Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang: Trong ngày 28 và 29/9/2022 mực nước cao nhất tại thành phố Long Xuyên có khả năng xuất hiện, với mức từ 2,5-2,6m, tương đương hoặc trên báo động 3 từ 0,05-0,1m; tại huyện Chợ Mới (An Giang) ở mức trên báo động 2 từ 0,1-0,2m; tại sông Vàm Nao (An Giang) ở mức trên báo động 1 từ 0,1-0,2m.
Do mực nước lên cao, cảnh báo nguy cơ xảy ra ngập lụt, úng cục bộ một số vùng trũng thấp, vùng ven sông, kênh, rạch, khu vực có nền đất thấp, các khu vực không có hệ thống đê bao, cống bững xung yếu tại thành phố Long Xuyên và 2 huyện Chợ Mới, Phú Tân khi mực nước lên cao kết hợp mưa lớn cục bộ.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang: Thời gian ngập lụt, buổi sáng từ 7 giờ 20 phút đến 9 giờ 30 phút; buổi chiều tối từ 18 đến 20 giờ. Độ sâu ngập lụt từ 0,05-0,4m.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do ngập lụt trên sông Hậu tại thành phố Long Xuyên và trên rạch Ông Chưởng, huyện Chợ Mới, đều đạt cấp 2; cấp độ rủi ro thiên tai trên sông Vàm Nao tại Vàm Nao đạt cấp 1.
Trong những ngày qua, mực nước tại các trạm đầu nguồn sông Cửu Long và vùng hạ lưu sông Cửu Long đang lên, cường suất mực nước lên trung bình tại các trạm ở mức từ 0.05-0.15m/ngày. Mực nước cao nhất ngày 25/9 trên sông Hậu tại trạm Cần Thơ ở mức dưới báo động 1 là 0.01m, trên sông Tiền tại Mỹ Thuận ở mức trên báo động 2 là 0.04m; mực nước tại trạm Long Xuyên ở mức trên báo động 2 là 0.14m, tại Chợ Mới ở mức dưới báo động 2 là 0.06m, tại Vàm Nao ở mức trên báo động 1 là 0.01m.
Do ảnh hưởng của bão số 4, trong vài ngày tới trên địa bàn tỉnh An Giang có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to; có khả năng xảy ra dông, lốc và gió giật mạnh.
Để chủ động ứng phó với các tình huống mưa, dông, lốc do ảnh hưởng của cơn bão số 4, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân, tỉnh An Giang đã chỉ đạo các địa phương thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin, diễn biến của bão nhằm kịp thời cảnh báo, chủ động có biện pháp ứng phó hiệu quả, đảm bảo sản xuất và sinh hoạt của người dân. Khuyến cáo người dân chằng chống nhà cửa, chặt tỉa các cây cao có khả năng đổ ngã, nhất là những cây gần nhà và ven sông rạch.
Tỉnh An Giang cũng yêu cầu các địa phương tổ chức vận hành đóng, mở hệ thống cống hợp lý để bảo vệ sản xuất. Chủ động sẵn sàng các trạm bơm tiêu chống úng khi có mưa lớn kéo dài, hạn chế thấp nhất thiệt hại do ngập úng diện tích sản xuất nông nghiệp. Kiểm tra, rà soát sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, hồ đập, các khu vực xung yếu sạt lở bờ sông, các khu vực có nguy cơ sạt lở đất núi, các công trình đang thi công, chống ngập đô thị do ảnh hưởng của nước dâng, triều cường khi có mưa lớn xảy ra…