Kết quả cho thấy, cả 5 công trình được kiểm định đều đã xuống cấp, nứt nẻ, thấm dột, không còn bền vững, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng; việc cải tạo, nâng cấp không mang lại hiệu quả kinh tế, phải tháo dỡ để bảo đảm an toàn. Trong đó, có 4 khu tập thể được xây dựng từ trước năm 1975 đều nằm ở mức cấp độ nguy hiểm cấp D - cấp độ nguy hiểm cao nhất; khả năng chịu lực của kết cấu không thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường, xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể, khiến chủ nhân ở những căn nhà này đang phải sống trong âu lo.
Khu chung cư số 8 Trần Bình Trọng, phường Lê Lợi, thành phố Quy Nhơn với quy mô gồm 3 dãy nhà A1, A2 và A3 cao 4 tầng, trên tổng diện tích hơn 6.700m2. Khu chung cư này có niên hạn sử dụng dưới 50 năm, được đưa vào sử dụng vào năm 1986, là nơi ở của 96 hộ dân. Sau nhiều năm đưa vào sử dụng nhưng không được sửa chữa, bảo trì nên hiện các dãy nhà đã xuống cấp nặng, tường, trần nhà bong tróc lớp vữa với nhiều mảng lớn; cột bê tông cốt thép lòi sắt rỉ sét, nhà ẩm thấp, mất vệ sinh chung. Ở đây, hệ thống điện nước cũ đã hư hỏng được người sử dụng sửa chữa, đan chéo dày đặc, có nguy cơ cháy nổ cao, mất an toàn khi lên xuống cầu thang. Khu chung cư này hiện nằm ở mức độ nguy hiểm cấp C, khả năng chịu lực của kết cấu không thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường, xuất hiện tình trạng nguy hiểm cục bộ.
Các trần nhà khu chung cư đã bị thấm dột, các mảng vữa đã bị bong tróc, lòi sắt rỉ sét. Người dân ở đây lo sợ nhà có thể bị sập bất cứ lúc nào, giờ chỉ mong nhà nước sớm có cách giải quyết để người dân sinh sống được an toàn. Ông Liễu Anh Tuấn, Phó khu phố 9, Khu chung cư số 8 Trần Bình Trọng, phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn chia sẻ.
Gần 100 hộ dân ở khu chung cư Trần Bình Trọng đều mong muốn các cơ quan chức năng sớm giải tỏa khu chung cư cũ và người dân được tái định cư tại chỗ.
Tương tự, khu tập thể số 42-44 đường Tăng Bạt Hổ được xây dựng từ trước năm 1975, đã quan hơn 40 năm sử dụng nên xuống cấp nghiêm trọng. Các căn hộ có diện tích nhỏ, không đảm bảo điều kiện sinh sống và làm mất mỹ quan đô thị, không còn khả năng cải tạo, phải phá bỏ để bảo đảm an toàn.
Theo Sở Xây dựng Bình Định, các khu tập thể số 197 Tăng Bạt Hổ; khu tập thể số 67 Lê Hồng Phong và khu tập thể số 667 Trần Hưng Ðạo cũng đang ở cấp độ nguy hiểm cao nhất; khả năng chịu lực của kết cấu không thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường, xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể, không còn khả năng cải tạo, phải phá bỏ để bảo đảm an toàn.
Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, ông Nguyễn Đề, Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản Sở Xây dựng Bình Định cho biết, Sở đã đề xuất UBND tỉnh Bình Định cho xây dựng mới khu chung cư tại số 8 Trần Bình Trọng để tái định cư cho các hộ, đồng thời kêu gọi đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao (gọi tắt là hợp đồng BT).
Theo đó, chủ đầu tư bỏ vốn xây dựng và chuyển giao lại quỹ nhà cho tỉnh để thực hiện quản lý, khai thác theo hình thức bán hoặc cho thuê; phần diện tích còn lại cho chủ đầu tư xây dựng khu chung cư thương mại để thu hồi vốn. Với các khu tập thể nằm xen kẽ trong nhà phố đã xuống cấp, không đủ điều kiện để xây khu chung cư mới bởi quỹ đất không đủ, Sở Xây dựng đã đề xuất theo hướng nhà nước thu hồi các chung cư để bố trí sử dụng và đưa ra phương án tái định cư cho các hộ dân theo hướng hộ nào có đủ điều kiện (trước đây được hóa giá) sẽ được bố trí tái định cư tại các khu chung cư khác trên địa bàn thành phố Quy Nhơn. Các hộ không đủ điều kiện (không được hóa giá hoặc sang nhượng bất hợp pháp) thì cho thuê, giống như các hộ không có nhà ở trong các khu nhà ở xã hội.