Nhiều hoạt động thiết thực chung tay đẩy lùi dịch bệnh

Ngày 20/8, Đoàn cán bộ, sinh viên tình nguyện gồm 30 người của Trường Đại học Y Dược - Đại học Thái Nguyên đã lên đường chi viện cho tỉnh Đồng Nai phòng, chống dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Đến nay đã có gần 1.000 cán bộ, bác sĩ, sinh viên Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên chi viện cho các tỉnh chống dịch COVID-19. Ảnh: Trần Trang/TTXVN

Để sẵn sàng cho chuyến đi này, 30 cán bộ, sinh viên của nhà trường đã có sự chuẩn bị tốt nhất về tinh thần, sức khỏe và kỹ năng chuyên môn. Các thành viên đã được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho kết quả âm tính và được tiêm hai mũi vaccine phòng COVID-19.

Từ khi dịch COVID-19 xâm nhập vào nước ta, gần 1.000 cán bộ, sinh viên của Trường Đại học Y dược – Đại học Thái Nguyên đã tình nguyện lên đường vào tâm dịch, trong đó có nhiều điểm nóng như: Bắc Ninh, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu… Nhiều cán bộ, sinh viên của nhà trường luôn trong tư thế sẵn sàng lên đường chi viện cho các điểm nóng bất cứ khi nào cần.

* Tỉnh Thái Nguyên sẽ thực hiện hỗ trợ người dân địa phương đang gặp khó khăn do dịch COVID-19 tại các tỉnh, thành phố phía Nam với mức hỗ trợ một lần là 2 triệu đồng/người từ nguồn kinh phí Quỹ cứu trợ tỉnh do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quản lý.

Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tổ chức thực hiện theo đúng trình tự, quy trình, thủ tục, thẩm quyền, bảo đảm công khai, minh bạch, thiết thực, hiệu quả, đúng mục đích, đúng đối tượng, tuân thủ đầy đủ, chặt chẽ quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, không để trục lợi chính sách trong quá trình triển khai.

Tỉnh Thái Nguyên còn hỗ trợ người làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, từ ngày 22/8, người làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh sẽ được hưởng chế độ bồi dưỡng với mức 150.000 đồng/người/ngày. Mức hỗ trợ này áp dụng cho người không thuộc đối tượng được hưởng chế độ phụ cấp chống dịch theo quy định tại Điều 2 của Nghị quyết số 16/NQ-CP của Chính phủ về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19. Số tiền bồi dưỡng được tính bằng số ngày làm việc thực tế tại chốt kiểm soát do cơ quan có thẩm quyền quyết định. Kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước theo phân cấp hiện hành và các nguồn huy động hợp pháp khác.

 * Trong hai ngày 19 và 20/8, Đồn Biên phòng Vĩnh Hải, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân nghèo bị ảnh hưởng dịch COVID-19 trên địa bàn đơn vị quản lý.

Chú thích ảnh
Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng tiếp nhận hàng của các nhà tài trợ. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN

Theo đó, Đồn Biên phòng Vĩnh Hải vận động các nhà hảo tâm và tổ chức trao tặng 2,2 tấn gạo, 200 kg thịt, 2.000 quả trứng vịt, 1.000 hộp sữa, 200 hộp cá chế biến sẵn, 150 kg rau xanh, 230 đòn bánh tét... và một số nhu yếu phẩm khác như đường, bột ngọt, dầu ăn, mì gói hỗ trợ nhân dân xã Vĩnh Hải.

Xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Thời gian qua, Đồn Biên phòng Vĩnh Hải đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch COVID-19 và xuất nhập cảnh trái phép”.

Theo Trung tá Lê Duy Đệ, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Vĩnh Hải, ngoài vận động hỗ trợ tặng quà cho dân nghèo, đơn vị còn tăng cường các biện pháp tuyên truyền, đặc biệt là phát huy hiệu quả mô hình “Tiếng loa Biên phòng” cơ động vào từng khóm, ấp để tuyên truyền cho nhân dân những thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh và các quy định của các cấp trong phòng, chống dịch bệnh. Trong công tác an sinh xã hội, Đồn Biên phòng Vĩnh Hải đã vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ hơn 27 tấn gạo, hơn 1.000 thùng mỳ, 22.500 chiếc khẩu trang… và nhu yếu phẩm thiết yếu để trao tặng cho người dân bị ảnh hưởng dịch COVID-19, giúp bà con trên địa bàn ổn định cuộc sống sớm vượt qua đại dịch.

* Ông Trần Quốc Khánh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, tỉnh đã khẩn trương lập danh sách, rà soát và xét duyệt các đối tượng là người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 để kịp thời chi tiền hỗ trợ. Căn cứ vào danh sách được tỉnh phê duyệt và kinh phí chuyển về, đến 20/8, phần lớn các khoản hỗ trợ đều được chuyển đến các đối tượng.

Chú thích ảnh
Điểm tiêm vaccine tại Trường THCS Huỳnh Khương Ninh, phường Thắng Tam, Tp.Vũng Tàu ngày 15/8. Ảnh: Đoàn Mạnh Dương/TTXVN

Đối với đối tượng là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm, UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ cho hơn 79.600 người với số tiền hơn 102 tỉ đồng. Các địa phương đã tổ chức chi 93,5 tỉ đồng, đạt hơn 91%; trong đó có huyện Xuyên Mộc, Long Điền và Côn Đảo đạt 100%. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã trả gần 3.600 hồ sơ để các địa phương thẩm định, bổ sung trình lại tỉnh xem xét, hỗ trợ nếu đủ cơ sở.

Đối với đối tượng là người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em phải cách ly, Sở đã rà soát, lập danh sách và UBND tỉnh đã phê duyệt cho 3.435 người/hộ với số tiền gần 5,2 tỉ đồng. Các địa phương hầu như đã chi xong số tiền cho các đối tượng theo danh sách. Đối tượng là bán vé số có 3.822 người, tỉnh đã chi trả xong số tiền hơn 2,7 tỉ đồng cho 3.617 người. Số còn lại đã về quê nên chưa chi trả được.

Đối với các đối tượng theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã phê duyệt tổng cộng 1.865 người với số tiền hơn 5,2 tỉ đồng. Đến nay, các địa phương, đơn vị đã chi trả đạt từ 82% trở lên; trong đó Sở Văn hóa -Thể thao, Sở Du lịch, Trung tâm Dịch vụ việc làm và huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Long Điền đã chi trả xong.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg có chính sách cho người lao động ngừng việc đến nay tỉnh vẫn chưa thể thực hiện được dù đối tượng này khá đông vì điều kiện người được hưởng chính sách phải là người trong khu cách ly y tế hoặc khu phong tỏa. Những người này ngừng việc do công ty, doanh nghiệp của họ không sắp xếp được phương án sản xuất “3 tại chỗ”. Hiện Sở đã báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về vướng mắc trên để kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị quyết theo hướng giảm điều kiện được hỗ trợ.

PV TTXVN tại các địa phương
Đồng bào các tôn giáo chung tay cùng cả nước chống dịch COVID-19
Đồng bào các tôn giáo chung tay cùng cả nước chống dịch COVID-19

Hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng các tôn giáo ở Việt Nam đã tích cực tham gia phòng, chống dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN