Vào dịp hè, khi các em được nghỉ học nguy cơ tai nạn đuối nước lại càng gia tăng. Để tránh xảy ra những vụ tai nạn đuối nước đau lòng cần có những giải pháp cấp bách, căn cơ và sự vào cuộc mạnh mẽ từ gia đình, nhà trường và xã hội.
Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, những năm gần đây, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong cho trẻ em bị tai nạn, thương tích. Giai đoạn 2021 – 2023, toàn tỉnh có 216 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích thì có 181 trẻ bị tử vong do tai nạn đuối nước, chiếm 83,7%. Trong 5 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm làm 25 trường hợp tử vong, trong đó chủ yếu là trẻ em. Nhiều vụ tai nạn đã cướp đi sinh mạng của 2 – 3 em nhỏ trong cùng một buôn làng hay trong cùng một gia đình, họ hàng khiến nỗi đau thêm chồng chất. Đơn cử như vào ngày 19/5, trên địa bàn xã Ea Tir, huyện Ea H’leo hai cháu nhỏ là M.T.Q (5 tuổi) và H.T.N.T (6 tuổi), được phát hiện đã tử vong tại một ao nước do người dân đào để phục vụ sản xuất nông nghiệp tại thôn 4. Trước đó, ngày 18/5, tại xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cũng xảy ra vụ đuối nước khiến hai trẻ tử vong. Hai nạn nhân là H.T.H (13 tuổi) và H.Z.H (10 tuổi), cùng ngụ buôn H’Đơk, xã Ea Kao. Theo lãnh đạo UBND xã Ea Kao, trưa 18/5, hai trẻ xuống ao nước người dân đào (để tưới cây) tắm và không may bị đuối nước. Đây thực sự là những con số rất xót xa, gây tổn thương đến hạnh phúc của nhiều gia đình, trăn trở của nhà trường và xã hội trong công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em.
Theo ông Phạm Phượng, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn thương tích nói chung và tai nạn đuối nước nói riêng. Trước hết, trẻ em thiếu sự quan tâm, giám sát của cha mẹ, người chăm sóc; bản tính hiếu động, tò mò, thiếu kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ của trẻ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn, thương tích và tử vong do đuối nước. Bên cạnh đó, môi trường sống không an toàn, điều kiện kinh tế khó khăn là những yếu tố tăng thêm nguy cơ xảy ra các vụ đuối nước. Qua phân tích của cơ quan chức năng, các vụ đuối nước thường xảy ra chủ yếu ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn ít được tiếp cận với việc dạy bơi, kỹ năng phòng chống đuối nước.
Ngoài ra, Đắk Lắk có hệ thống ao, hồ, sông, suối, thác nước chiếm một tỷ lệ khá lớn và nằm rải rác đều khắp, số đập nước, giếng nước, hồ tưới tiêu của các nông trường, các hộ gia đình làm nông nghiệp tương đối lớn. Đặc điểm chung của các hồ, đập đa số đều sâu, lòng chảo, trong lúc đó hệ thống rào chắn, biển báo, biển cấm đề phòng nguy hiểm hầu như không được chú trọng. Đây cũng là một trong những tác nhân khách quan làm xảy ra nhiều vụ tai nạn đuối nước.
Tỉnh Đắk Lắk đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp như tăng cường các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích, phòng, chống đuối nước trẻ em cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ, cha mẹ và trẻ em. Tỉnh triển khai thực hiện mô hình “Ngôi nhà an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em”, “Xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em”; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống đuối nước trẻ em; triển khai hoạt động truyền thông phòng, chống đuối nước ở trẻ em, đặc biệt vào những tháng trước khi học sinh nghỉ hè; kiểm tra, phát hiện các “điểm nóng” có nguy cơ cao xảy ra đuối nước và có hình thức cảnh báo kịp thời, phù hợp. Cùng với đó, tỉnh cũng bố trí thêm kinh phí, huy động xã hội hóa để có thêm nguồn lực xây dựng các sân chơi, tổ chức dạy bơi miễn phí cho trẻ em, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Nhiều đơn vị, địa phương làm khá tốt như thành phố Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ, huyện Cư M'gar, huyện Ea H'leo, huyện Ea Kar...
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, hiệu quả trong công tác phòng chống tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước ở trẻ em vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Trẻ em bị tai nạn, thương tích nói chung, bị đuối nước nói riêng vẫn ở mức cao. Công tác phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn còn gặp rất nhiều khó khăn như người dân còn thiếu ý thức chấp hành các quy định an toàn về phòng chống đuối nước cho trẻ em; kinh phí thực hiện công tác này còn rất eo hẹp; công tác tuyên truyền, thông tin, truyền thông ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn chưa sâu rộng...
Để giảm thiểu đến mức thấp nhất những vụ tai nạn thương tích, trong đó có đuối nước trẻ em, thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục triển khai rộng rãi, hiệu quả các mô hình, dự án liên quan đến công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, tạo môi trường an toàn cho trẻ em ở gia đình thông qua xây dựng Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; ở trường học thông qua xây dựng Trường học an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích và ở cộng đồng thông qua xây dựng Cộng đồng an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích. Phát huy mọi nguồn lực hiện có của tỉnh, tăng cường huy động nguồn lực xã hội hóa trong công tác dạy bơi an toàn cho trẻ em ở cộng đồng, trong trường học. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh công tác tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho cán bộ, người làm công tác trẻ em, cho trẻ em, gia đình, trường học và cộng đồng; triển khai kịp thời công tác hỗ trợ, can thiệp khi có trẻ em bị tai nạn, thương tích...
Theo lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, tuy cơ quan chức năng đã cảnh báo nhưng tai nạn đuối nước ở trẻ em trên địa bàn vẫn đang là một vấn đề gây nhiều bức xúc trong cộng đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của mỗi gia đình và sự phát triển toàn diện của trẻ em. Vì thế, để trẻ em có một môi trường sống an toàn, lành mạnh cần có sự chung tay trách nhiệm của cả cộng đồng xã hội. Và trên hết là sự quan tâm, giám sát từ chính mỗi gia đình. Đây là điều quan trọng nhất để có thể tránh những hậu quả đáng tiếc, đau buồn do đuối nước gây ra.