65 tuổi đời, thuở lên 13 đã biết tự cầm dầm xuôi mái, ngót nghét đã hơn 50 năm hành nghề chèo ghe đưa đón khách qua sông. Trong kí ức, hoài niệm về cuộc hành trình mấy mươi năm thầm lặng với cái nghề một nắng hai sương, dãi dầu sương gió của bà với biết bao cung bậc, nỗi niềm về cơ duyên gắn bó với cái nghiệp tổ tiên bao đời truyền lại mà cho đến đời của bà đã là đời thứ 6 “kế tục”.
Nơi bến đò ông Đốc, bà Lê Thị Hương được người dân của thôn Văn Ly, xã Điện Quang và thôn 3, xã Điện Hồng huyện Điện Bàn, Quảng Nam nhắc đến như một chứng nhân lịch sử gắn liền với những năm tháng chiến đấu khốc liệt nơi cứ điểm cách mạng bến đò ông Đốc ghi dấu nhiều chiến công vang dội của bộ đội ta ngày trước và đến khi hòa bình lập lại, “tổ nghiệp” chèo ghe bao đời truyền lại vẫn được người đàn bà ấy nối giữ cho đến ngày hôm nay.
Đưa đò từ tuổi 13
Có lẽ không dưới 10 lần tôi có dịp bắt ghe xuồng nơi bến đò ông Đốc và được ngồi trên chiếc ghe máy bé nhỏ của bà Hai (tên mà người đi đò vẫn thường hay gọi bà Hương – PV), được nghe bà thổ lộ về cuộc đời đầy truân chuyên với cái nghề chèo ghe đưa khách. Và mỗi lần hoài cổ về thời đã qua, trong từng câu nói sang sảng pha chút giọng mặn mòi miền sông nước xứ Quảng của người đàn bà trên mái đầu nay đã lấm chấm những sợi bạc vẫn khiến người nghe bị cuốn hút. “Tôi chèo ghe cũng độ hơn 50 năm rồi. Từ nhỏ sống trôi nổi trên vùng sông nước cùng với chiếc ghe của gia đình, vừa là nồi cơm bươn chải mưu sinh, vừa là nơi trú ngụ.
13 tuổi thì tôi đã có thể phụ ba mẹ chèo ghe đưa khách, tự mình quăng chài đánh cá trên sông. Cứ thế cái nghề chèo ghe của tổ tiên đến đời tôi là đời thứ 6 vẫn tồn tại cho đến hôm nay”, bà hồi tưởng. Và cũng kể từ khi biết cầm dầm, quen thuộc với từng hàng cây, ngọn cỏ nơi bến đò cũng là lúc bà xin tham gia vào hàng ngũ làm thông tin liên lạc đưa đón bộ đội qua lại đôi bờ sông này. Trong kí ức của một thời đã xa nay chỉ còn vang bóng, những kỉ niệm đưa bộ đội lướt sóng qua sông trước sự truy lùng ráo riết của bọn địch vẫn còn âm ỉ cháy mãi trong suy nghĩ, con tim của bà Hai. “Có lần địch mở đợt càn quét vào căn cứ bến đò ông Đốc để truy lùng bộ đội của ta và ngay trong đêm đó tôi đã âm thầm đưa gần 50 chiến sĩ ngược dòng sông Thu Bồn trốn chạy.
Để tránh sự phát hiện của địch, tôi dùng lưới đánh cá phủ lên trên người bộ đội như thể mình mang lưới đánh cá ban đêm. May mắn tất cả 5 chuyến đò đưa bộ đội vượt vòng vây kẻ địch đã diễn ra trót lọt”, giọng hào hùng bà kể tiếp. Thế nhưng trong một lần bị Việt gian tố cáo, bà đã bị địch bắt giam và dùng những đòn roi tra tấn hết sức dã man. Ngậm đắng nuốt cay suốt 3 tháng không hé nửa lời, cuối cùng bọn chúng mới thả bà về, từ đó bà tiếp tục với nhiệm vụ làm thông tin liên lạc, vận chuyển lương thực từ bên ngoài vào căn cứ cách mạng và trong chiến thắng oanh liệt nơi bến phà ông Đốc năm 1975, các chiến sĩ bộ đội năm ấy không thể nào quên được công lao to lớn của một cô gái nhỏ thó ngày đêm tận tụy giúp bộ đội băng sông vượt cạn, mở đường cho các chiến sĩ cách mạng hoàn thành nhiệm vụ đấu tranh giải phóng quê hương hai huyện Điện Bàn, Đại Lộc.
Bà say sưa kể về cuộc đời hơn 50 năm chèo ghe trên sông nơi bến phà ông Đốc. |
Cứu người trước lưỡi hái “thủy thần”
Có lẽ trong suốt cuộc hành trình hơn 50 năm chèo ghe trên sông, chắc hẳn kỉ niệm về những lần cứu vớt người gặp nạn trên sông trước lưỡi hái “thủy thần” sẽ mãi là những giây phút bà không thể nào quên. Đó là những lần không may khách ngồi trên ghe bất cẩn ngã xuống sông hay những đêm bà thức trắng mò lặn vớt người đuối nước. Và khi được hỏi từ trước đến nay bà đã cứu được bao nhiêu người, bà bấm tay lẩm nhẩm một hồi lâu rồi lắc đầu: “Ui chao làm sao mà nhớ nổi. Mỗi năm có biết bao nhiêu vụ lật ghe thuyền trên sông này, làm sao tính được người đuối nước, nhất là vào mùa lũ mà đếm được. Cứ ở trên thuyền mà nghe thấy tiếng ú ới của người gặp nạn là nhảy sồng xuống sông trước cái đã. Nhiều người được tôi cứu sau nhiều năm tìm đến tạ ơn tôi cũng không nhớ rõ đã cứu họ tự bao giờ, nhớ thì chắc cũng vài ba người thôi. Người dân sống quanh vùng thấy bà bơi lội giỏi đã phong cho bà biệt hiệu “bà Hai kình ngư”.
Ngày ngày bà Hai vẫn tiếp tục chèo ghe đưa khách, sẵn sàng quên mình cứu giúp người gặp nạn trên sông. |
Mọi người nể phục bà bởi bản tính gan lì, không sợ hiểm nguy, quên mình cứu giúp người khác. Người dân nơi bến đò kể lại có lần bà suýt mất mạng trong lúc cứu vớt một người gặp nạn lúc nửa đêm, vì bơi liên tục hàng tiếng đồng hồ lần mò dưới nước nên bà bị kiệt sức, may lúc cố dốc hết sức mình đẩy người gặp nạn vào bờ bà bám được vào một chiếc phao đang trôi ven bờ sông. Chuyện đó đến nay chỉ một vài người thân thiết với bà Hai biết được chứ hiếm khi bà kể công với ai. Với bà cuộc sống hạnh phúc đơn giản chỉ là cho đi chứ không muốn nhận sự đền đáp. Và cứ thế suốt mấy chục năm qua, người đàn bà ấy vẫn âm thầm, lặng lẽ gắn bó với “thiên chức” cứu người như thể nó gắn bó với một phần máu thịt, không thể tách rời.
Bài và ảnh: Thanh Ba