Nhiều hộ dân đã giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng từ việc vay vốn nuôi bò vỗ béo. Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN |
Những năm qua Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách giúp đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Kiên Giang nói riêng có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Qua đó, nhiều hộ đã nâng cao nhận thức tự lực thoát nghèo, không còn trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhiều hộ dân xã vùng sâu Định An, huyện Gò Quao đã xin… thoát nghèo.
Vợ chồng ông Danh Út và bà Thị Tám từng là hộ cận nghèo ở ấp An Thuận, xã Định An nhưng với tinh thần vượt khó ông bà đã vươn lên và đăng ký ra khỏi danh sách hộ nghèo.
Bà Thị Tám cho biết, gia đình có 2.000m2 đất ruộng nhưng canh tác không hiệu quả, thêm vào đó là mẹ già bị bệnh nên vợ chồng bà phải bán đất để lo tiền chữa bệnh cho mẹ. Không còn đất sản xuất, gia đình chỉ trông vào phần đất thổ cư còn lại chưa đến 500m2 để trồng rau màu, tranh thủ bắt cá để kiếm thu nhập. Tuy cuộc sống nhiều khó khăn nhưng vợ chồng bà luôn lạc quan, siêng năng lao động.
Lục bình, loại cây giúp người dân Kiên Giang thoát nghèo, được sử dụng làm nguyên liệu đan giỏ xách. Ảnh: Lê Sen/TTXVN |
Năm 2012, gia đình bà được chọn tham gia dự án hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản. Trong quá trình thực hiện dự án, gia đình bà Tám đã gây giống một bò cái và một bê con. Nhận thấy gia đình đã đỡ vất vả, năm 2015, gia đình bà Thị Tám tự nguyện đăng ký với chính quyền địa phương ra khỏi danh sách hộ nghèo.
Ấp An Thuận, xã Định An, huyện Gò Quao có 426 hộ, trong đó đồng bào dân tộc Khmer chiếm trên 70%. Năm 2015, qua bình xét có 8 hộ thoát nghèo, trong đó có 4 hộ tự nguyện xin…thoát nghèo. Gia đình ông Danh Út ít ruộng đất nên phải làm thuê mướn kiếm sống. Từ khi được lãnh đạo ấp đến vận động trồng hoa màu, chăn nuôi, gia đình có thu nhập và tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Ông Danh Út cho rằng còn đôi tay, sức khỏe thì phải cố gắng lao động. Nếu còn suy nghĩ là hộ nghèo để được hưởng hỗ trợ của nhà nước thì đến mấy đời sau con cháu vẫn nghèo.
Ông Phan Quốc Thông, Trưởng ấp An Thuận, xã Định An cho biết, qua công tác tuyên truyền và tìm hiểu từng hộ dân, năm 2015 có một số hộ đăng ký xin thoát nghèo. Đa số các hộ này hơn một năm đều ổn định cuộc sống, không tái nghèo.