tôi dành cho các chiến sỹ được an nghỉ tại đây”, ông Lễ trầm ngâm.
Ông Lễ bảo, công việc dọn cỏ chiếm nhiều thời gian nhất. Những ngày đầu, ông tự sắm chiếc liềm, rồi làm cỏ từ sáng đến tối, vừa làm vừa lầm rầm khấn vái. Một mình làm không xuể, ông kéo cả vợ cùng đi. Số tiền trợ cấp hàng tháng ít ỏi, ông vẫn dành dụm từng đồng mua đủ 229 bình hoa sứ cho tất cả các mộ liệt sĩ, mua thêm chậu hoa và chậu cảnh lớn bày trên lễ đài và dọc lối đi ở nghĩa trang.
Nghĩa trang có 229 ngôi mộ, ông thuộc làu tên tuổi, quê quán, ngày hy sinh, liệt sĩ nào nằm ở lô nào. Những người nằm dưới mộ tuổi còn rất trẻ, có tấm bia ghi tên liệt sĩ, tính ra mới 16 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của một đời người. Nằm xen lẫn giữa những ngôi mộ có tên tuổi, quê quán là những tấm bia chỉ ghi dòng chữ “liệt sĩ vô danh”. Gần 10 năm chăm lo giấc ngủ cho người đã khuất, ông không nhớ rõ bao nhiêu lần cay xè khóe mắt khi chứng kiến những cuộc đoàn tụ giữa thân nhân và liệt sĩ. Và ông lại mong có được ngày tìm được người con trai yêu dấu mang về quê hương.
Gần 10 năm, những đêm dù mưa hay nắng, khói hương vẫn nghi ngút. Đó là hơi thở, là nhịp sống của cõi âm. Dù bận việc gì, ngày nào ông cũng cố về thắp hương để cho những linh hồn nơi đây không phải buồn tủi, cô quạnh. Ngày nào cũng đến nghĩa trang dọn dẹp, chăm sóc. Những ngày lễ, Tết, ông ngủ luôn không về nhà…
Chia tay ông, hình ảnh người cha già ngày ngày lặng lẽ, âm thầm bên những nấm mộ ấn tượng mãi trong chúng tôi. Công việc thầm lặng mà nghĩa tình ấy của ông lại mang một ý nghĩa rất lớn, là sự tri ân tới lớp người đã anh dũng hy sinh để dân tộc, đất nước Việt Nam ta tươi đẹp như ngày hôm nay.