Xã hội phát triển, mức sống của người dân được cải thiện, người ta uống bia rượu nhiều hơn. Rượu vào lời ra, càng uống càng say, càng say càng uống như một vòng luẩn quẩn của kẻ nát rượu, và hậu quả của nhiều trận say bí tỉ là tổ ấm gia đình tan nát.
“Uống đi mà. Đúng là cái đồ mặc váy, đồ sợ vợ”. “Ông bảo ai mặc váy, ai sợ vợ hả” “Tao bảo mày đấy” “Ông cần gì?”. “Choang”, một ly rượu đầy vỡ nát đập xuống nền nhà. Quân đấm thẳng vào mặt Hùng. Mọi người trong quán đứng chứng kiến và dãn ra. Hùng rút giao Thái Lan đâm Quân 2 nhát vào sườn rồi bỏ chạy. Mọi người đưa Quân đi cấp cứu.
Nhậu say xỉn, nguyên nhân làm đổ vỡ hạnh phúc gia đình. |
Thì ra Quân và Hùng cùng làm chung cơ quan. Do mâu thuẫn chuyện riêng tư nên ra quán giải hòa bằng rượu. Ai dè hòa không giải được, lại bị công an giải lên phường làm việc.
Gia đình anh Thắng, chị Thuật tan vỡ cũng vì anh Thắng uống rượu bia, nhậu nhẹt quá đà. Chị Thuật làm giáo viên, còn anh Thắng làm thợ xẻ gỗ đóng bàn ghế. Anh nghiện rượu. Buổi sáng, Thắng “súc miệng” một xị, trưa nửa lít, tối tùy theo nhu cầu mồi nhiều hay ít, ngon hay không ngon, bạn bè thân hay nhậu một mình… Nhiều hôm, Thắng về trong tình trạng say khướt, chân nam đá chân chiêu, 2 giờ sáng hò hét vợ ra mở cửa. Chị Thuật chưa kịp mở khóa đã thấy chồng nằm vật ra hè. Có hôm, Thắng uống rượu say lên Tượng đài liệt sĩ thành phố Vũng Tàu “nằm cho mát”, làm vợ, con đi tìm cả đêm. Nhiều bữa, đồng nghiệp của Thuận đến nhà chơi, chưa kịp ngồi ghế, Thắng đã sỗ sàng nói năng bất nhã, chị Thuật xấu hổ và xin lỗi khách vì thói rượu chè vô độ của chồng. Có đêm, chị đem con đến hàng xóm ngủ nhờ, vì không chịu được tiếng la hét, tiếng gõ bát chén của chồng và mấy người bạn nhậu của chồng. Họ hát karaoke làm cả xóm mất ngủ. Tàn tiệc, họ lăn ra ngủ gáy òng ọc, và nôn thốc nôn tháo ra giường, nệm, nằm cả lên “sản phẩm” vừa nôn ra. Cả nhà tanh tưởi nồng nặc như chợ cá ươn. Nhiều lần chị Thuật động viên phân tích bỏ rượu, song Thắng vẫn chứng nào tật ấy. Không thể cải chính được ông chồng rượu chè, chị làm đơn ly hôn đưa chồng ký. Thắng van xin “Anh xin chừa và từ nay không uống rượu nữa. Nếu có chỉ khi nhà có khách. Nhưng nếu anh không uống, chúng nó lại cho mình là vặc váy. Tức lắm cơ” rồi bao lời thề non hẹn biển. Vậy là chị Thuật lại tha cho chồng.
Ngày nào cũng nhậu như vậy sao mà chịu được. Thương con nhỏ nên em mới trì hoãn đến bây giờ. Không có chồng thì thiệt thòi, nhưng còn hơn là chồng lúc nào cũng như hùm báo khi say rượu. Chị Thuật kể mà nước mắt lưng tròng. Với chị, bây giờ không phải là chuyện có đi thêm bước nữa hay không, mà cầu mong sao thoát khỏi tay người chồng bợm nhậu càng nhanh càng tốt.
Cùng nỗi khổ như chị Thuật, chị Gấm có ông chồng tối ngày sáng xỉn chiều say. Ngày chưa cưới nhau, biết Nguyên có tính hay rượu chè, nhưng chị vẫn chấp nhận làm vợ vì tưởng sẽ hoán cải được chồng. Ai dè đêm tân hôn thay vì được hạnh phúc thì lại bị chồng đạp vào mặt vì say bí tỉ không biết gì. Thất vọng chen lẫn tủi thân, chị không trách chồng mà động viên: “Em không cấm anh uống rượu, nhưng uống mà quên vợ thì không nên. Anh nên uống ít còn bảo đảm sức khỏe nữa chứ”. Thoạt đầu, cứ nghĩ chồng nhận ra sai trái mà uống ít, nhưng không, chán uống ở nhà, Nguyên rủ bạn bè đi nhậu ngoài quán. Nhiều bữa, Nguyên nhậu say, lột hết quần áo nằm trên ghế lăn xuống đất ngay phòng làm việc cơ quan khiến đồng nghiệp phải khiêng về nhà. Có bữa, Nguyên uống rượu chửi đổng gây sự với đồng nghiệp, cơ quan răn đe, nhưng Nguyên vẫn chứng nào tật đấy. Vậy là Nguyên bị sa thải vì suốt ngày say rượu, đánh đề, đánh bài ăn tiền.
Từ ngày Nguyên bị đuổi việc, tất cả gánh nặng gia đình đè lên vai Gấm. Lương không đủ ăn, lại thêm ông chồng nghiện rượu nghiện đề. Trước đây Gấm còn dành dụm mua cho con hộp sữa, nhưng từ khi Nguyên thường xuyên lấy trộm tiền đi uống rượu thì đến tiền mua rau muống cũng không đủ. Ngày 8 tháng 3 vừa qua, trường Gấm tổ chức liên hoan có mời “phu quân” của các cô giáo. Biết là chồng mình hay rượu, Gấm định từ chối, nhưng nghĩ thương chồng ăn cơm một mình, hơn nữa có mặt ban giám hiệu, chắc chồng mình cũng chẳng giám làm gì. Ai dè, rượu vào lời ra, Nguyên chửi cả ban giám hiệu nhà trường. Vợ can ngăn thì đuổi khắp trường để đánh. Rồi còn đòi ân ái ngay tại giếng nước tập thể của trường. Xấu hổ chua xót, không thể sống với “lão Chí Phèo”, Gấm làm đơn ly hôn thì Nguyên tuyên bố: “mày bỏ, tao sẽ chém thằng con”. Gấm sợ quá lại không dám làm gì nữa. Nhưng không thể cứ kéo dài sự đau khổ, Gấm dọn hẳn đến trường ở tránh đòn roi của chồng và nhờ nhà trường giúp đỡ chở che. Được sự động viên của đồng nghiệp và giúp đỡ của công đoàn, Gấm quyết định ly hôn. Ngày ra tòa, đồng nghiệp của Gấm giữ hộ đứa con sợ ông chồng “khùng lên mất tính người” với thằng bé. Gấm nói trong nước mắt “Tôi càng nhân nhượng thì anh ấy càng lấn tới. Thà tôi nuôi con một mình còn hơn là cơ cực cả đời với kẻ nát rượu. Rồi con tôi sẽ ra sao nếu có một người bố suốt ngày be rét rượu, đề”. Được tòa giải quyết ly hôn, chị Gấm như trút gánh nặng. “Người vợ khổ nhất là có chồng nghiện rượu. Khó khăn về kinh tế đã đành, mà tình cảm vợ chồng cũng hủy hoại từ đây. Thà đau khổ một ngày còn hơn cả đời chịu nhục”, chị Gấm nói.
Có lẽ trên thế giới này, không ở đâu nhậu nhẹt nhiều bằng ở Việt Nam. Quán nhậu, nhà hàng mọc lên như nấm khắp các ngõ ngách, phố phường. Kết quả điều tra của Viện Chiến lược và Chính sách y tế cho thấy: Cán bộ công chức nhà nước nam giới là đối tượng sử dụng bia rượu nhiều nhất. Kế đến là nam công nhân trong các doanh nghiệp, người làm nghề tự do và nông dân. Người có văn hóa, trình độ học vấn càng sử dụng nhiều rượu bia. Hiện nay, thị trường rượu bia ở nước ta phát triển chóng mặt. Có cung sẽ có cầu. Đây là thị trường để những người nghiện rượu nghiện thêm.
Một Việt Nam đổi mới hội nhập và phát triển uống rượu bia nhiều không thể coi là việc nhỏ. Đối với thanh niên, sinh viên cần có sự định hướng giáo dục nếp sống, việc uống rượu bia sao cho có văn hóa. Nên chăng, uống rượu bia cũng là một tiêu chí để đánh giá cán bộ công chức.
Uống rượu bia say đã trở thành một thói quen khó từ chối, một tập quán không đẹp. Mỗi ngày nếu uống một lon bia, 1-2 ly rượu trước bữa ăn, khi tiếp khách quí, bạn bè thì chẳng có vấn đề gì. Ngược lại, ép nhau uống cho đến say bí tỷ, thì đáng phê phán. Uống không say không về, uống ít là chơi không đẹp, là không chịu chơi… uống kiểu ấy không chỉ trái với nét đẹp văn hóa dân tộc, tổn hại sức khỏe, lãng phí thời gian vàng ngọc, mà còn dẫn đến đâm chém, ẩu đả, tan nát gia đình. Như gia đình anh Thắng chị Thuật, chị Gấm anh Nguyên. Thật đúng là: Rượu vào lời ra thành ma phá vỡ hạnh phúc gia đình.
Bài và ảnh: Mai Thắng