Ông đánh giá như thế nào về thị trường lao động qua các phiên giao dịch việc làm đầu năm nay, thưa ông?
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội, ngay từ đầu năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động tìm kiếm việc làm.
Từ đầu năm nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã kết nối với 8 tỉnh thành tổ chức phiên giao dịch trực tuyến. Các phiên giao dịch này có tới hơn 44.000 chỉ tiêu tuyển dụng. Con số này cho thấy ngay từ đầu năm, các doanh nghiệp đã bắt đầu hoạt động tuyển dụng nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh.
Người lao động cũng tham gia tìm kiếm việc làm qua các phiên giao dịch việc làm, tham gia phỏng vấn trực tiếp, trao đổi điều kiện làm việc, mức lương, chế độ an sinh…
Các ngành nghề nào tuyển dụng nhiều trong những tháng đầu năm nay, thưa ông?
Thông qua công tác tổng hợp có thể thấy rằng, các ngành nghề được tuyển dụng đa dạng. Trong đó có những ngành nghề đăng ký tuyển dụng nhiều như: Thương mại dịch vụ, công nhân sản xuất lĩnh vực điện, điện tử, dệt may, da giày… tiếp đó là lĩnh vực bất động sản, văn phòng, công nghệ thông tin….
Với nhu cầu tuyển như trên, người lao động cũng dể dàng tìm được cơ hội việc làm trong những tháng đầu năm.
Theo ông, xu hướng “nhảy việc” có biến động nhiều trong những tháng sau Tết không?
Qua tìm hiểu của Trung tâm và thông tin về tỷ lệ người lao động quay trở lại làm việc sau Tết của công đoàn rất cao, có thể thấy người lao động nhảy việc và tìm kiếm việc làm mới ít hơn so với các năm trước đây. Những năm trước, sau Tết, do khó khăn của doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, lao động về quê ăn Tết xong thường tìm kiếm cho mình việc làm mới. Năm nay, tỷ lệ nhảy việc giảm hẳn.
Còn những người đến tham gia phiên giao dịch việc làm từ đầu năm nay mong muốn tìm kiếm vị trí việc làm phù hợp, ổn định. Bên cạnh mức lương, hầu hết lao động khi tìm hiểu công việc đều tìm hiểu cặn kẽ các chế độ an sinh như đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, các khoản phụ cấp, điều kiện, môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến…
Đây là sự thay đổi khá lớn trong xu hướng tìm việc đầu năm nay, nhất là với những lao động có kỹ năng, đòi hỏi trình độ chuyên môn.
Việc kết nối giữa các tỉnh thành mang tới cơ hội như thế nào cho người lao động, thưa ông?
Qua phiên giao dịch kết nối giữa các tỉnh thành, các trung tâm dịch vụ việc làm cũng có sự liên thông, chia sẻ dữ liệu. Qua đó, thị trường lao động cũng gần nhau hơn. Việc này hỗ trợ doanh nghiệp khi có nhiều nguồn tuyển lao động cũng như người lao động sẽ có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp hơn.
Hiện tại, hạ tầng giao thông kết nối giữa các địa phương thuận lợi, phương tiện di chuyển thuận lợi, doanh nghiệp cũng có những chế độ an sinh tốt thu hút lao động, giữ chân người lao động. Điều này cho phép lao động đi làm tại nhiều địa bàn khác nhau.
Trong trường hợp lao động phải chuyển việc làm, theo ông cần lưu ý những việc gì?
Tuy thị trường lao động có dấu hiệu hồi phục tích cực nhưng vẫn có những khó khăn tiềm ẩn. Do đó, người lao động trước khi chuyển việc cần thận trọng bởi liên quan đến nguồn thu nhập cho bản thân và gia đình, nhất là trong bối cảnh thị trường lao động hiện nay mới đang phục hồi. Do đó, việc đầu tiên là chia sẻ với doanh nghiệp lúc khó khăn mà họ từng có thời gian gắn bó.
Trong trường hợp bất khả kháng hoặc thu nhập giảm sâu cần tìm kiếm cho mình việc làm mới trong doanh nghiệp sao cho phù hợp,người lao động cần tìm kiếm vị trí mà bản thân đặt ra về chế độ, quyền lợi, tính chất công việc sẽ làm… Cũng từ đó, người lao động có thể đóng góp cho doanh nghiệp, thể hiện tốt nhất khả năng, kỹ năng của bản thân.
Xin trân trọng cám ơn ông!