Có một thanh niên đã từ bỏ công việc với mức lương rất cao để đi khắp đất nước, tìm kiếm công thức lưu giữ hương thơm của nén nhang Việt. Đi qua những gian hàng bán nhang dọc trục đường Hưng Yên - Hà Nội, Trần Phương Anh than thở: “Nhang xịn, nhang tốt không ai phơi ngoài đường như vậy. Chẳng ai dám đảm bảo nhang đó làm như thế nào, có dùng hóa chất ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng hay không”...
Công phu tuyển chọn hương liệu
Trần Phương Anh để lại ấn tượng cho người mới gặp ở sự khiêm nhường và điềm tĩnh nhưng vẫn đủ nhiệt huyết trong từng lời nói. “Tôi thấy cần phải làm gì đó để nén nhang trở lại đúng vị trí linh thiêng vốn có của nó. Làm nhang không giống như kinh doanh để lấy lãi thông thường, mà đó chính là văn hóa”, anh tâm sự.
Những nén nhang Phụng Nghi được phơi đủ nắng và tuyển chọn kĩ trước khi đóng hộp. |
Trong một lần đến chùa Keo (Thái Bình), Phương Anh ngửi thấy mùi hương theo công thức pha chế đặc biệt của nhà chùa. Mùi hương gợi nhớ anh về những kỉ niệm tuổi thơ.
Từ bỏ cương vị quản lý của một công ty bảo mật nổi tiếng thế giới chi nhánh tại Việt Nam, Phương Anh quyết tâm theo đuổi niềm đam mê của mình. Cùng với sự chỉ dạy của đại đức Thích Thanh Quang, trụ trì chùa Keo khi ấy, Trần Phương Anh đã học được công thức làm hương đầu tiên.
“Văn hóa hương nhang của Việt Nam đa dạng và ẩn chứa minh triết sâu xa, khi thắp nén nhang lên, con người ta cảm thấy những ước nguyện của mình được thánh nhân chứng giám. Tuy nhiên, nó lại đang bị làm rẻ hóa bằng mùn cưa và hóa chất độc hại có thể gây mù lòa...”, anh chia sẻ.
Nén hương trên khắp dải đất hình chữ S không hề giống nhau. Bởi thế, sau khi nghiên cứu kỹ về tập quán văn hóa và đặc trưng từng vùng miền, Phương Anh mới sản xuất ra các loại hương nhang khác nhau.
Trần Phương Anh (bên phải) hướng dẫn cách đóng hộp nhang Phụng Nghi. |
Nguyên liệu làm nhang được tuyển chọn từ những thứ hảo hạng nhất tại mỗi vùng miền. Ví dụ như hương bài tốt nhất chỉ có ở Quảng Ninh, trầm hương tốt nhất ở Phú Yên - Khánh Hòa, quế tốt nhất ở Yên Bái, hoa hồi ở Lạng Sơn... Mỗi thứ đều phải được lựa chọn một cách kĩ lưỡng như vậy.
Trong suốt nhiều năm, cứ cuối tuần là Phương Anh lại đi xe máy về các làng nghề. Đầu tiên chỉ để làm quen. Sau nhiều chuyến đi như thế, Phương Anh mới được cho xem làm nhang và hỏi thăm kỹ thuật.
Trần Phương Anh thắp một nén hương bài do chính anh sản xuất lên bàn thờ tổ tiên tại nhà một người bà con. Anh hỏi chúng tôi: “Mọi người thấy mùi hương thế nào? Có dễ chịu không?”. Nén hương mà anh thắp lên có mùi thoang thoảng chứ không sực nức. Do đó, ngửi lâu mà không bị đau đầu. Nén hương còn cháy đều trong khoảng 2 tiếng mới hết.
Chính Phương Anh ban đầu cũng rất khó phân biệt được rõ các mùi của hương, mà chỉ biết mùi này nặng, mùi kia nhẹ, mùi này gắt hơn so với mùi kia. Anh chia sẻ, mình từng ở trong phòng tối cho tĩnh tâm và thắp nhang lên ngửi đi ngửi lại rất nhiều lần mới phân biệt nổi. Bây giờ, anh có thể ngửi được vị ấm của gỗ tùng, vị ngậy của hoa ngâu, vị nồng của vỏ quế, vị đắng pha cay của trầm hương trong mỗi nén nhang.
Chất lượng luôn là số một
Trần Phương Anh tâm niệm, kinh doanh phải đặt chất lượng sản phẩm lên số một. Sản phẩm của mình dù đắt nhưng làm tốt, làm chất lượng thì vẫn sẽ có khách hàng. Cũng bởi thế mà dù hương Phụng Nghi của Phương Anh có giá cao gấp cả chục lần hương thường nhưng vẫn có nhiều khách lựa chọn. Hương Phụng Nghi giờ đã có thể “đánh bật” được những sản phẩm của Trung Quốc, Thái Lan tại những nơi thờ cúng nổi tiếng như chùa Quán Sứ, chùa Một Cột, Thăng Long Tứ Trấn, Yên Tử, phủ Tây Hồ, đền Trần...
Điều đặc biệt nữa là mẫu mã những hộp hương Phụng Nghi được họa sĩ thiết kế dựa theo hướng dẫn của các chuyên gia lịch sử. Trên hộp hương có in hình ảnh về Tứ bất tử, chiến thắng Bạch Đằng, vua Quang Trung giải phóng Thăng Long, Lý Công Uẩn dời đô... Hương Phụng Nghi cũng được các nhà văn hóa lớn như GS Vũ Khiêu, GS Lê Văn Lan, nhà sử học Dương Trung Quốc dành cho những mỹ từ khen ngợi cho từng sản phẩm.
“Đây là những chính phẩm có vẻ đẹp và cái duyên của mỹ nữ, lại có tinh hoa và sự linh diệu của Vũ trụ để tỏa lan khắp không gian văn hóa Quốc gia và Quốc tế”, GS Lê Văn Lan nhận xét.
Trần Phương Anh nhận thấy, các vùng miền của Việt Nam từ Bắc đến Nam có các loại thảo mộc khác nhau nên mùi hương cũng không giống nhau. Phụng Nghi tạm chia thành 5 trường phái hương nhang lớn ở 5 vùng khác nhau: hương Trầm Thăng Long - Hà Nội, kết tinh từ triết lý ngũ hành, mỗi loại thảo mộc tượng trưng cho một hành mà hòa quyện vấn vít vào nhau; hương Trám vùng Kinh Bắc lấy mùi chủ đạo từ nhựa trám; vùng Đông Bắc Bộ sử dụng cây hương Bài, một loại cây mùi thơm thanh cao; Đà Nẵng - Huế thì sử dụng nhiều hương Trầm vì đây là vùng có trầm rất tốt và chịu ảnh hưởng của văn hóa Nhật Bản; vùng Sài Gòn - Gia Định mang văn hóa Phật giáo Tiểu thừa, nhang làm chủ yếu từ gỗ cây đàn hương.
Bài và ảnh: Hoàng Dương