Đi lại vất vảTắc đường trên các trục đường chính ở Thủ đô đã trở thành câu chuyện thường ngày, gây bức xúc cho người dân. Đặc biệt, điểm đen ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm sẽ tăng từ 23 điểm lên tới 60 - 70 điểm. Điển hình nhất là tuyến đường Nguyễn Trãi - Hà Đông. Chị Nguyễn Bích Huệ, nhà ở phường Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân, Hà Nội) hàng ngày phải đi làm tại khu vực Hàng Trống, với đoạn đường 7 km nhưng phải đi hơn tiếng đồng hồ mới đến cơ quan. “Lòng đường bị các đơn vị thi công rào chắn. Đường đang rộng thênh thang bị thu hẹp có vài mét. Xe thì đông, nên có hôm đi mất hơn 1,5 tiếng đồng hồ, đúng là cực hình. Cuộc sống đảo lộn vì tắc đường, để không bị đi làm muộn tôi phải đi làm từ 6 giờ 30. Con cái phải nhờ bà đưa đi học”, chị Huệ bức xúc cho biết.
Tình trạng tắc đường ở tuyến đường Nguyễn Trãi - Hà Đông. |
Còn tuyến đường Xuân Thủy - Cầu Giấy cũng trong tình trạng tương tự. Việc rào chắn đường xây dựng đường sắt Nhổn - ga Hà Nội và phân luồng giao thông khiến các tuyến đường xung quanh cũng rơi vào ùn tắc, nhất là khu vực Bưởi, Hoàng Quốc Việt, Lạc Long Quân. Anh Lê Anh Tuấn giờ đây phải đưa con đi học sớm hơn trước khoảng 15-20 phút để trừ hao tắc đường trên tuyến Lạc Long Quân - Hoàng Quốc Việt. “Tuyến đường này đang được nhiều chủ phương tiện lưu thông theo hướng từ sân bay Nội Bài và phía Bắc vào thành phố, tránh tuyến Xuân Thủy - Cầu Giấy thi công, trong khi đó nút giao thông Bưởi - Hoàng Quốc Việt nối với đường Võ Chí Công vẫn đang thi công, khiến tuyến đường này thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm”, anh Lê Anh Tuấn cho biết.
Ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội thừa nhận tình trạng ùn tắc giao thông gia tăng tại các công trình trọng điểm, đặc biệt 2 tuyến đường đang xây dựng tuyến đường sắt trên cao: Nguyễn Trãi- Hà Đông; Xuân Thủy - Cầu Giấy. “Tôi cũng phải đi làm từ 6 giờ sáng để tránh tắc đường, ông Tân cho biết.
Thường xuyên kiểm traTheo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, tại các quận nội thành Hà Nội hiện nay có hơn 120 điểm thi công dự án giao thông. Việc rào chắn những điểm thi công này để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, an toàn lao động nhưng đang làm tình hình giao thông trên địa bàn Thủ đô phúc tạp hơn. Đặc biệt, những “lô cốt” được dựng lên tại nhiều tuyến đường hướng tâm vào thành phố như tuyến Nguyễn Trãi - Hà Đông, Lê Văn Lương và đường Xuân Thủy - Cầu Giấy. Việc này khiến nhiều tuyến đường xung quanh ùn tắc theo kiểu đômino.
“Qua kiểm tra, khảo sát, chúng tôi nhận thấy có 21 công trường thường gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Chúng tôi đã cảnh báo 21 đơn vị thi công phải có biện pháp đảm bảo thi công không gây ùn tắc giao thông như không thi công giờ cao điểm, nếu chưa thi công hạng mục kế tiếp thì phải thu gọn rào chắn. Đây là những công trình trọng điểm, cần đẩy nhanh tiến độ. Do đó, chúng tôi chỉ kiểm tra, kiểm soát yêu cầu họ thi công nhanh để đảm bảo tiến độ và trả lại diện tích mặt đường cho người tham gia giao thông. Đến thời điểm hiện tại chưa thu hồi giấy phép của đơn vị nào”, ông Tân cho biết.
Riêng tuyến đường Nguyễn Trãi - Hà Đông, trước đây rộng 22 m mà vẫn tắc đường, nay bị thu hẹp xuống chỉ còn 6m, thì việc ùn tắc là đương nhiên. Giải pháp mà cơ quan chức năng đang thực hiện là trải thảm nhựa lại mặt đường gần nút giao Thanh Xuân - Khuất Duy Tiến, thu hẹp các rào chắn. Theo ghi nhận, tình trạng ùn tắc đã giảm đáng kể. Bên cạnh đó là giải pháp phân luồng từ xa sang các tuyến khác cũng đã góp phần giảm tải việc ùn tắc. “Tuy nhiên, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, giám sát, chúng tôi cũng mong người dân chia sẻ với các dự án đang thi công, nhất là với hai tuyến đường sắt trên cao”, ông Tân cho biết.
Ông Lưu Quang Huy, Phó Chánh văn phòng UBND thành phố Hà Nội cho biết: “Trước bức xúc của người dân, lãnh đạo thành phố thường xuyên họp chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập tổ chức giao thông hợp lý, giảm ùn tắc giờ cao điểm. Đồng thời xử lý nghiêm các đơn vị nhà thầu, chủ đầu tư vi phạm việc đảm bảo an toàn giao thông; đình chỉ đơn vị thi công không thực hiện đúng phương án được duyệt”.