Chỗ dựa vững chắc cho hội viên nghèo
Phát huy vai trò là chỗ dựa vững chắc của hội viên phụ nữ, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ trong tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng nhiều mô hình, hoạt động có ý nghĩa, phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương. Điển hình như vận động nguồn lực xây dựng mái ấm tình thương, nuôi heo đất tiết kiệm, xây dựng hũ gạo tình thương, hùn vốn mua bảo hiểm y tế… Các chương trình tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ và nhận được sự hưởng ứng tích cực của hội viên, cán bộ hội các cấp.
Từ năm 2015 đến nay, các cấp Hội đã vận động giúp trên 86.000 lượt hội viên, phụ nữ nghèo với số tiền trên 24 tỷ đồng; vận động sửa chữa, xây dựng mới 491 mái ấm tình thương cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở với số tiền trên 15,7 tỷ đồng. Riêng năm 2020, hưởng ứng đợt thi đua cao điểm thực hiện "90 hành động thiết thực vì phụ nữ và trẻ em", các cấp Hội đã vận động hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 99 mái ấm tình thương, tổng số tiền gần 3 tỷ đồng; thăm và tặng gần 24.000 phần quà cho hội viên, phụ nữ nghèo, gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam anh hùng... với tổng số tiền trên 6,2 tỷ đồng.
Là hộ gia đình được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Vĩnh Long hỗ trợ mái ấm tình thương, chị Đào Thị Chiên ở xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ phấn khởi cho biết, căn nhà lá của hai mẹ con đã xiêu vẹo từ nhiều năm nay nhưng do gia đình neo đơn, thu nhập chủ yếu từ tiền lương công nhân của chị nên không có điều kiện để sửa chữa. Được hỗ trợ căn nhà kiên cố mẹ con chị rất mừng, chị cố gắng phấn đấu làm ăn có thêm thu nhập để thoát nghèo, chăm lo cho tương lai của con.
Đến khảo sát ngôi nhà bà Nguyễn Thị Ba, tại xã Lục Sỹ Thành, huyện Trà Ôn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Vĩnh Long Lê Thị Thúy Kiều cùng các hội viên không khỏi bùi ngùi trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình. Năm nay đã 93 tuổi nhưng bà Ba và người con gái hơn 60 tuổi vẫn phải đùm bọc nhau trong căn nhà lá nhỏ. Mỗi lần mưa xuống thì lại lo tìm nơi tránh cho khỏi ướt. Hay tin được hỗ trợ tiền xây dựng căn nhà mới, bà Ba mừng rơi nước mắt nói: "Từng tuổi này tui chưa dám mơ tới cái nhà tường. Giờ sắp được vô nhà mới tui mừng lắm. Trông cho làm nhà xong để vào ở".
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Vĩnh Long Lê Thị Thúy Kiều chia sẻ: "Nhằm thực hiện hiệu quả phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau", hàng năm các cấp Hội tổ chức rà soát nắm chắc số liệu hộ có phụ nữ nghèo, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ để tích cực hỗ trợ. Trong đó hỗ trợ mái ấm tình thương là một trong những hoạt động được các cấp hội tập trung thực hiện. Thông qua các nguồn vận động, các cấp hội kịp thời hỗ trợ để chị em có căn nhà kiên cố hơn, giúp các chị đỡ phần vất vả, yên tâm lao động sản xuất, chăm lo cho gia đình" .
Bên cạnh công tác hỗ trợ về đời sống vật chất cho hội viên, các cấp Hội cũng quan tâm hỗ trợ kịp thời về tinh thần. Thông qua các cuộc họp tháng, họp quý, hội nắm bắt tâm tư và tháo gỡ kịp thời vướng mắc cho hội viên, phụ nữ. Chị Trần Thị Kim Cương, thị trấn Tân Quới, huyện Bình Tân cho biết, nỗi đau mất mát đứa con trai do đuối nước khiến chị muốn buông xuôi mọi việc. Nhờ có hội phụ nữ xã đồng hành, thường xuyên lui tới an ủi, chị có động lực cố gắng vươn lên để chăm lo cho đứa con còn lại. Cán bộ hội cũng hỗ trợ, hướng dẫn chị tìm hướng phát triển sinh kế, quan tâm chăm lo việc học hành cho đứa con nhỏ.
Tiếp sức hội viên phụ nữ phát triển kinh tế
Xác định yếu tố có việc làm, có thêm thu nhập để ổn định cuộc sống là điều kiện quan trọng để hội viên, phụ nữ tham gia các phong trào, hoạt động hội, vì vậy các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Vĩnh Long tích cực triển khai các mô hình để giúp nhau phát triển kinh tế, tranh thủ nguồn vốn vay tạo điều kiện cho hội viên buôn bán, sản xuất. Việc khai thác, quản lý và hướng dẫn sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tín dụng được các cấp hội quan tâm, từ đó phát huy nội lực và huy động được nhiều nguồn lực giúp nhau vượt khó thoát nghèo. Tính đến cuối năm 2019, tổng dư nợ từ các nguồn vốn do các cấp hội quản lý trên 1.407 tỷ đồng, giúp cho 178.000 chị vay để phát triển sản xuất kinh doanh. Trong năm 2019, đã có 370 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều, vượt hơn 200% so với chỉ tiêu đề ra.
Xã Tân Long Hội, huyện Mang Thít có 20 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp vừa và nhỏ với tổng số lao động làm việc 1.452 người. Trong đó có nhiều tổ đan lát được hình thành nhằm hỗ trợ cho hội viên, phụ nữ có việc làm, tăng thêm thu nhập lúc nông nhàn. Chị Phạm Thị Kim Loan, tổ trưởng Tổ đan lát ấp Tân Phong 1, xã Tân Long Hội chia sẻ: "Đa phần chị em làm ruộng là công việc chính, nghề đan lát giúp chị em kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Tranh thủ thời gian nông nhàn, các chị có thể kiếm thêm được trung bình 2 triệu đồng".
Tại xã Tân Lược, huyện Bình Tân, mô hình sinh kế từ nghề may do hội phụ nữ hỗ trợ vốn cũng đã giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình. Với nguồn vốn hỗ trợ ban đầu hơn 60 triệu đồng, tổ may sinh kế Tân Lộc, xã Tân Lược, huyện Bình Tân đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều hội viên. Chị Nguyễn Thị Thu Thủy, xã Tân Lược, huyện Bình Tân cho biết, trước đây thu nhập gia đình chủ yếu từ tiền lương của chồng chị, khi biết được tổ may thì chị đến học nghề và làm việc. Hiện nay, mỗi tháng thu nhập hơn 1 triệu đồng, cũng giúp được phần nào trang trải tiền học hành của con.
Tại huyện Trà Ôn, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tổ chức linh hoạt nhiều hình thức, tạo động lực thi đua sôi nổi trong phong trào "Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế" như: Thành lập các tổ góp vốn xoay vòng, tổ tiết kiệm, vay vốn chăn nuôi, cho mượn vốn mua bán nhỏ... Những đồng vốn tuy không nhiều nhưng hỗ trợ kịp thời và phù hợp với nhu cầu của hội viên nên đã phát huy hiệu quả, giúp chị em có vốn buôn bán, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.
Chị Huỳnh Thanh Tâm, xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn cho biết: "Hồi trước chị buôn bán chật vật vì không có vốn, muốn vay cũng không có chỗ vay. Nhờ các chị phụ nữ hỗ trợ được 2 triệu đồng, tôi mua thêm đồ chơi bán lặt vặt cả ngày. Tuy là số vốn không nhiều nhưng nhờ đó mà từ từ tôi nhân rộng ra. Tôi cũng mong buôn bán thuận lợi để nhanh hoàn vốn lại cho các thành viên khác, giúp chị em sử dụng có hiệu quả".
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Vĩnh Long Lê Thị Thúy Kiều cho biết, tiếp tục đồng hành với hội viên, phụ nữ vượt khó, sắp tới Hội sẽ đẩy mạnh tổ chức phát động nhiều phong trào hướng mạnh về cơ sở, tăng cường các hoạt động chăm lo đời sống vật chất và tinh thần hội viên phụ nữ. Hội tăng cường kết nối, vận động các nguồn lực để chăm lo tốt hơn cho hội viên, phụ nữ nhất là phụ nữ nông thôn, phụ nữ nghèo; đa dạng hóa phong trào hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp, khai thác có hiệu quả nguồn vốn vay ủy thác và phối hợp tập huấn kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật, vận động phụ nữ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để có việc làm và thu nhập ổn định, giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, các cấp Hội tiếp tục xem công tác chăm lo cho hội viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Đặc biệt, hội sẽ tăng cường nắm bắt tình hình đời sống, tư tưởng hội viên, phát hiện những vấn đề bức xúc, những khó khăn để giải quyết kịp thời, phù hợp với từng trường hợp giúp hội viên phụ nữ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và tích cực tham gia các phong trào hoạt động của hội.