Nguyễn Hữu Lộc: Người thanh tra viên với tiêu chí “lấy dân làm gốc”

Thanh tra viên cao cấp Nguyễn Hữu Lộc (Trưởng phòng thanh tra 6, Thanh tra thành phố Hà Nội) là một trong những tấm gương tiêu biểu được thành phố đề nghị xét tặng danh hiệu Công dân thủ đô ưu tú năm 2015.

Đây là niềm vinh dự không chỉ của riêng thanh tra viên Nguyễn Hữu Lộc mà còn là niềm tự hào của ngành thanh tra thành phố nói chung.


Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất xã Yên Sơn (huyện Quốc Oai, Hà Nội), ngay từ nhỏ, cậu bé Nguyễn Hữu Lộc đã sớm bày tỏ niềm yêu thích và hăng say học tập, đặc biệt với các bộ môn khoa học như Toán, Lý. Tốt nghiệp THPT năm 1977, anh tiếp tục theo học trường Trung cấp Bản đồ. Sau khi tốt nghiệp, nhận thấy niềm đam mê học tập vẫn còn thôi thúc, anh đăng ký dự thi và đỗ vào trường Cao đẳng Sư Phạm khoa Toán Lý, quyết tâm trở thành một thày giáo dạy bộ môn mình yêu thích.


Thanh tra viên Nguyễn Hữu Lộc.

Sau một năm dạy học tại trường THPT Hữu Văn (huyện Chương Mỹ), năm 1982, thầy giáo trẻ Nguyễn Hữu Lộc xung phong đi bộ đội thay cho một đồng nghiệp có hoàn cảnh khó khăn. “Tôi vẫn nghĩ sau 2 năm đi bộ đội sẽ trở về tiếp tục nghề gõ đầu trẻ, không ngờ lại gắn bó lâu dài tận gần 20 năm như vậy” anh Lộc chia sẻ.


Trong thời gian đóng quân tại Thạch Thành, Thanh Hóa, nhận thấy anh là người có năng lực, chịu khó, Ban Chỉ huy đơn vị đã cân nhắc cho anh đi học quản lý tài chính – kinh tế của viện Đại học Mở Hà Nội và sau đó trở về làm cán bộ tài chính của trung đoàn Công binh K80, Cục Kỹ thuật, Bộ Tư lệnh Công binh.


Mặc dù có nhiều thành tích trong quá trình công tác trong quân ngũ, nhưng đến năm 1996, anh Lộc quyết định chuyển ngành để trở về chăm sóc cho gia đình. Có năng lực và đáng tin cậy, anh được giới thiệu về làm công tác thanh tra tại tỉnh Hà Tây. Qua 5 năm học việc cùng phấn đấu không ngừng nghỉ, năm 2002 anh được đề bạt lên chức Phó phòng thanh tra kinh tế, Thanh tra tỉnh Hà Tây. Sau đó 2 năm, anh chính thức nhậm chức trưởng phòng. Khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, sát nhập với khu vực Hà Tây năm 2008, ạnh chuyển về phòng thanh tra 6, thanh tra thành phố Hà Nội và gắn bó cho tới ngày nay.


Để trở thành một thanh tra cao cấp và đạt được nhiều thành tích đáng nể như ngày hôm nay, là thành quả của một quá trình học tập và phấn đấu không ngừng nghỉ. Sau khi học xong lớp kinh tế - tài chính, anh Lộc vẫn tiếp tục con đường học tập của mình. Cho đến nay anh đã có thêm tấm bằng Cử nhân Kinh tế Chính trị - Phân viện Báo chí Tuyên truyền – Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Thạc sĩ Kinh tế - Đại học Bách khoa Hà Nội.


Chia sẻ về con đường học tập của mình, anh Lộc cho biết những kiền thức anh được học đều giúp ích rất nhiều cho công việc của anh. Sáng đi làm, tối đi học nên anh có thể áp dụng ngay kiến thức vào thực tế cuộc sống. Với anh, ngoài kinh nghiệm thực tế, có một nền tảng kiến thức vững chắc là một yếu tố quan trọng, giúp cho anh định hướng tư tưởng, hiểu được những cơ chế chính sách của nhà nước, điều mà bất cứ người thanh tra nào cũng phải làm được.


Công tác tại Phòng thanh tra 6, một phòng nghiệp vụ chuyên môn có chức năng tham mưu và trực tiếp tiến hành các cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội, hành chính theo quy định của pháp luật và giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân theo địa bàn quản lý Nhà nước bao gồm 5 quận, huyện (Ba Đình, Thường Tín, Ba Vì, Đan Phượng, Chương Mỹ) và 11 đơn vị tổng công ty, doanh nghiệp. Trên cương vị trưởng phòng, anh Lộc đã đảm nhiệm chức vụ trưởng đoàn của 44 cuộc thanh tra kinh tế-xã hội, trên 400 cuộc thanh tra về giải quyết kiếu nại tố cáo. Qua thanh tra đã trực tiếp chỉ đạo, kiến nghị thu hồi và đưa vào quản lý về ngân sách nhà nước số tiền sai phạm trên 400 tỷ đồng, thực hiện đôn đốc thu hồi xử lý kinh tế sau thanh tra đạt 90%. Riêng năm 2014-2015, anh Lộc đã kiến nghị xử lý thu 146 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước, đảm bảo thu hồi đạt 100%.


Chia sẻ về những kỉ niệm trong quá trình làm công tác thanh tra, anh Lộc không thể quên những căng thẳng trong vụ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân thôn Quy Mông (xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội). Vào những năm 2005-2006, khi có chủ trương thu hồi đất của UBND tỉnh Hà Tây cũ để xây dựng Trung tâm Giáo dục lao động xã hội số 8 tại thôn Quy Mông, xã Phú Sơn. Do tranh chấp trong đền bù đất cho người dân, cùng việc người dân tố cáo sai phạm của cán bộ xã hồi đó đem đất rừng cho thuê sai quy định, dẫn tới việc người dân đã tổ chức đoàn khiếu kiện đông người vượt cấp lên thành phố Hà Nội và lên Thanh tra Chính phủ mà không qua xử lý tại địa phương. Nhận thấy tính chất nghiêm trọng của sự việc, anh Lộc đã dẫn đầu đoàn kiểm tra liên ngành về tận cơ sở để xác minh và làm rõ. Nhớ lại lúc ấy, anh Lộc vẫn còn hồi hộp: “Người ta rào hết làng lại nên không ai có thể tiếp cận được, lúc đầu vào tôi cũng run lắm. Nhưng nếu không vào làng, không nói chuyện với bà con sẽ không giải quyết được”. Nghĩ vậy, anh cùng với một cán bộ Sở Tài nguyên môi trường đã vào tận thôn để nói chuyện, cùng bà con đi từng quả đồi một để đo đạc, xác minh vị trí đất. Sau 3 tháng làm việc, đối thoại trực tiếp từ sáng đến tận tối, vận dụng triệt để những kiến thức về đất đai, cơ chế chính sách, anh Lộc đã tháo gỡ được những khúc mắc cho bà con, để người dân tự nguyện giao đất mà vẫn đảm bảo được những quyền lợi chính đáng của mình.


Anh Lộc cho rằng, điều quan trọng nhất đối với nghề thanh tra, ngoài những kiến thức cơ bản về nghiệp vụ cần có một tôn chỉ rõ ràng. Anh luôn quan niệm “lấy dân làm gốc”, luôn đặt mình vào vị trí của nhân dân để hiểu được tâm tư, nguyện vọng của họ. Tuy nhiên, với kinh nghiệm của mình, anh Lộc chia sẻ: “Điều này nói thì rất đơn giản nhưng vào thực tế lại vô cùng khó, nhất là với Hà Nội. Địa bàn rộng lớn, phong phú, có khu vực nông thôn và đô thị nên đặc điểm từng nơi khác nhau, dân trí khác nhau, không thể áp dụng một cách máy móc cơ chế, chính sách mà không có những tìm hiểu thực tiễn”. Bên cạnh đó, khi tiến hành thanh tra tại các doanh nghiệp, anh nhận thấy mình cũng cần phải nắm rõ tình hình kinh tế mỗi khu vực để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có hướng đầu tư đúng đắn, trong xử lý vi phạm cần nghiêm khắc nhưng cũng cần lắng nghe tiếng nói của họ, làm cầu nối cho doanh nghiệp và chính quyền, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển mới thúc đẩy được nền kinh tế.


Phần lớn các vụ việc khiếu nại, tố cáo do chính anh Lộc giải quyết lại đều đạt tỷ lệ cao về thu hồi tiền xử lý, nộp vào ngân sách nhà nước. Đặc biệt, nhiều người dân khi gặp anh, sau một hồi được anh giải đáp thắc mắc, họ đã tự nguyện rút đơn kiện, không tái khiếu kiện, tố cáo. Chia sẻ về bí quyết của mình, anh Lộc cho rằng: “Nếu làm từ tâm, đối xử chân thành, thì việc gì cũng hiệu quả”. Cử chỉ, nét mặt, động tác cũng là những yếu tố ảnh hưởng tới công việc. Luôn tươi cười, hỏi han, trò chuyện, tâm tình, chia sẻ… sự gần gũi, cởi mở của anh đã luôn tạo không khí vui vẻ, đồng cảm đối với những người đối diện, nhất là đối với những người đi khiếu kiện, đang có nhiều suy nghĩ bức xúc, trăn trở. Có lẽ nhờ những điều tưởng chừng rất nhỏ ấy lại giúp anh Lộc chiếm được cảm tình và sự tin yêu của nhiều người dân như ngày hôm nay.


Nhận xét về người thanh tra viên sinh năm 1960 này, thanh tra viên Nguyễn Hữu Quân (đồng nghiệp của anh Lộc, đang công tác tại phòng 4, Thanh tra thành phố Hà Nội) cho biết: “Trong cơ quan, không ai là không quý, không nể trọng anh Lộc vì những tâm huyết anh đã dành cho nghề”. Tuy làm việc khác phòng, không trực tiếp có nhiều cơ hội làm việc cùng anh Lộc, nhưng với anh Quân, anh Lộc như một người anh cả, luôn chỉ bảo, giúp đỡ và đối xử với mọi người trong cơ quan rất tận tình, chân thành. Cuốn cẩm nang nghiệp vụ do anh Lộc tham gia viết lưu hành nội bộ cũng là cẩm nang anh Quân luôn mang theo bên người để tranh thủ học tập.


Là chiến sĩ thi đua các cấp trong nhiều năm, một đảng viên gương mẫu, một thanh tra viên uy tín, anh Lộc còn là một người chồng, người cha, người ông gương mẫu của gia đình. Với anh, đây là phần thưởng lớn nhất anh có được trong cuộc đời mình. Con trai và con gái của anh Lộc đều đã trưởng thành, có việc làm ổn định và có gia đình riêng. Để có được điều ấy, là nhờ công sức của người vợ luôn đồng hành, là hậu phương vững chắc cho anh trong mọi khó khăn, vui buồn. Gia đình chính là nơi giúp anh có niềm vui, động lực trong công việc và cuộc sống.


Không chỉ là một trong 10 trường hợp được đề nghị xét tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2015, anh Nguyễn Hữu Lộc còn được UBND thành phố Hà Nội đề xuất lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động Hạng Ba. Khiêm tốn nhận mình chỉ mới đóng góp một phần rất nhỏ cho dân, cho thành phố, cho đất nước, dù được nhận danh hiệu hay không, thanh tra viên Nguyễn Hữu Lộc vẫn sẽ sống, làm việc như mọi công dân Thủ đô khác ngày đêm âm thầm lặng lẽ cống hiến hết mình cho Thủ đô, cho đất nước.

Kim Anh - Cẩm Anh
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN