Phí chênh lệch cao
Mặc dù trên phố Đinh Lễ (Hà Nội) không có một ngân hàng nào, nhưng lại được nhiều người Hà Nội biết đến như là một trung tâm đổi tiền lẻ, tiền mới. Đặc biệt, trong dịp cuối năm này, hoạt động đổi tiền ở khu vực này lại càng sôi động hơn. Kể cả khi trời mưa rét, lúc nào cũng có bốn, năm phụ nữ bám trụ tại Trung tâm Vàng bạc của Ngân hàng Nông nghiệp (ngã ba giao với phố Đinh Tiên Hoàng) để đổi tiền với mức phí chênh lệch “cắt cổ”.
Tiền lẻ được bày và đổi công khai tại Phủ Tây Hồ (Hà Nội). |
Chúng tôi vừa dừng xe trước cửa Trung tâm vàng bạc của Ngân hàng Nông nghiệp, ba người phụ nữ đã nhào ra mời chào.“Đổi tiền lẻ hay tiền mới. Vào đây chị đổi cho”, một chị mặc áo khoác gió màu vàng nhanh miệng mời mọc. Nhưng năm nay, họ không xòe tiền cho người mua xem như các năm trước vì sợ bị xử phạt từ 20 - 40 triệu đồng như theo quy định của Nhà nước. Do vậy, nếu muốn đổi tiền mới, khách phải thỏa thuận, đưa trước tiền cho họ và đợi 5 phút để họ đi lấy tiền ở gần đó.
“Muốn đổi tiền mệnh giá nào cũng có, với những loại tiền có mệnh giá lớn như 5.000 - 10.000 đồng thì tỷ lệ là 10 đổi 8, tức là 100.000 đồng thì đổi được 80.000 đồng. Nếu đổi tiền mệnh giá nhỏ hơn thì phí chênh lệch sẽ cao hơn. Muốn đổi 100.000 đồng tiền 500 đồng khách phải trả 140.000 đồng, đổi 100.000 đồng tiền 1.000 đồng thì mất thêm 30.000 đồng tiền chênh lệch. Còn đổi một cọc 200.000 đồng tiền 2.000, khách hàng phải mất thêm 40.000 đồng phí chênh lệch”, một người đổi tiền cho biết.
Khi chúng tôi phàn nàn mức phí đổi tiền này quá cao, một chị giải thích ngay “Năm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không in thêm tiền lẻ, nên rất khan hiếm, gần Tết có khi phí đổi tiền còn tăng cao hơn. Phí chênh lệch ở đâu cũng như vậy thôi, có khi còn đắt hơn. Hơn nữa, tiền của bọn chị là tiền mới “cứng”, còn nguyên seri ngân hàng. Tiền ở các cửa đình, chùa là có thể là tiền quay vòng nhiều lần. Còn về chất lượng, em yên tâm, tiền này đều từ ngân hàng ra, nguyên đai bảo đảm không thiếu tờ nào”.
Theo quan sát của phóng viên, trong vòng 15 phút đã gần chục người tới đây đổi tiền, bán ngoại tệ lẻ. Các cuộc trao đổi diễn ra rất nhanh, giao dịch hoàn tất chỉ trong 5 phút. Chị Nguyễn Thu Hải, nhân viên một bệnh viện ở Hà Nội cho biết: “Tôi đã nhờ mấy nơi đổi tiền mệnh giá nhỏ nhưng chưa được. Do vậy, chị em trong cơ quan gom tiền nhờ mình ra đây đổi hộ mỗi người một ít để đi chùa, mừng tuổi khi về quê. Mức phí chênh lệch ở đây khá cao nhưng tiền thì lúc nào cũng có sẵn, đủ mệnh giá, muốn đổi bao nhiêu cũng được”.
Theo ông Nguyễn Thành Lập, Trưởng BQL Di tích đền Bà Chúa Kho, thực hiện công văn NHNN, chúng tôi đã nghiêm túc chấp hành và tuyên truyền vận động các hộ không đổi tiền lẻ ở khu vực khuôn viên đền, có các biển thông báo nghiêm cấm đổi tiền lẻ, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh. Ban quản lý yêu cầu các hộ kinh doanh không làm dịch vụ đổi tiền lẻ trong khu vực di tích. |
Không lén lút như ở “trung tâm đổi tiền” Đinh Lễ, tại phủ Tây Hồ, tủ đựng tiền lẻ, tiền mới được bày công khai ngay trước cửa các quán nước, quán bán đồ lễ ngay cửa Phủ bất chấp lệnh cấm của Nhà nước.
Theo một người đổi tiền ngay cửa Phủ Tây Hồ cho biết: “Gần Tết và những ngày đầu năm mới là thời gian cao điểm để đổi tiền. Có ngày chúng tôi đổi được cả chục triệu đồng. Người đi lễ rất thích đổi các loại tiền mệnh giá nhỏ 500 - 2.000 đồng cúng lễ. Những loại tiền này có mức phí chênh lệch cũng khá cao, 10 ăn 6 hoặc 10 ăn 7 (100.000 đồng đổi được 60.000 - 70.000 đồng tiền lẻ). Với những loại tiền mệnh giá lớn hơn thì mức chênh lệch là 10 “ăn” 8”.
Nhân viên ngân hàng cũng khó đổi tiền
Trái ngược với sự sôi động bên ngoài thị trường đổi tiền, tại nhiều ngân hàng, việc đổi tiền cho nhân viên, khách hàng vẫn khá “im lìm”. Theo một nhân viên kế toán của Ngân hàng Tiên Phong (TP Bank) cho biết, lượng tiền mệnh giá nhỏ năm nay gần như không đổi được, vì NHNN không in thêm tiền lẻ. Ngoài ra, để đổi được tiền mới cũng rất khó khăn, hiện chúng tôi vẫn chưa được đổi tiền mới, thậm chí đổi tiền 50.000 đồng mới cũng rất khó.
Tương tự, một nhân viên của Ngân hàng SHB xác nhận, hiện vẫn chưa thấy ngân hàng có chính sách gì đổi tiền cho nhân viên. Nhiều người thân, họ hàng nhờ đổi tiền mới mà chúng tôi cũng không biết làm cách nào.
Đầu năm 2016, NHNN cho biết sẽ không in thêm tiền mới mệnh giá dưới 5.000 đồng, đồng thời cũng không chi các loại tiền mới in (còn tồn kho) từ 5.000 đồng trở xuống vào lưu thông, chỉ chi các loại tiền đã qua lưu thông để đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân. NHNN cũng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc đổi tiền lẻ trái phép, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để nhân dân sử dụng tiền mệnh giá nhỏ tiết kiệm, hợp lý, đúng chức năng khi tham gia lễ hội, đền, chùa...