Thấm nhuần lời dạy của Bác "lương y như từ mẫu", những người phụ nữ ấy gác lại công việc riêng, xông pha và sẵn sàng có mặt ở tuyến đầu, thực hiện trách nhiệm lớn lao trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
"Chiến đấu" từ cơ sở
Là cửa ngõ của huyện Ba Tri, xã An Ngãi Trung có hơn 2.700 hộ với gần 10.000 người nhưng chỉ có 6 cán bộ y tế. Vào cao điểm chống dịch, cán bộ, nhân viên y tế của Trạm y tế xã An Ngãi Trung quá tải. Nhập cuộc ngay từ những ngày đầu, nữ y sĩ Đặng Thị Hoàng Oanh xác định sứ mệnh của nhân viên tuyến y tế cơ sở là gần dân nhất, sát dân nhất, không thể đứng ngoài cuộc".
"Biên chế ít và phải thực hiện khối việc công việc lớn, vất vả, từ tuyên truyền, tư vấn cho bệnh nhân và người dân, tham gia tiêm phòng vaccine, xét nghiệm tầm soát, truy vết F1, F0, nhưng bằng tinh thần trách nhiệm, chúng tôi động viên nhau để cùng nỗ lực hết mình vì sức khỏe của nhân dân", y sỹ Hoàng Oanh bộc bạch
Đối với chị Trần Thị Hồng Gấm, cán bộ phụ trách công tác dân số của Trạm y tế xã An Ngãi Trung, đó là những ngày không thể nào quên, là những ngày chưa từng có tiền lệ trong suốt hơn 10 năm công tác trong ngành.
Đa phần nhân viên y tế của trạm là nữ và có con nhỏ nên khi số ca mắc mới liên tục tăng mọi người đều gửi con cho người thân để bám trụ tại cơ quan, tức tốc lên đường truy vết, thực hiện các biện pháp cách ly kịp thời khi có trường hợp nhiễm. Bất kể nắng hay mưa, những nhân viên y tế luôn trong tình trạng ướt sũng mồ hôi để tham gia truy vết nhanh các trường hợp có liên quan khi phát hiện F0 tại cộng đồng. "Có những lúc mệt lả người, không nuốt nổi cơm nhưng ai cũng cố gắng vượt qua và tiếp tục "chiến đấu" cùng đồng đội", chị Gấm kể.
Trách nhiệm khi khoác chiếc áo blouse
Về hưu tháng 6/2021, song trước tình hình Trạm y tế xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú thiếu nhân sự cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, điều dưỡng Phan Thị Thúy (56 tuổi) quyết định tiếp tục "sát cánh" cùng đơn vị.
Ngay lúc đó, chị quên mình đã cao tuổi, chỉ nhớ mình khoác áo blouse trắng và phải có trách nhiệm với người dân. Bởi vậy dù là phát thuốc cho F0, hướng dẫn, hỗ trợ F0 điều trị tại nhà, phát hiện những trường hợp có triệu chứng thì tư vấn, hướng dẫn khai báo y tế tại trạm và thực hiện xét nghiệm sàng lọc...bà vẫn "say" với nghề và quên đi nguy hiểm.
Tiếp nối tinh thần nhiệt huyết, trách nhiệm của thế hệ đi trước, những thầy thuốc trẻ cũng sẵn sàng ra tuyến đầu. Có mặt tại Bệnh viện Dã chiến số 1 từ những ngày đầu thành lập, nữ dược sỹ trẻ Trần Thị Hạnh Nguyên, Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Bến Tre đã cùng đồng nghiệp giúp nhiều bệnh nhân chiến thắng dịch bệnh. Dược sỹ Trần Thị Hạnh Nguyên chia sẻ, những ngày đầu tiếp nhận nhiệm vụ, bản thân không tránh khỏi sự lo sợ trước những ca bệnh phức tạp.
Nhưng sau thời gian tự trấn tĩnh, cô biết bệnh nhân cần mình. Từ đó, dược sỹ trẻ cùng cả đơn vị "đồng hành" tác chiến, giành lại sự sống cho bệnh nhân suốt từ tháng 7/2021 đến nay. 24 giờ trong ngày, 7 ngày trong tuần nơi bệnh viện dã chiến, nhân viên y tế không thể - không dám - không được rời khỏi bộ đồ kín mít, bởi từng phút, từng giây là từng hy vọng cho mỗi bệnh nhân. Khó khăn, vất vả là vậy nhưng chưa bao giờ điều đó làn cản trở ý chí, làm chùn chân các chiến sỹ áo trắng, trong đó có lực lượng trẻ,trên hành trình chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bến Tre Ngô Văn Tán cho biết, trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, ngành y tế toàn tỉnh đã kích hoạt các đội phản ứng nhanh, huy động tổng lực với hàng ngàn cán bộ y tế các tuyến. Không kể ngày đêm, mưa nắng để tập trung cao độ, nhằm tìm kiếm, truy vết, cách ly F1, F2 một cách nhanh nhất. Hàng trăm cán bộ ở lại các khu cách ly tập trung để chăm sóc, theo dõi sức khỏe cho người dân.
Cùng với các đồng nghiệp nam, những chiến sĩ, những y bác sĩ nữ đã không chần chừ, nhanh chóng xung phong lao vào trận chiến với kẻ thù vô hình cùng mong muốn sớm khống chế, đẩy lùi dịch bệnh. Giám đốc Sở Y tế bày tỏ, những chiến sĩ áo trắng thầm lặng với công việc chuyên môn. Họ luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu với dịch bệnh, bất kể ngày hay đêm.
Hiện nay, dù dịch bệnh đang được kiểm soát nhưng cán bộ y tế ở cơ sở vẫn chưa được nghỉ ngơi mà tiếp tục là lực lượng chủ lực, tuyến đầu để phòng, chống dịch trong tình hình mới; cũng đồng nghĩa với nhiệm vụ của các nữ y, bác sĩ còn khó khăn, gian khổ phía trước. Với sự bền bỉ, kiên cường vượt qua mọi áp lực công việc, hy sinh hạnh phúc cá nhân vì mục tiêu sức khỏe người dân, những nữ chiến sĩ áo trắng sẽ tiếp tục phát huy bản lĩnh, trí tuệ của người phụ nữ hiện đại, "giỏi việc nước - đảm việc nhà", góp sức tích cực vào cuộc chiến đẩy lùi đại dịch COVID-19.