Đây là tuyến sông đang có hàng chục điểm sạt lở, có nguy cơ sạt lở cao đe dọa đến đời sống người dân.
Đoàn đã khảo sát từ vàm rạch Ba Rích đến rạch Ca My bên phía bờ trái sông Ô Môn (hướng từ cầu Ô Môn ra sông Hậu) với chiều dài khoảng 3 km. Hiện toàn tuyến giao thông khu vực này có nhiều đoạn bị sạt lở, đường giao thông bị sụp lún và sạt ra sông Ô Môn, đe dọa sinh hoạt, giao thông tại địa phương. Đặc biệt, khu vực này còn có một số nhà sàn của người dân cặp mé sông rất nguy hiểm, khả năng bị sạt lở bất cứ lúc nào.
Theo chính quyền địa phương, đoạn đường này bắt đầu xuất hiện hiện tượng sạt lở từ đầu tháng 4 vừa qua, gây ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 100 hộ dân cũng như việc đi lại, giao thương của làng nghề sản xuất bánh kẹo Ba Rích.
Ông Lê Việt Sĩ, Chủ tịch UBND quận Ô Môn cho biết, hiện trên toàn quận có 40 điểm sạt lở, trong đó nghiêm trọng nhất là trên tuyến sông Ô Môn với chiều dài các điểm bị sạt hơn 4 km. Hiện UBND quận đang phối hợp với thành phố để tiến hành khảo sát, tìm phương án khắc phục. Đồng thời, địa phương cũng vận động người dân di dời đồ đạc, những vật dụng cần thiết để tránh thiệt hại về tài sản, tính mạng nếu sạt lở xảy ra. Bên cạnh đó, quận cũng thường xuyên kiểm tra, cảnh báo, tuyên truyền cho người dân tuyệt đối không chủ quan hay có những hành động có thể khiến trình trạng sạt lở trầm trọng hơn.
Sau khi khảo sát thực tế, ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, cho biết tình hình sạt lở rất nguy hiểm và cần có giải pháp khẩn cấp để hạn chế sạt lở, ảnh hưởng đến sinh hoạt, tính mạng người dân.
Trước mắt, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ yêu cầu ngành chức năng quận Ô Môn phối hợp UBND phường Thới An tuyên truyền, vận động người dân giảm tải khu vực bờ sông, đốn hạ cây xanh; tổ chức di dời người dân, nhà cửa đến nơi ở an toàn, tránh xa khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở; phối hợp Chi cục Thủy lợi thành phố Cần Thơ cắm biển cảnh báo sạt lở, nhà hạn chế người dân phương tiện giao thông đi lại trên đường, ghe thuyền neo đậu tại khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở.
Bên cạnh đó, ông Dũng cũng đề nghị Chi cục Thủy lợi thành phố phối hợp cùng UBND quận Ô Môn khẩn trương khảo sát thực tế toàn tuyến bờ trái sông Ô Môn để ghi nhận tình hình sạt lở và tham mưu UBND thành phố giải pháp khắc phục sạt lở bờ trái sông Ô Môn mang tính lâu dài, kiên cố…
Báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn Cần Thơ xuất hiện 29 điểm sạt lở làm sạt hoản toàn 11 căn nhà, 65 căn nhà bị ảnh hưởng với tổng chiều dài 1.440 m, ước tính thiệt hại tài sản trên 16,5 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quí Ninh, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ cho biết, Ban đã yêu cầu các địa phương cần chủ động phòng ngừa khi sạt lở đang có diễn biến ngày càng phức tạp. Cụ thể, các quận, huyện cần chủ động nắm chắc tình hình, thường xuyên tổ chức các đoàn đi thực địa, khảo sát, nắm chắc tình hình, nơi nào có nguy cơ thì phải nhanh chóng thông tin, tổ chức di dời để đảm bảo an toàn. Đây là việc là quan trọng nhất. Đặc biệt, khuyến cáo người dân không chất tải, gia tải, khai thác cát không theo quy hoạch…những hành động có thể khiến sạt lở ngày càng tăng.
Đối với các điểm sạt lở trên tuyến sông Ô Môn, ông Ninh cho biết sẽ phối hợp ngay với UBND quận Ô Môn để cắm các biển cảnh báo để người dân biết và chủ động phòng ngừa.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu Đồng bằng sông Cửu Long nhận định, tình trạng sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay đang có khuynh hướng gia tăng, không chỉ riêng tại Cần Thơ mà các tỉnh khác cũng ghi nhận điều này. Mức độ gia tăng sạt lở xảy ra trong thời điểm giao mùa từ mùa khô sang mùa mưa.
Về nguyên nhân gây sạt lở, theo ông Tuấn, bên cạnh việc khai thác cát quá mức, sự thay đổi dòng chảy của các con sông thì còn một nguyên nhân khác. Đó là thời điểm cuối năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, Đồng bằng sông Cửu Long xảy ra đợt hạn hán nghiêm trọng chưa từng có, làm mực nước trên các con sông xuống rất thấp. Điều này làm cho đất bị co lại, cộng thêm sự tác động từ phía các công trình ở thượng nguồn làm cho tình trạng sạt lở gia tăng ngay khi mùa mưa đến.