Tấm gương sáng trong xây dựng và phát triển đất nước
Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam Ngô Trọng Vịnh cho biết: Việt Nam được xếp vào nhóm mười nước có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Hiện cả nước có trên 11,4 triệu người cao tuổi, theo dự báo, người cao tuổi sẽ chiếm 17% dân số cả nước đến năm 2030 và đến năm 2050 con số này là 25%. Hiện tại, khoảng 9,7 triệu người tham gia Hội Người cao tuổi; 656 nghìn người tham gia công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể; hơn 6,5 triệu người trực tiếp tham gia lao động sản xuất…
Thời gian qua, các cấp Hội Người cao tuổi đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, là tấm gương sáng trong xây dựng và phát triển đất nước. Trong vòng 5 năm cả nước thành lập 76.200 câu lạc bộ của người cao tuổi, tạo sân chơi bổ ích, hấp dẫn cho những người đã qua thời gian lao động, cống hiến; trong đó có 1.600 Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau ở 55 tỉnh, thành phố, thu hút 70.000 người tham gia. Đặc biệt, có gần 400.000 người cao tuổi làm kinh tế giỏi; 130.000 người cao tuổi làm chủ trang trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, tạo nhiều việc làm, đóng góp phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Người cao tuổi trên cả nước đã hiến hàng triệu mét vuông đất, hàng triệu ngày công trị giá nhiều tỷ đồng, góp phần quan trọng xây dựng nông thôn mới...
Một trong những hoạt động được đánh giá cao, đó là việc triển khai mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau do Trung ương Hội Người cao tuổi phát động từ năm 2005. Đây là tổ chức dựa vào cộng đồng, tập hợp từ khoảng 50-70 người cao tuổi, có mục tiêu liên kết các thành viên nhằm phát huy vai trò của người cao tuổi trong cộng đồng dân cư, hỗ trợ người cao tuổi khó khăn, giúp họ cải thiện cuộc sống của bản thân, gia đình, tăng thu nhập, bảo đảm sức khỏe và phát triển cộng đồng. Đến nay, cả nước có khoảng 500 câu lạc bộ đang hoạt động khá hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc trợ giúp và phát huy vai trò của người cao tuổi ở Việt Nam.
Theo thống kê, toàn quốc hiện có hàng triệu người cao tuổi trực tiếp tham gia công tác Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể ở cơ sở; trong đó nhiều người trực tiếp tham gia cấp ủy chi bộ thôn, ấp, bản, tổ dân phố, đóng góp xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo ở các địa phương.
Bằng trí tuệ, vốn sống và kinh nghiệm được tích lũy qua thực tiễn lao động và công tác, người cao tuổi đang tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị, làm cơ sở vững chắc để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội từng địa phương; phát huy vai trò là chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền.
Mỗi năm, Hội Người cao tuổi phối hợp với ngành y tế chăm sóc, tư vấn sức khỏe, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe; khám định kỳ cho hàng triệu người cao tuổi; tích cực thăm hỏi, động viên người cao tuổi khó khăn, bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt hoặc ảnh hưởng của dịch COVID-19…
Khẳng định vai trò, vị thế, uy tín của Hội Người cao tuổi
Trong buổi gặp mặt gần đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, những năm qua, Hội Người cao tuổi Việt Nam đã trở thành ngôi nhà chung ấm áp, chia sẻ niềm vui trong cuộc sống và dần khẳng định vai trò, vị thế, uy tín của tổ chức hội nòng cốt cho người cao tuổi cả nước, được nhân dân và bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Những năm gần đây, Hội Người cao tuổi các cấp đã cùng với hệ thống chính trị chăm sóc, giúp đỡ, tạo điều kiện cho người cao tuổi có điều kiện sinh hoạt tốt hơn để sống vui, sống khỏe tuổi già. Đặc biệt, trong gần 2 năm qua, các thế hệ người cao tuổi ở địa phương, từ khu phố đến xã, phường, đều hăng hái tham gia đóng góp vào công tác phòng, chống dịch COVID-19 thiết thực.
Hình ảnh những đồng chí cựu chiến binh 70-80 tuổi, những cán bộ lão thành đã về hưu cần mẫn làm nhiệm vụ ở đầu ngõ, đầu hẻm, canh gác người lạ mặt ra, vào; ân cần nhắc nhở, lưu ý, quan tâm người dân, thực hiện phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" góp phần kiểm soát tình hình dịch bệnh..
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Hội Người cao tuổi các cấp tiếp tục có những hoạt động thiết thực, hiệu quả, hướng về cơ sở, hướng vào người cao tuổi; từ đó đóng góp cho phong trào địa phương, làm gương cho các cấp, ngành trên cả nước. Hội Người cao tuổi từ Trung ương đến địa phương cần tiếp tục phát huy vai trò quan trọng của người cao tuổi trong xây dựng gia đình văn hóa kiểu mẫu, "kính già, yêu trẻ", "tôn sư trọng đạo". Trong mỗi gia đình, dòng tộc, xóm làng, người già có vai trò "rường cột", là tấm gương để thế hệ trẻ noi theo học tập.
Nhằm khẳng định vai trò của các cấp hội trong việc chăm lo cho người cao tuổi, vừa qua, Trung ương Hội Người cao tuổi đã Việt Nam phối hợp với Tổ chức Hỗ trợ Người cao tuổi Quốc tế (HAI) tổ chức Lễ ra mắt Dự án VIE071 “Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khỏe của người cao tuổi Việt Nam”, thông qua mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau.
Dự án đề ra mục tiêu đến năm 2025 thành lập ít nhất 3.000 câu lạc bộ và duy trì, nâng cao chất lượng các câu lạc bộ đã thành lập. Ngoài việc thành lập câu lạc bộ, tập huấn, hướng dẫn, Dự án còn có nhiệm vụ xây dựng cổng thông tin điện tử về Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau, xuất bản các tài liệu, sổ tay, video để sử dụng tập huấn, tuyên truyền…
Để phát huy kinh nghiệm, trí tuệ của người cao tuổi, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Trương Xuân Cừ cho rằng các cấp chính quyền, tổ chức hội cần chủ động tham mưu, phối hợp, tin tưởng và tạo điều kiện về vật chất, tinh thần, hỗ trợ hoạt động hiệu quả; triển khai và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Nghị quyết của Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam.
Phong trào người cao tuổi tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở phải bảo đảm đồng bộ, thống nhất, kịp thời; đồng thời củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ hội các cấp tâm huyết, trách nhiệm, có sức khỏe và uy tín. Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp hội quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của người cao tuổi, nhất là các cụ hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa, ở vùng sâu, vùng xa, để không có người cao tuổi nào chịu thiệt thòi, bị "thiếu cơm, lạt muối, đứt bữa".
Bên cạnh đó, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam sẽ thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ để nâng cao chất lượng hoạt động, nhất là nhiệm vụ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện Luật Người cao tuổi, các chủ trương, chính sách đối với người cao tuổi; chăm lo phụng dưỡng, kịp thời động viên người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc…