Việc lạm dụng, trục lợi diễn ra cả từ phía người lao động, người thụ hưởng và người sử dụng lao động, với chiều hướng ngày càng gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp.
Khách hàng giao dịch tại phòng Một cửa BHXH huyện Văn Lâm (Hưng Yên). Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Nợ đọng gia tăng Hiện nay, tình trạng nợ đọng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp có giảm nhưng vẫn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, nhiều địa phương tỷ lệ nợ còn cao. Theo số liệu thống kê, năm 2012 tổng số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là 8.002 tỷ đồng, chiếm 5,45% số phải thu. Năm 2013, tổng số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tăng lên là 9.570 tỷ đồng, chiếm 5,32% số phải thu.
Từ năm 2014 đến 2016, số nợ lần lượt là 9.393 tỷ đồng, 9.921 tỷ đồng, 9.337 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2017, chỉ mới đến hết tháng 4, tổng số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đã lên đến 17.551 tỷ đồng, chiếm 6,6% kế hoạch thu.
Khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại 16 doanh nghiệp, gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn với 7.891 lao động tại 6 tỉnh, vào tháng 2/2017, cho thấy số liệu đáng báo động là chỉ có 13% số người lao động trong các doanh nghiệp được tham gia bảo hiểm xã hội.
Trước tình trạng lạm dụng chế độ, chính sách để trục lợi ngày càng phức tạp và số tiền nợ đọng tăng, khó có khả năng thu hồi, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tăng cường phối hợp với các bộ, ngành nhằm thực hiện tốt công tác quản lý về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trong đó có phối hợp với ngành Công an.
Năm 2012, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (nay là Tổng cục Cảnh sát) thuộc Bộ Công an đã thống nhất ban hành quy chế phối hợp trong phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần bảo vệ trật tự quản lý kinh tế và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội tại các đơn vị thuộc hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Đến nay, 58 Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố đã phối hợp với Công an địa phương thực hiện ký kết các Chương trình, Kế hoạch phối hợp trong phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. 5 địa phương chưa thực hiện ký kết Chương trình phối hợp gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Thái Bình.
Phát hiện nhiều vụ vi phạm Theo ông Trần Đức Long, Vụ trưởng Vụ Thanh tra, kiểm tra (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), từ năm 2012 đến nay, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố phối hợp với Công an và các cơ quan có liên quan ở địa phương thực hiện 835 cuộc thanh tra, kiểm tra, xác minh liên ngành tại 2.308 đơn vị (trong đó có 2.228 đơn vị sử dụng lao động; 80 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; phối hợp xác minh làm rõ 86 hồ sơ, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật).
Qua đó, đã phát hiện nhiều trường hợp lạm dụng, vi phạm, yêu cầu chủ sử dụng lao động làm thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho 4.812 lao động thuộc diện phải tham gia bảo hiểm xã hội; thực hiện khắc phục tiền nợ và truy thu (gồm cả tiền lãi chậm đóng) với số tiền là 576.073 triệu đồng; truy thu 17.043 triệu đồng tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và tiền chi sai do lạm dụng các chế độ bảo hiểm xã hội; thu hồi, xuất toán 48.861 triệu đồng do lạm dụng các chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Trong quá trình triển khai đôn đốc thu hồi số tiền do thanh tra, kiểm tra và phát hiện trục lợi, số tiền đã khắc phục nợ là 252.797 triệu đồng; thu hồi được 6.447 triệu đồng tiền truy đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tiền chi sai do lạm dụng các chế độ bảo hiểm xã hội và 3.134 triệu đồng do chi sai, lạm dụng các chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố đã phối hợp với các ngành và Công an địa phương thực hiện khởi kiện các đơn vị sử dụng lao động ra tòa án do nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội kéo dài; đồng thời kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính 459 tổ chức, cá nhân vi phạm, số tiền thu hồi do xử phạt vi phạm hành chính là 206 triệu đồng.
Điển hình như tại Thành phố Hồ Chí Minh có vụ việc một số cá nhân bắt tay nhau chiếm đoạt tiền trợ cấp thai sản và bảo hiểm xã hội một lần, với tổng số tiền hơn 1,3 tỷ đồng của 39 hồ sơ, trong đó có 35 hồ sơ hưởng chế độ thai sản với số tiền gần 1,29 tỷ đồng và 4 hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần với số tiền 29 triệu đồng. Có trường hợp cơ quan Bảo hiểm xã hội nhập không đúng mức lương tham gia bảo hiểm xã hội, dẫn đến thanh toán thừa 54 triệu đồng giải quyết chế độ cho 1 đối tượng. Nhiều lần cơ quan Bảo hiểm xã hội yêu cầu đối tượng hoàn trả lại số tiền thừa, nhưng đối tượng không thực hiện mà cố tình chiếm đoạt.
Tại tỉnh Đồng Nai đã phát hiện tình trạng đối tượng làm giả các chứng từ như: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, giấy khai sinh, giấy ra viện, giấy chứng minh nhân dân... nộp đến cơ quan Bảo hiểm xã hội để thanh toán các chế độ bảo hiểm xã hội. Bảo hiểm xã hội tỉnh đã chuyển 116 hồ sơ, giấy tờ làm giả để hưởng chế độ ốm đau, thai sản với số tiền 394 triệu đồng cho cơ quan Công an để xác minh, làm rõ.