Người lao động miền Trung vật vã vào Nam sau Tết

Sau những ngày về quê ăn Tết, hàng ngàn lao động từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung bắt đầu trở lại các tỉnh phía Nam để mưu sinh, công tác và học tập. Để có được tấm vé vào Nam quả không đơn giản, và cũng từ đó nhiều chuyện bi hài đã xảy ra trên hành trình vật vã vào Nam của những người lao động nghèo.


Dầm mưa, trải chiếu nằm chờ


Bắt đầu từ mồng 6 tháng Giêng, những người lao động nghèo tại các tỉnh miền Trung lại lũ lượt bắt xe vào Nam để đi làm lại. Mặc dù ngày mồng 9 tháng Giêng mới bắt đầu làm việc, nhưng vì tâm lý đi sớm có chỗ ngồi tốt nên chỉ qua mồng 5, người lao động bắt đầu lục tục bắt xe quay lại chỗ làm. Nhưng để có được tấm vé xe là không dễ dàng. Với những người may mắn mua vé khứ hồi trước Tết, hay đặt chỗ từ trước thì không nói làm gì. Đa phần những người còn lại chỉ biết… đợi. Không mua được vé, nhiều người đành ra quốc lộ để đón xe với giá "cắt cổ".

Người lao động đón xe vào Nam sau Tết tại Bến xe Quảng Ngãi.


Dọc tuyến QL 1A đi qua địa bàn các tỉnh miền Trung từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi có rất đông người đón xe khách. Trong đó, chủ yếu vẫn là sinh viên đang học tập tại các trường CĐ - ĐH và công nhân đang làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp ở phía Nam. Dọc các tuyến đường này đâu đâu cũng thấy các nhóm người tay xách nách mang tụ tập để đón xe. Và để đón được những chuyến xe hợp lý trong những ngày đầu năm quả là không phải chuyện dễ. Anh Nguyễn Hoài Nam (31 tuổi, trú Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) cho biết: “Tôi đã đứng ở đây gần 5 tiếng đồng hồ nhưng vẫn chưa bắt được xe đi vào TP Hồ Chí Minh. Các nhà xe đều hét giá từ 1,5 - 1,9 triệu đồng/chỗ vé giường nằm và 1,3 - 1,6 triệu đồng/chỗ ghế cứng khi vào TP Hồ Chí Minh nhưng không đủ chỗ để nhét khách nữa!”.

Cảnh hành khách chờ tàu ở ga Tam Kỳ (Quảng Nam).


Sau nhiều giờ đón xe đi vào Vũng Tàu để làm thuê, nhưng không bắt được vì xe không có chỗ ngồi với giá hợp lý, anh Trần Văn Tình (Phú Lộc - Thừa Thiên Huế) đành xách túi trở về: “Cứ xe này qua, xe khác tới nhưng vẫn không bắt được chỉ vì trong người tôi có vẻn vẹn được 1,5 triệu đồng. Trong khi đó nếu lên xe với giá bèo nhất cũng mất tới 1,3 triệu đồng. Nếu lên đi thì dọc đường biết lấy chi mà ăn. Thôi đành quay về chờ sau rằm rồi hẵng hay...”.


Tại đường tránh Nguyễn Hoàng (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) cũng có rất nhiều người lao động mỏi mòn chờ xe. Anh Nam, một công nhân làm việc tại Bình Dương đang đợi đón xe khách thở dài: “Ngày 9 này là bắt đầu làm việc nên nhóm chúng tôi phải tranh thủ vào sớm để kịp làm việc. Tuy nhiên, thời điểm này người đi xe khách quá đông nên nhóm chúng tôi đợi từ sáng đến trưa vẫn chưa bắt được xe. Nhiều xe khách vào Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh nhưng chủ xe hét giá cao quá, từ 1,1 triệu đến 1,5 triệu đồng/hành khách!”. Em Lê Thị Huyền, sinh viên Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho biết, em đón xe khách từ sáng để vào trường sớm nhưng xe nào cũng đầy khách rồi nên không có chiếc nào dừng.

Khách đón xe tại thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn (Quảng Nam).


Tại Quảng Ngãi, hiện có 4 doanh nghiệp kinh doanh vận tải xe khách chất lượng cao (CLC) là Bình Tâm, Chín Nghĩa, Sao Vàng, Thiên Trang. Tuy nhiên, hiện tất cả các nhà xe trên đều thông báo không còn vé xe đến hết ngày 16 tháng Giêng. Tại Công ty xe khách Chín Nghĩa, mặc dù doanh nghiệp có gần 50 đầu xe, chiếm hơn 50% tổng số xe CLC của cả tỉnh, đó là chưa kể hàng chục đầu xe tăng cường, tuy nhiên công ty luôn trong tình trạng "cháy vé". Theo ông Nguyễn Thanh Phong - Phó Giám đốc Công ty Chín Nghĩa thì năm nay, lượng khách đăng ký khá đông. Công ty đã triển khai bán vé ngay từ trước Tết khá sớm, vì vậy số vé còn sau Tết rất ít, và cũng đã bán hết trong những ngày đầu năm.


Anh Quân, quê Nghĩa Dũng, thành phố Quảng Ngãi cho biết, anh làm ở TP Hồ Chí Minh. Mặc dù đơn vị tới ngày 11 tháng Giêng mới làm việc, tuy có muộn hơn các đơn vị khác, nhưng chậm nhất là ngày mùng 10 anh phải vào rồi. Thế nhưng hai ngày nay, anh đi từ ga Quảng Ngãi đến các nhà xe, chỗ nào cũng không còn vé. Kiểu này phải ra quốc lộ đón xe đi vào thôi. Còn anh Dũng, quê Bình Hiệp, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), một trong những người đến đây để mua vé xe cho biết: “Tui có đứa con đang làm ở một doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh. Trước Tết, có đứa bạn mua được cho nó một vé tàu về quê ăn Tết. Biết sau Tết vé tàu xe rất khó khăn, nhưng cũng động viên cháu về quê, sau Tết thế nào cũng hỏi được vé để đi vào. Nhưng từ sáng giờ đi chỗ nào hỏi mua vé cũng đều nhận được trả lời là hết vé đến sau ngày 16 tháng Giêng. Cháu nó thì tới ngày phải vào lại để đi làm rồi, giờ không biết tính thế nào?”.


Thời tiết mấy ngày nay ở miền Trung diễn biến rất thất thường, mưa nắng đan xen khiến nhiều người chờ đợi trong mệt mỏi. Để có được một chỗ ngồi trên xe để đi vào nam, họ phải dầm mình trong mưa để giành lấy chỗ. Chỉ cần thấy bóng một chiếc xe nào đi chầm chậm lại là họ ùa ra đùn đẩy nhau để lên xe…


Vô tư hét giá…


Kiếm được một chỗ tốt, nhưng anh Huỳnh Ngọc Toàn (trú Thăng Bình, Quảng Nam) sau khi bước lên xe lại bị nhà xe đuổi xuống. Lý do bởi giá vé quá cao: “Tui chỉ có 2 triệu đồng, nhà xe hét giá 1,5 triệu đồng rồi thì vào đó lấy gì ăn, lấy gì trả tiền nhà nữa! Thôi đành kiếm xe nào giá rẻ hơn vậy, chịu khó chật chội một tý cũng được!”.


Tại Quảng Ngãi cũng diễn ra tình trạng tương tự. Tại các nút giao thông như thị trấn Bình Sơn, thị trấn Sông Vệ, thị trấn Đức Phổ cũng có rất nhiều người chờ đón xe. Sau nhiều giờ, cũng có người đón được xe. Tuy nhiên, nhiều người đã bị nhà xe bắt chẹt khi họ đi Nha Trang, Bình Thuận, Vũng Tàu... nhưng lại phải trả tiền bằng giá đi TP Hồ Chí Minh. “Trong khi chủ xe thu giá vé ghế ngồi đi Sài Gòn là 900.000 đồng, mình đi Phan Thiết nhưng họ cũng lấy như vậy. Thắc mắc thì được nhà xe trả lời là Tết chỉ thu tiền nguyên chuyến, không đi thì thôi…!”, một người dân bất bình. Trong khi đó, một chủ xe chạy tuyến Đà Nẵng - TP Hồ Chí Minh lý giải: “Do chi phí tăng nên phải tăng giá vé. Ngoài ra, trước đây xe 45 chỗ có thể chở được 70 - 80 khách nhưng gần đây, công an làm căng lắm, chở quá người nếu không làm luật “nặng tay” là “ăn” biên bản ngay, xui hơn còn bị giữ xe. Chở ít nên giá phải cao thôi...”. Không như mọi năm, năm nay nhiều xe không chịu đón khách khi đã chật người, vì sợ bị phạt. Tuy nhiên tình trạng xe dù, bến cóc đã xuất hiện nhiều nơi ở miền Trung.


Cũng có xe dừng lại đón, nhưng trên xe chật kín, không còn chỗ chen chân, giá thì trên trời. Xe thì cũ kỹ nhìn không an toàn tí nào, nên nhiều người lao động không ai dám đi. Họ đành tự nhủ thôi mình ráng đón thêm ngày nữa xem có được xe nào rộng rãi hơn không. Ông Nguyễn Minh - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Nhiều xe dù núp bóng danh nghĩa xe hợp đồng, các hãng du lịch để đón khách với giá vé gần gấp đôi so với các bến xe. Trước Tết, ngành GTVT đã chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải khách tổ chức tốt việc vận tải hành khách đi lại dịp trước và sau Tết, đảm bảo chất lượng và an toàn. Các đơn vị cần tổ chức hợp đồng tăng cường xe nhằm đảm bảo cho hành khách trở lại các tỉnh làm việc, công tác sau Tết...”.


Bài và ảnh:Hữu Cường – Gia Ly

Doanh nghiệp không còn “khát” lao động dịp đầu năm
Doanh nghiệp không còn “khát” lao động dịp đầu năm

Tại các thành phố lớn, khác với hiện tượng những năm trước, việc khan hiếm lao động sau Tết khiến nhiều doanh nghiệp “đau đầu” với bài toán thiếu nhân lực thì năm nay, thị trường lao động tương đối ổn định.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN