Trên khắp nẻo đường, các cửa ngõ, bến xe, nhà ga, sân bay, khách đi lại bắt đầu đông đúc. Trong sảnh đến ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất, trong khi khá vắng hành khách quốc tế đến thành phố thì lại đông đúc người thân đi đón với nhiều biển hiệu cầm tay.
Cảnh tượng này trái ngược với sảnh đến ga quốc nội. Đến giữa buổi trưa ngày 20/2 có nhiều chuyến bay đến trong nước, chủ yếu từ các tỉnh miền Trung như: Vinh – Nghệ An, Huế, Chu Lai, Đà Nẵng, Quy Nhơn…. Nhiều người đến với đồ đạc lỉnh kỉnh. Phía ngoài sảnh đón taxi tập trung nhiều xe ô tô đưa rước, khiến giao thông ùn cục bộ nhưng nhanh chóng được phân luồng, điều tiết.
Người dân trở lại TP Hồ Chí Minh sau những ngày nghỉ Tết nguyên đán 2018. Ảnh: Tin Tức |
Về vận tải đường thuỷ nội địa, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó giám đốc Xí nghiệp quản lý phà Thanh niên xung phong, đơn vị quản lý phà Cát Lái (quận 2) cho biết, khách qua phà bắt đầu đông từ ngày mùng 4 Tết, đạt 88.000 lượt khách, rải đều ở hai bờ phà (quận 2, Tp. Hồ Chí Minh và Nhơn Trạch, Đồng Nai). Riêng từ khoảng 16h chiều ngày 5 Tết, lượng khách qua phà Cát Lái đông đúc từ chiều Nhơn Trạch, Đồng Nai (khách từ điểm du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu đổ về quận 2, Tp. Hồ Chí Minh), dự kiến đạt khoảng 70.000 - 75.000 lượt khách. Bến phà đã tăng cường phương tiện và quân số, sẵn sàng phục vụ hành khách đi lại.
Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, từ ngày mùng 4 Tết đến 15 tháng Giêng âm lịch chủ yếu hành khách từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung đổ vào ga Sài Gòn, trung bình từ 20 - 22 chuyến/ngày với từ 15.000 - 16.000 lượt/ngày. Do các chuyến tàu đến cách nhau từ 30 phút nên không xảy ra ùn ứ trong sân ga. Ngoài ra, ga Sài Gòn cũng đã phối hợp với các lực lượng để tổ chức phân luồng, đảm bảo giao thông ổn định trước cổng ga.
Trong khi đó, cửa ngõ phía Tây thành phố bắt đầu từ cuối giờ chiều, phương tiện xe máy từ các tỉnh miền Tây di chuyển nhiều theo Quốc lộ 1, qua Long An để vào thành phố, khiến giao thông ùn ứ cục bộ.
Ông Nguyễn Hoàng Huy Phó, Giám đốc bến xe miền Đông cho biết, trong ngày 20/2 có khoảng 1.400 xe chở trên 40.000 lượt hành khách trở về bến. Các xe chở khách sau khi về bến, được bến xe bố trí nhân sự giải quyết nhanh thủ tục ra vào bến để xe tiếp tục quay đầu trở lại các tỉnh, thành đón khách.
Ghi nhận của phóng viên trên Quốc lộ 1A, đoạn qua huyện Bình Chánh (Tp. Hồ Chí Minh), hàng nghìn phương tiện đổ về với đồ đạc lỉnh kỉnh nhưng không xảy ra ùn tắc do lực lượng cảnh sát giao thông huyện Tân Túc (Long An), phường An Lạc (quận Bình Tân, Tp. Hồ Chí Minh) đã chủ động điều tiết, phân luồng hợp lý nên các phương tiện lưu thông trật tự, an toàn.
Đại diện Ban An toàn giao thông Tp. Hồ Chí Minh khuyến cáo, khi tham gia giao thông, người không chạy quá tốc độ cho phép và thực hiện theo đúng quy định của Luật An toàn giao thông.
Tính từ ngày 29 Tết đến mùng 4 Tết, trên địa bàn thành phố xảy ra 33 vụ tai nạn giao thông làm 3 người chết và 27 người bị thương; trong đó, tập trung nhiều vào ngày mùng 2 Tết. Nguyên nhân chính của các vụ tai nạn giao thông là do người điều khiển tham gia giao thông sau khi đã sử dụng rượu bia và đi sai luật, vượt đèn đỏ hoặc chở quá tải.