Người trẻ muốn được 'chắp cánh'

Những người trẻ có đóng góp khá lớn vào việc phát triển kinh tế- xã hội cho tương lai của một đất nước. Tuy nhiên, do thiếu cơ chế hỗ trợ hiện tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều thanh niên muốn khẳng định bản thân, góp sức cho phát triển kinh tế- xã hội của Việt Nam thì họ vẫn phải "tự bơi".

 

Vẫn phải “tự bơi”


Theo một thống kê gần đây, Việt Nam chỉ có 16 triệu công ăn việc làm được cung cấp bởi các công ty Nhà nước, trong khi đó hơn 28 triệu "doanh nhân tự do" và gia đình đang làm việc độc lập để kiếm sống. Điều này cho thấy, tại Việt Nam kinh tế tư nhân đang phát triển rất nhanh. Khi đất nước hội nhập kinh tế Thế giới, thế hệ trẻ Việt Nam cũng mạnh dạn tham gia thương trường nhiều hơn. Nhiều thanh niên lập nghiệp với ý chí, sáng tạo và đầy nhiệt huyết, tuy nhiên khởi nghiệp hoàn toàn không đơn giản. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp rất nhỏ, thậm chí không được thành lập chính thức đã không thể đạt tới mục tiêu đề ra và phải đóng cửa không lâu sau khi ra đời.


Bạn Lê Tiến Đạt, sinh viên Trường Đại học Văn Lang cho rằng: Việt Nam có rất nhiều người tài, nhưng khát vọng lại không bay xa, hoặc có người tài không về phục vụ đất nước. Nguyên nhân do nhiều cơ chế chính sách đãi ngộ của chúng ta chưa tiếp cận được với thanh niên chúng tôi cho nên chưa giúp người trẻ phát triển được tài năng của mình để có thể cống hiến cho gia đình, xã hội.


Những suất học bổng ngay khi còn đi học sẽ giúp cho nhiều sinh viên có thêm động lực học tập sau này góp ích cho đất nước.


Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng: Do thiếu chính sách ưu đãi từ Nhà nước nên nhân tài “chảy” từ trong nước ra nước ngoài. Từ khu vực nhà nước sang hoạt động kinh tế tư nhân bằng phương thức độc lập trong khởi nghiệp. Tuy nhiên ở lĩnh vực tư nhân, thanh niên cũng phải trầy trật “tự bơi” để có thể trụ vững trong doanh nghiệp. Không ít sinh viên sau khi ra trường năm lần, bảy lượt khởi nghiệp nhưng vẫn thất bại. Bởi đa số các bạn khởi nghiệp từ con số âm, chỉ có ý tưởng và niềm tin. Khởi nghiệp nhưng không có tài sản gì lớn, không có sự hỗ trợ mà chủ yếu dựa vào ý chí cá nhân nên các doanh nhân tương lai khó thành công.


“Thanh niên không thiếu khát vọng, tài năng, ý chí nhưng thiếu người chắp cánh cho họ. Hình như Nhà nước giúp đỡ họ chưa nhiều, cũng có rất nhiều thanh niên lập nghiệp bằng chính sức của mình và đã thành công. Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nhận định.


Bày tỏ về khó khăn với con đường khởi nghiệp sau khi ra trường, Bùi Anh Cường, sinh viên năm 3 đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh tâm sự: “Sinh viên có ước mơ, hoài bão, năng lực nhưng chưa thực sự được chắp cánh, hỗ trợ. Em cũng luôn băn khoăn làm sao để sinh viên đóng góp nhiều hơn cho gia đình, địa phương và xã hội. Sinh viên rất mong được sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ phía các cơ quan Nhà nước để năng lực thực sự được góp sức cho đất nước”.


Cần hỗ trợ từ Nhà nước


Theo Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao, để thanh niên có thể khởi nghiệp thành công, trong thời gian tới đây Nhà nước cần hỗ trợ cho thanh niên hơn nữa để thanh niên đẩy mạnh hành động cho khát vọng Việt. Tôi tin rằng những hoạt động sắp tới, sẽ tạo ra được nguồn lực đáng kể cho đất nước, đồng thời các bạn trẻ sẽ rõ hơn bước đi của chính mình, ngày càng khát vọng để phát triển kinh tế trên mảnh đất quê hương.


Còn GS Nguyễn Đăng Hưng lại cho rằng, các nước có nền kinh tế phát triển thành công đều đề cao giáo dục công dân, nền giáo dục tốt để làm cơ sở phát triển bền vững. Trong khi đó, hiện chúng ta vẫn loay hoay với một nền giáo dục còn rất nhiều vấn đề. Tôi nghĩ, phải bỏ các hình thức đào tạo “nhồi nhét”, phải có môi trường sáng tạo để có không gian giáo dục, đại học tự do, tôn trọng hiểu biết, để người học có tinh thần phê phán, từ đó mới đưa Việt Nam tiến kịp thế giới. Vì thế, cần xây dựng môi trường tự do sáng tạo, tôn trọng sự thật để thanh niên trẻ phát triển toàn diện.


Tương tự, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Trung Nguyên cho biết: Một nền giáo dục hữu hiệu luôn đặt mục tiêu con người lên trên hết. Một là làm sao để con người có khát vọng, chí hướng. Thứ hai là trang bị kỹ năng làm giàu. Thứ ba, phải cải cách. Thứ tư, giáo dục sự giàu có về tâm hồn. Đó mới là 4 cái mạnh thực sự của giáo dục. Trong công cuộc toàn cầu hóa, trong một thế giới như hiện nay, buộc tâm thanh niên chúng ta cũng phải thay đổi. Tôi mong các bạn bắt đầu từ chính mình, tự đào tạo mình để giúp cho mình và cho đất nước.


Như vậy có thể nói, chỉ cần có những hỗ trợ thiết thực từ các quan quản lý Nhà nước cho các nhân tài để họ phát triển thì nược lại khi người trẻ phát triển thì họ sẽ đóng góp vào sự phát triển của nhà nước đó.


Bài và ảnh: H.Tuyết


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN