Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ báo cáo của các địa phương, do ảnh hưởng của bão số 3 và lũ lụt do hoàn lưu của bão, đến nay đã xảy ra 584 sự cố đê điều (tăng 279 sự cố so với báo cáo ngày 13/9).
Đáng chú ý, các tuyến đê từ cấp III trở lên xảy ra 346 sự cố (tăng 164 sự cố so với báo cáo ngày 13/9). Các sự cố xảy ra bao gồm: Sự cố cống qua đê, sạt lở đê, nứt mặt đê, đùn sủi, thẩm lậu, lỗ rò thân đê, sạt lở kè, bờ sông…
Hiện lũ mực nước lũ trên các hệ thống sông đã rút, tuy vậy, nguy cơ tiếp tục xảy ra sự cố sạt lở đê, kè là rất cao.
Tính đến 7 giờ ngày 15/9, lũ trên các sông như sông Cầu (tỉnh Bắc Ninh), sông Thương (tỉnh Bắc Giang), sông Lục Nam (tỉnh Bắc Giang), sông Hoàng Long (tỉnh Ninh Bình) tại Bến Đế, sông Thái Bình (Thành phố Hải Dương) đang xuống chậm.
Dự báo, trong 24 giờ tới, mực nước nhiều trạm hạ lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình có xu thế xuống chậm, phổ biến từ báo động 2 đến trên báo động 3. Mực nước sông Cầu, sông Thương và sông Hoàng Long tiếp tục xuống nhưng vẫn ở trên mức báo động 2; sông Lục Nam và sông Thái Bình sẽ xuống dưới mức báo động 2 và trên báo động 1.
Ngày 14/9, Cục Quản lý đề điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn hỏa tốc gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố: Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh, Hòa Bình, Hà Nam, Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Yên Bái về việc đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, ứng phó với tình hình mưa lũ; tiếp tục kiểm tra, kiểm soát các tuyến đê, cập nhật, tổng hợp sự cố đê điều.
Tổng hợp các thiệt hại về nông nghiệp, đã có trên 200.000 ha lúa, 50.600 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại. Diện tích cây ăn quả bị hư hại là gần 32.000 ha; trong đó Hà Nội bị ảnh hưởng lớn nhất, lên tới hơn 10.000 ha.
Tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh có 3.269 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi; Gần 22.000 con gia súc, hơn 2,6 triệu con gia cầm bị chết.
Thông qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chính phủ một số quốc gia và tổ chức trong nước và quốc tế hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại.
Ngày 11/9, Chính phủ Úc hỗ trợ tỉnh Yên Bái 2.730 dụng cụ sửa chữa nhà cửa, dụng cụ vệ sinh cá nhân, dụng cụ sinh hoạt gia đình (dụng cụ bếp, chăn, màn, thảm ngủ, tấm bạt che) với tổng giá trị 49.000 đô la Australia (AUD); cam kết tiếp tục hỗ trợ thêm 3.000.000 đô la Australia tiền mặt.
Ngày 13/9, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) hỗ trợ tỉnh Yên Bái 700 bộ đồ dùng gia đình có tính đến nhu cầu của phụ nữ và người khuyết tật.
Trung tâm điều phối khu vực ASEAN về hỗ trợ nhân đạo hỗ trợ cho tỉnh Yên Bái 2.116 bộ dụng cụ (sửa chữa nhà cửa, vệ sinh cá nhân, sinh hoạt gia đình) ngày 13/9 và trong đêm ngày 14/9 tiếp tục hỗ trợ tỉnh Lào Cai 4.940 bộ dụng cụ; tổng giá trị 254.100 đô la Mỹ.
Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ tỉnh Yên Bái 40 máy lọc nước cầm tay và 200 tấm bạt nhựa đa năng, tổng giá trị 124.100 đô la Mỹ; đã chuyển đến sân bay Nội Bài và dự kiến ngày 15/9 sẽ bàn giao cho Yên Bái.
Dự kiến từ ngày 15 - 16/9, tổ chức Samaritan’s Purse hỗ trợ cho các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng 3.000 đèn pin, 3.000 bộ dụng cụ bếp, 3000 bộ lọc nước, 3.000 thùng đựng nước sạch, 6.000 xô nhựa, với tổng giá trị 116.000 đô la Mỹ.
Chính phủ Thụy Sỹ, Chính phủ Ấn độ, Chính phủ Hàn Quốc hiện đang tiếp tục hoàn thiện các thủ tục để hỗ trợ các tỉnh miền núi phía Bắc.