Đề phòng thời tiết nguy hiểm
Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo, nguy cơ cao, rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng vùng trũng thấp tại các huyện: Mường Tè, Phong Thổ, Tân Uyên, Than Uyên, Nậm Nhùn (Lai Châu); thành phố Sơn La, Mai Sơn, Yên Châu, Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Mường La, Mộc Châu, Vân Hồ, Phù Yên, Bắc Yên (Sơn La).
Văn Bàn, Bảo Yên, Sa Pa, thành phố Lào Cai (Lào Cai); Lục Yên, Yên Bình, Văn Yên, Trấn Yên, Văn Chấn, Mù Cang Chải, Trạm Tấu, thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái); Pác Nặm, Ba Bể, Ngân Sơn, Na Rì, Bạch Thông (Bắc Kạn); Na Hang, Chiêm Hóa, Yên Sơn, Lâm Bình, Hàm Yên, thành phố Tuyên Quang (Tuyên Quang); Cẩm Khê, Đoan Hùng, Hạ Hòa, Thanh Ba, Thanh Sơn (Phú Thọ); thị xã Đông Triều, thị xã Quảng Yên, thành phố Móng Cái, thành phố Cẩm Phả, thành phố Uông Bí,thành phố Hạ Long, Ba Chẽ, Vân Đồn, Tiên Yên, Hải Hà, Đầm Hà, Bình Liêu (Quảng Ninh).
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh và nguy cơ lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt có thể xảy ra, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện việc theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền, nhân dân để chủ động phòng tránh. Các địa phương kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; khơi thông dòng chảy, xử lý kịp thời các sự cố công trình ngay từ giờ đầu.
Các tỉnh, thành phố sẵn sàng triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất; gia cố, bảo vệ hồ ao nuôi thủy sản; thu hoạch hoa màu, cây trồng cạn đến thời kỳ thu hoạch; phòng chống ngập úng khu vực đô thị, vùng trũng thấp bảo đảm hạn chế thấp nhất thiệt hại. Các địa phương thông báo cho các chủ đầu tư có công trình đang xây dựng ven sông, trên sông, trong phạm vi bảo vệ đê điều; các chủ phương tiện vận tải thủy, khai thác khoáng sản biết thông tin về mưa, lũ để chủ động có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình.
Các địa phương chỉ đạo kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hầm, lò khai thác khoáng sản, các hồ chứa và hạ du, hệ thống đê điều, đặc biệt là các hồ chứa nhỏ, hồ thủy lợi và trọng điểm đê điều xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. Các địa phương chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, đặc biệt là hệ thống thông tin cơ sở, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại.
Xuất hiện vùng áp thấp tại khu vực Bắc Biển Đông
Thông tin từ Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng 6/8, trên rãnh áp thấp đi qua khu vực Bắc Biển Đông hình thành một vùng áp thấp. Hồi 7 giờ sáng nay, vùng áp thấp có vị trí ở vào khoảng 15,5-16,5 độ Vĩ Bắc; 117,5-118,5 độ Kinh Đông.
Dự báo, từ 7 giờ ngày 6/8 đến 7 giờ ngày 7/8, vùng áp thấp di chuyển chậm theo hướng Tây Tây Bắc và tiếp tục mạnh thêm. Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp nối với vùng áp thấp nên ngày và đêm 6/8, khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) và vịnh Bắc Bộ có mưa rào và dông mạnh, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8.
Khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, biển động. Sóng biển cao từ 2-3 m.
Khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7.
Cảnh báo, trong 1-2 ngày tới, vùng áp thấp có nhiều khả năng phát triển thành áp thấp nhiệt đới. Cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: Cấp 2.
Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, trước tình hình gió mạnh, sóng lớn và mưa dông trên các vùng biển, các cơ quan chức năng cần thông báo cho các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến trên để chủ động phòng tránh, bảo đảm an toàn và có kế hoạch sản xuất phù hợp; duy trì thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống...
Trong thời gian có bão, ngư dân và thuyền viên cần thường xuyên theo dõi tin dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin, hệ thống tín hiệu báo bão, đồng thời chú ý quan sát bầu trời và mặt biển để nhận biết thời tiết. Khi nhận được tin bão, áp thấp nhiệt đới, tùy thuộc vào vị trí của tàu, thuyền đang hoạt động, vị trí cường độ hướng di chuyển của bão, áp thấp nhiệt đới, ngư dân cần kịp thời cho tàu, thuyền vào bờ hoặc tránh xa vùng ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới.
Ngư dân và các thuyền viên cần điều khiển tàu, thuyền tránh xa vùng bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng đi tới. Nếu tàu, thuyền đang nằm ở phía bên phải hướng di chuyển của bão, áp thấp nhiệt đới phải cho tàu thuyền chạy ngược gió, gió thổi lệch mũi trước mạn phải, góc lệch lớn hay nhỏ tùy thuộc vào sức đẩy của tàu thuyền, tức là chạy về hướng Bắc - Đông Bắc. Nếu tàu, thuyền đang nằm ở phía bên trái hoặc ở ngay trên đường bão, áp thấp nhiệt đới đang di chuyển tới cho tàu, thuyền chạy xuôi gió, gió thổi vào đuôi tàu thuyền từ mạn phải, tức là chạy về hướng Nam - Tây Nam.
Bên cạnh đó, ngư dân và các thuyền viên cần chú ý khi điều khiển tàu, thuyền tránh bão, áp thấp nhiệt đới trên biển phải luôn luôn giữ cho tàu, thuyền cách tâm bão, áp thấp nhiệt đới một khoảng tối thiểu từ 350 đến 400 km (khoảng 200 hải lý).
Khi không thể tránh xa vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão, áp thấp nhiệt đới, người điều khiển phương tiện phải bình tĩnh, tập trung mọi khả năng đưa tàu, thuyền nhanh chóng thoát ra khỏi vùng bão, áp thấp nhiệt đới.