Gần 45 năm sống nép mình bên chân đèo Hải Vân, những con người sống tách biệt với cộng đồng vì chứng bệnh phong đã được đón cái Tết đầu tiên cùng với cộng đồng.
Nép mình bên vách núi Hải Vân, làng Vân (hay còn gọi là thôn Hòa Vân), xã Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng bị cô lập với thế giới xung quanh như một “ốc đảo”. Người ta gọi làng Vân bằng những cái tên nghe rất xót xa: làng phong, làng hủi, làng cùi. Nếu muốn vào làng thì phải leo lên đèo Hải Vân, cắt núi rồi thả theo dốc dựng đứng mà xuống làng hoặc đi bằng thuyền máy, nhưng thỉnh thoảng dăm ba tháng mới có một chuyến đò.
Người dân làng Vân giờ được sống trong những căn nhà mới.
Ảnh: VGP/Hương Trang
Làng Vân trước đây được xem như là một vùng bị biệt lập. Giao thông đi lại hiểm trở, làng Vân như một ốc đảo nép mình cô đơn bên biển, cộng với nỗi tủi phận bị người đời xa lánh vì sợ lây bệnh, hơn 300 con người khốn khổ mang nổi mặc cảm không dám đối mặt với thế giới bên ngoài, chỉ quanh quẩn trong rẻo đất ở chân đèo Hài Vân, bám biển sống qua ngày, mò cua bắt ốc, săn bắt chim thú hoặc nuôi lợn, gà theo hình thức “tự cung, tự cấp” là chính.
Cuối tháng 8/2012 là được coi là thời điểm lịch sử , và mọi người thường gọi là “cuộc di dời lịch sử”, nhờ quyết tâm của chính quyền thành phố Đà Nẵng đã có quyết định di dời toàn bộ dân làng đến nơi ở mới, tái hòa nhập cộng động và tiếp cận cuộc sống hiện đại.
TP Đà Nẵng đã xây dựng một khu tái định cư làm nơi ở mới cho người dân làng Hòa Vân tại phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng 6 dãy nhà với 120 căn hộ khang trang là nơi sinh sống của 69 hộ dân, tổng cộng 154 nhân khẩu. Mỗi căn hộ có diện tích gần 100m2, bao gồm 1 phòng khách, 2 phòng ngủ, phòng bếp và phòng vệ sinh. Khi bố trí về ở, người dân được cho thêm những vật dụng thiết yếu cho sinh hoạt hàng ngày như: bàn ghế, ly tách, bếp ga, quạt…Ngoài căn hộ, còn có diện tích sân vườn phía trước, sân phơi, nhà trẻ, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà nguyện sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng và phòng chăm sóc y tế cho bà con.
Thấu hiểu bà con ở đây cần có cái nghề để có thể trang trải cuộc sống mới, cải thiện đời sống, TP đã đưa ra kế hoạch bố trí đào tạo nghề cho bà con trong làng: các thanh niên trong làng được lựa chọn và tham gia vào các nghề như trồng hoa, cây cảnh, chế biến nước mắm, chế biến nấm ăn, nhận hàng gia công, nuôi trồng thủy sản, các cụ già còn sức khỏe tham gia vào việc đan lưới… một số thanh niên có điều kiện đầy đủ về sức khỏe được thuê làm công nhân cho các khu công nghiệp, xí nghiệp chế xuất…
Chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện tốt nhất để những người dân làng Hòa Vân được tái hòa nhập cùng cộng đồng, những việc làm này mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giúp những phận người bất hạnh mang nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần bị người đời kỳ thị, xa lánh gần nữa thập kỷ được sự đối xử bình đẳng, sự quan tâm về cơ sở vật chất và điều kiện chăm sóc y tế.
Tết Qý Tỵ đến với 300 con người làng Vân từ sự thương yêu, đoàn kết của cộng đồng. Nhiều người dân làng nay đã khỏi bệnh, tham gia học tập, làm việc tại các trường học, nhà máy, công sở. Nhiều trai, gái trong làng đã kết hôn với những người khỏe mạnh, sinh con đẻ cái như bao người bình thường khác. Người làng Vân đang vươn mình giúp sức cho xã hội chứ không chỉ quanh quẩn với những nghề nông bên nơi vùng đất nghèo xưa kia.
Để hỗ trợ cho bà con đón Tết, các cán bộ quận ủy đã đến thăm và gặp mặt thăm hỏi, hỗ trợ cho bà con 300 nghìn/ hộ cùng mức lương thực 15kg gạo/ người. Theo cán bộ phường Hòa Hiệp Nam cho biết, vào dịp Tết nguyên đán này, ngoài sự chăm lo của chính quyền, người dân nơi đây thường xuyên được các tổ chức xã hôi, cơ quan, đoàn thể đến động viên và tặng quà.
Thành phố sẽ tổ chức nhiều trò chơi, hoạt động văn hóa dân gian cho bà con được thưởng thức, tạo một không khí Tết ấm cúng và thân mật.
Một cái Tết rộn ràng, phấn khởi đang đến ngập tràn trong lòng người dân nơi đây. Họ hi vọng về một cuộc sống mới được học tập, sinh hoạt, được vui chơi, làm việc như những người dân bình thường, ước mơ giản dị đó sau hơn 45 năm nay đã trở thành hiện thực.
Theo chinhphu.vn