Bỗng dưng có tiền tỷ trong tay, “đổi đời” nhờ tiền đền bù đất đai của dự án thủy điện Đăk Ring, nhưng người dân Ca Dong ở miền thung lũng hút sâu của xã Sơn Liên (huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi) đang đứng trước nguy cơ đói nghèo chỉ vì không biết sử dụng số tiền đền bù hợp lý, và cũng vì còn nhiều hệ lụy khác của thủy điện.
Xóm nghèo thành “làng tỷ phú”
“Bên kia là xóm Nghèo đấy. Nói là xóm nghèo nhưng toàn những nhà có tiền tỷ cả. Tiền thủy điện đền bù đấy. Họ sang lắm!” - một người dân xã Sơn Liên chỉ đường cho tôi đến với xóm Nghèo, nơi mà người dân vừa qua “dở khóc dở cười” vì nhận được tiền tỷ chưa cầm ấm tay đã bị con nợ giật mất.
Một góc xóm Nghèo bây giờ. |
Xóm Nghèo có tất cả 76 hộ dân người Ca Dong sinh sống, trước kia họ sống dưới thung lũng, ngày ngày trồng cấy và đi rừng kiếm cái ăn, cuộc mưu sinh tuy vất vả nhưng êm đềm. Từ khi thủy điện Đăk Ring được xây dựng và tích nước phát điện, cuộc sống người dân nơi đây đã thay đổi hoàn toàn, theo hướng tích cực cũng có, mà những hệ lụy cũng nhiều. Từ cuối năm 2012, khi nghe tin rục rịch di dời dân và đền bù cho người dân, những hộ dân ở xóm Nghèo mừng lắm. Mừng vì có tiền tỷ trong tay, thỏa cái thú được mua sắm, được sử dụng những tiện nghi hiện đại mà chỉ có nằm mơ mới thấy.
Thế nên dù chưa nhận được tiền, nhiều hộ dân đã thẳng tay vay mượn để mua ti vi, tủ lạnh, mua cả xe hơi. Người cho vay còn bán chịu hàng hóa nhu yếu phẩm, và cả xa xỉ phẩm như bia, rượu ngoại, thuốc lá…
Người dân xóm Nghèo mổ heo ăn mừng.
|
|
Xóm Nghèo có 76 hộ, thì 34 hộ được nhận tiền đền bù với số tiền lên tới hơn 40 tỷ đồng, một số tiền khá lớn. Có người nhận được gần 5 tỷ đồng như gia đình Đinh Văn Trãi, có người vài tỷ hay trăm triệu, nhưng oái oăm thay tiền chưa cầm ấm tay đã phải mang trả nợ. Ông Trần Đông Phong, Chủ tịch xã Sơn Liên cho biết: “Những hộ dân này đều trong diện di dời và đền bù đất làm thủy điện nên có được số tiền lớn đó.
Tuy nhiên vì vay nợ và ăn tiêu quá trớn nên có gia đình khi nhận tiền đền bù về vẫn không đủ trả nợ!”. Cái sự vay nợ và ăn tiêu quá trớn theo như ông Phong nói diễn ra rầm rộ cả một thời gian dài trước khi người dân được nhận tiền đền bù. Trước đây khi biết người dân có một diện tích đất được đền bù vì dự án thủy điện, nhiều người đã đến làm quen và đề nghị cho mượn tiền sinh sống. Nghĩ rằng gia đình sắp có khoản tiền lớn nên nhiều hộ dân đã vay mượn để làm nhà, mua xe máy và chi dùng sinh hoạt cho gia đình.
Đến khi, nhận được thông báo đến ủy ban nhận tiền đền bù, cũng là lúc các chủ nợ liên tục đến nhà đòi tiền. Có gia đình khi tiền nói sẽ trả hết nhưng khi tính toán lại thì số tiền lãi vay mượn đã lên quá cao. Cá biệt có người chỉ mua vài ký thịt heo, một con dao nhưng vẫn bị lên “danh sách” nợ… 10 triệu đồng. Vì đã lường trước được sự việc nên chính quyền huyện Sơn Tây đã chỉ đạo và công an huyện đã huy động hàng chục cán bộ, chiến sỹ đến để bảo vệ, giữ gìn ANTT. Thế nhưng nhiều người dân ở xã Sơn Liên sau khi đến nhận tiền đền bù của dự án thủy điện Đăk Rinh từ trong trụ sở của huyện đi ra, đã bị các chủ nợ bao vây và giật tiền ngay trên tay.
Ông Phong cũng buồn bã cho biết khi nhiều hộ dân ở đây đang nghèo túng bỗng chốc có hàng tỷ đồng, rồi tiêu pha phung phí không phải hiếm. Nhiều đối tượng đầu nậu đất, chủ nợ của người dân đã bao quanh phía bên ngoài. Vừa nhận tiền, người dân đã bị bao vây bắt trả nợ. Bởi trước đó, biết được sẽ nhận tiền đền bù, hỗ trợ, các lái thương đã gạ gẫm người dân cho vay tiền để mua sắm, ăn tiêu. Hoặc người dân đứng tên đất, nhưng thực tế đất đã bán trước đó cho nhiều người. Điển hình như chuyện Đinh Văn Trãi. Lần đầu tiên trong đời cầm số tiền lớn trong tay, Trãi tha hồ tiêu xài hoang phí. Chưa thỏa mãn, Trãi tậu xe ôtô Inova ngày ngày lái xuống phố huyện ăn nhậu.
Trăn trở ở “làng tỷ phú”
Bỗng chốc người dân được “đổi đời”, nhiều hộ dân có bạc tỉ trong tay đã đổ tiền xây dựng những ngôi nhà mang dáng dấp của kiến trúc biệt thự. Từ khi đến nơi định cư mới, xóm Nghèo đã thay đổi hẳn, khắp nơi vang vọng âm điệu của nhạc ráp, nhạc trẻ từ những chiếc máy đĩa, đầu video đời mới, gái trai say sưa ca hát, vui chơi. Trong những hàng quán lúc nào cũng tấp nập người ra vào nhậu nhẹt say sưa. “Hồi xưa nghèo không biết mấy cái nớ. Giờ giàu rồi, có tiền rồi thì phải hưởng thụ chứ!”, câu nói thật thà của một anh trai làng như thế, cũng là tâm lý của hầu hết người dân nơi đây.
Nhưng miệng ăn núi lở, người dân xóm Nghèo chẳng còn thiết tha gì với chuyện nương chuyện rẫy, chẳng còn mặn mòi gì với việc chăn nuôi trồng cấy mà chỉ biết vui chơi. Đó là điều mà ông Phong cứ trăn trở mãi: “Biết là người dân có tiền muốn hưởng thụ chút ít. Tiền của họ thì họ có quyền chi dùng, mình cũng chẳng nói được. Nhưng chỉ lo đến khi hết tiền, lại quen chơi rồi lấy cái gì mà làm, lấy cái gì mà ăn. Nhà nước hỗ trợ tiền để họ có vốn làm ăn chứ đâu phải cho tiền để họ tiêu pha phung phí thế. Mấy năm nữa khi hết tiền, dân xóm Nghèo lại nghèo mãi mất thôi!”.
Cũng cùng trăn trở với chính quyền xã, ông Đinh Văn Ái, Trưởng thôn Nước Vương buồn buồn: “Mình cũng là người Ca Dong, cũng được đền bù ít tiền nhưng mình đâu có xài gì đâu. Để tiền đấy mua con bò con trâu về làm. Nhưng mình nói mà họ cứ bỏ ngoài tai. Cứ xài hết thì lấy gì mà ăn vì không có đất sản xuất, không có vốn để làm ăn thì sao giàu được. Thời gian đầu được ít tiền thì mang ra ăn đến khi ăn hết rồi thì đi chặt gỗ bán. Chính quyền cấm chặt phá rừng, người dân chắc đành chịu đói thôi!”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Văn Rít, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Liên bộc bạch: “Không ít người dân thiếu căn cơ, khi nhận được khoản tiền đền bù thì tiêu xài thỏa thích. Vì thế sau khi chúng tôi giúp dân lấy lại số tiền, chúng tôi đã vận động người dân gửi tiết kiệm. Chúng tôi cũng đã phối hợp ngành chức năng giám sát, bảo vệ người dân không nghe lời kẻ xấu rút tiền tiết kiệm tiêu xài không đúng mục đích!”.
Nếu không biết căn cơ, không biết tính toán thì chắc hẳn chỉ vài năm nữa thôi, số tiền đền bù kia cũng hết, dân xóm Nghèo cũng sẽ hai bàn tay trắng, lại trở về phận nghèo như bao năm trước. Đảng ủy và chính quyền địa phương cùng lực lượng công an cần tổ chức nhiều đợt tuyên truyền để người dân gửi tiền tiết kiệm, dùng tiền để sản xuất, không để người dân vì có tiền đền bù dẫn tới ăn chơi, tiêu xài hoang phí mà tái nghèo.
Bài và ảnh: Gia Ly